(Tổ Quốc) - Nhận được bài ôn tập tại lớp của con với phần chấm kết quả con làm của cô giáo mà bà mẹ học sinh lớp 5 tại Hà Nội 'tá hỏa' bởi nhìn từ đầu tới cuối bài ôn tập chỉ có phần bút đỏ ghi "đ" hoặc "s" (đúng/sai) ở mỗi phần làm mà không có phần lý giải tại sao lại như vậy và phương án nào là phương án đúng.
Thời điểm này các trường Tiểu học trên địa bàn Hà Nội đang tổ chức ôn tập để các học sinh làm bài kiểm tra đánh giá kết quả học tập giữa kỳ 1 của năm học.
Liên tục các ngày trong tuần, giáo viên sẽ phát cho các con bài ôn tập, mỗi ngày một bài, ở một dạng khác nhau và các cô giáo sẽ thu, chấm phần bài làm của các con rồi trả kết quả. Thế nhưng với một phụ huynh có con đang học lớp 5, cách giáo viên dạy toán của lớp con chị đang học có phần khó hiểu bởi trên bài làm của con mà cô giáo đã chấm điểm và trả lại cho con chỉ có phần chấm đúng (đ) hoặc sai (s) bằng mực đỏ, bài của học sinh này bị sai mất 4 câu mà không kèm theo phần chấm đúng cho mỗi câu sai khiến bà mẹ rối tinh rối mù.
Một bài ôn tập học sinh làm trên lớp đã được giáo viên chấm và gửi về cho phụ huynh
Trao đổi với giáo viên, vị phụ huynh này nhận được câu trả lời cho cách chấm bài này là thực hiện theo Thông tư hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của con mà không kèm theo phần sửa trực tiếp từng bài, theo quy trình, cô giáo sẽ thực hiện việc hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học sinh: cho học sinh ôn tập, yêu cầu các học sinh thực hiện bài ôn tập theo các dạng bài kiểm tra, học sinh làm xong cô giáo sẽ thu bài, chấm bài và trả kết quả. Sau đó cô sẽ có một buổi để hướng dẫn chung học sinh có kết quả đúng nhất chứ không chấm sửa trực tiếp vào bài. Thế nhưng tới nay, đã sau 3 ngày cô trả kết quả bài làm, chị vẫn chưa thấy con nói là cô chữa bài trên lớp.
Thế nhưng với cách thực hiện của cô giáo như vậy cũng khiến không chỉ phụ huynh này mà nhiều người khác khó có thể hướng dẫn con học ở nhà bởi, chương trình học hiện nay khác rất nhiều so với chương trình thế hệ các bố mẹ trước đây học, để có thể xác định được đúng hay sai cũng đã là việc khó, như bài toán hình vuông đang gây tranh cãi trên một số diễn đàn, báo chí đã đưa tin từ 2 ngày nay. Mỗi lần bố mẹ hướng dẫn cho con là đã phải tra đủ loại tài liệu, giở đủ loại sách, cẩm nang, google… để tham khảo, nếu không thì không thể hướng dẫn được cho con. Và có thể tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan cũng chính là một hệ quả của việc này.
Phụ huynh đau đầu, giáo viên tranh cãi về bài toán tìm hình vuông của học sinh lớp 1 (Lao động)
Thêm vào đó, mỗi ngày ở lớp các con thực hiện một bài kiểm tra ôn tập toán, ngoài ra còn những môn học khác cũng ôn tập và làm bài kiểm tra ôn tập. Vậy nếu cô giáo không sửa ngay bài cho con, bố mẹ không hướng dẫn con hoàn thành bài và học thêm ở nhà, e rằng các lỗi con mắc phải sẽ không thể khắc phục được.
Việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường, việc các giáo viên liên lạc thường xuyên với phụ huynh học sinh và việc các phụ huynh trao đổi với giáo viên là để có thể giúp học sinh học tập có kết quả tốt nhất. Cũng cần phải nói thêm rằng để đạt được mục đích này, chúng ta có thể có nhiều cách để hướng tới một nền giáo dục hoàn chỉnh. Chính vì vậy, việc hiểu và cùng thống nhất cách chấm bài, quy trình ôn tập, kiểm tra giữa các trường với nhau, để làm sao việc phối kết hợp giữa nhà trường - gia đình trong việc nuôi dưỡng, đào tạo con trẻ là những việc các giáo viên cần phải lưu ý, ngoài việc hàng ngày lên lớp dạy học sinh.