• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cơn sóng 'sát thủ' vừa tấn công du thuyền khổng lồ gần Nam Cực đến từ đâu?

Khám phá 14/12/2022 08:02

(Tổ Quốc) - Một con sóng sát thủ mới đây đã tấn công một du thuyền đang đi từ Nam Cực đến Argentina, khiến một hành khách qua đời, và bốn hành khách khác bị thương.

Theo hãng thông tấn AFP, vào đêm ngày 29/11 vừa qua, một cơn sóng lớn bất thường đã ập vào tàu du lịch Viking Polaris khi nó đang đi qua eo biển Drake ở Nam Đại Dương của Nam Cực để tới Ushuaia - một cảng biển nằm ở Argentina, nơi tổ chức nhiều chuyến du ngoạn ở Nam Cực. 

Được biết, lực đập siêu mạnh của bức tường nước khổng lồ đã hất tung hành khách và đập vỡ một số cửa sổ bên ngoài, làm ngập một số phòng và gây thêm hư hỏng cấu trúc bên trong. Một phụ nữ người Mỹ 62 tuổi, Sheri Zhu, đã thiệt mạng bởi vết thương do kính vỡ gây ra, trong khi 4 hành khách khác bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, theo trang tin ABC News của Úc.

Cơn sóng 'sát thủ' vừa tấn công du thuyền khổng lồ gần Nam Cực đến từ đâu? - Ảnh 1.

Viking Polaris, một du thuyền treo cờ Na Uy, được nhìn thấy đang thả neo ở Ushuaia, miền nam Argentina, vào ngày 1/12, khoảng hai ngày sau khi bị một con sóng lớn đánh vào mạn tàu khiến một hành khách thiệt mạng.

"Làn sóng này ập đến và tràn qua các cửa sổ theo đúng nghĩa đen và tràn vào những căn phòng này. Nó không chỉ tràn vào các phòng mà còn phá vỡ các bức tường.", Tom Trusdale, một hành khách trên tàu Viking Polaris khi sự cố xảy ra, nói với ABC News.

Viking, công ty du lịch sở hữu di thuyền Viking Polaris, đã thông báo sự kiện bi thảm này được gây ra bởi một "con sóng sát thủ". Các chuyến du ngoạn sắp tới của Viking Polaris đã bị hủy bỏ cho đến khi con tàu có thể được sửa chữa hoàn toàn và một cuộc điều tra thích hợp về những gì đã xảy ra đã được tiến hành.

Sóng sát thủ là gì?

Sóng độc hay còn gọi là sóng sát thủ là một loại sóng xuất hiện bất ngờ trên biển với kích thước khổng lồ so với chiều cao trung bình của một cơn sóng tại một khu vực và thời điểm nhất định, theo định nghĩa của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.

Với chiều cao có thể lên tới 20-30m, sóng sát thủ trở thành mối hiểm họa không thể lường trước ngay cả với những tàu biển có trọng tải lớn, khi những bức tường nước khổng lồ dường như đến từ hư không và không có cảnh báo.

Bản thân sóng sát thủ cũng khác biệt rất nhiều do với sóng thần - loại sóng sinh ra từ các hoạt động địa chấn và chỉ xuất hiện ở những vùng nước nông - gần bờ.

Đã có một thời gian dài giới khoa học không tin vào sự tồn tại của sóng sát thủ. Một số nhà nghiên cứu cho đó là điều ảo tưởng, vì sự xuất hiện của những cơn sóng loại này không nằm trong một quy luật sóng biển nào, đồng thời cũng không đủ bằng chứng để chứng minh cho sự tồn tại của nó.

Thế nhưng, những cuộc nghiên cứu mới đây trong phạm vi dự án MaxWave (sóng cực đại) - một dự án khảo sát bề mặt đại dương với sự trợ giúp của 2 vệ tinh ERS-1 và ERS-2 thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) - đã ghi nhận được trong vòng 3 tuần xuất hiện trên các đại dương 10 ngọn sóng sát thủ với chiều cao hơn 25 mét. Những phát hiện này đã buộc phải có sự nhìn nhận lại về nguyên nhân đắm của những con tàu vận tải biển khổng lồ (có chiều cao tương đương) trong 2 thập kỷ trước.

Cơ chế chính xác đằng sau những con sóng bất thường này vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng độ cao bất thường của cơn sóng được hình thành từ những con sóng nhỏ hơn hợp nhất thành, dưới tác động của gió lớn trên bề mặt đại dương hoặc từ sự thay đổi của dòng hải lưu do bão gây ra, theo NOAA.

Với riêng vụ việc mới nhất xảy ra với tàu Viking Polaris, các nhà điều tra chưa thể khẳng định liệu con sóng đánh vào du thuyền có đủ điều kiện để coi là sóng sát thủ hay không, trong bối cảnh vẫn chưa có dữ liệu chính xác về chiều cao sóng hoặc tình trạng khu vực biển xung quanh.

Cơn sóng 'sát thủ' vừa tấn công du thuyền khổng lồ gần Nam Cực đến từ đâu? - Ảnh 2.

Nhưng cơn sóng sát thủ có chiều cao từ 20-30m và xuất hiện một cách bất ngờ

Theo CNN, một cơn bão đang hoành hành khi con sóng ập đến, điều này có thể tạo điều kiện cần thiết để một làn sóng sát thủ hình thành. Bản thân Eo biển Drake – nơi con tàu gặp nạn - cũng là một khu vực khét tiếng nguy hiểm của phía Nam Đại Dương. Đây là nơi có vùng nước sâu được 'nuôi dưỡng' bởi Hải lưu vòng Nam Cực (dòng hải lưu chảy chiều kim đồng hồ từ phía tây sang đông xung quanh Nam Cực) mạnh mẽ, khiến khu vực này thường xuất hiện các cơn sóng bình thường với kích thước rất lớn, theo Britannica. Vào hôm 2/12, một hành khách trên một con tàu du lịch khi đi qua eo biển Drake cũng đã chia sẻ video về một con sóng lớn khác nhưng có mức độ ít tàn phá ít hơn.

Nhìn ngược lại quá khứ, con sóng sát thủ lớn nhất từng được ghi nhận là sóng Draupner, với bức tường nước cao tới 84 foot (25,6 mét) được quan sát gần Na Uy vào năm 1995.

Tuy nhiên, làn sóng bất hảo nhất từng được ghi nhận là sóng Ucluelet, cao 58 foot (17,7 m) được phát hiện bởi một phao đại dương ngoài khơi đảo Vancouver ở British Columbia vào tháng 11/2020. Sóng Ucluelet được coi là cơn sóng cực đoan nhất vì nó cao hơn khoảng ba lần so với chiều cao trung bình của các cơn sóng xung quanh, trong khi sóng Draupner chỉ cao khoảng gấp đôi so với các cơn sóng xung quanh. 

Vào năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Báo cáo khoa học đã dự đoán rằng sóng sát thủ  có thể ít xảy ra hơn, nhưng sẽ trở nên cực đoan hơn trong tương lai do tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra. 

Tham khảo Live Science / Wikipedia 

Anh Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ