• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

COP28: 63 quốc gia cam kết giảm phát thải từ việc làm mát

Thế giới 06/12/2023 16:39

(Tổ Quốc) - Theo trang Nikkei Asia, tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), 63 quốc gia đã cam kết cắt giảm phát thải 68% từ quá trình làm mát vào năm 2050, mục tiêu giảm sử dụng điện lạnh và điều hòa không khí.

Cam kết làm mát toàn cầu

Ngày 5/12, trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai (UAE) đã diễn ra Lễ công bố "Cam kết làm mát toàn cầu" (Global Cooling Pledge). Tuyên bố cam kết các quốc gia sẽ giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát vào năm 2050 so với mức năm 2022, cùng với một loạt mục tiêu khác bao gồm thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu vào năm 2030.

COP28: 63 quốc gia cam kết giảm phát thải từ việc làm mát  - Ảnh 1.

Đặc phái viên về khí hậu John Kerry phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai vào ngày 5/12. Ảnh: Reuters

Đây được xem như nỗ lực chung đầu tiên của thế giới nhằm giảm lượng khí thải phát ra do quá trình làm mát của con người, bao gồm việc làm lạnh cho thực phẩm, thuốc men và điều hòa không khí.

Hàng năm, khoảng 1/3 dân số thế giới phải hứng chịu những đợt nắng nóng chết người kéo dài rất nhiều ngày. Các hoạt động làm mát giúp cải thiện sức khỏe do nắng nóng và đóng vai trò thiết yếu trong một số lĩnh vực quan trọng như bảo quản, phân phối thực phẩm hay phân phối vaccine.

Tuy nhiên, hoạt động làm mát thông thường, chẳng hạn như sử dụng điều hòa không khí, lại gây phát thải hơn 7% khí nhà kính toàn cầu và là một trong nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nếu không được quản lý, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, kéo theo làm tăng phát thải khí nhà kính. Con người càng làm mát thì Trái đất sẽ càng nóng lên.

Cam kết làm mát toàn cầu đánh dấu sự nhất trí chung đầu tiên của các nước trên thế giới trong nỗ lực đưa ra các giải pháp giảm lượng khí thải từ việc làm mát.

Các quốc gia sẽ giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát vào năm 2050 so với năm 2022, cùng với một loạt mục tiêu khác bao gồm thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu vào năm 2030.

"Chúng tôi muốn vạch ra một lộ trình để giảm lượng khí thải liên quan đến làm mát trên tất cả các lĩnh vực nhưng tăng khả năng tiếp cận với hệ thống làm mát bền vững", Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ ông John Kerry nói tại COP28.

Thế giới hiện phải đối mặt với thách thức lớn khi khoảng 1,2 tỷ người cần làm mát vẫn chưa thể tiếp cận với nhu cầu này. Bởi vậy, công suất lắp đặt các thiết bị làm mát dự kiến sẽ tăng gấp 3 vào giữa thế kỷ này, do nhiệt độ cao, dân số ngày càng tăng và thu nhập nhiều hơn.

Đại diện từ Cộng hòa Sierra Leone ông Freetown Yvonne Aki-Sawyerr nhấn mạnh chúng ta hãy tưởng tượng cộng đồng sống ở khu ổ chuột, những khu định cư không chính thức, những ngôi nhà làm bằng tôn và bên cạnh là chiếc máy điều hòa không khí. Khát vọng của người dân là khi nhiệt độ tăng lên, thu nhập tăng lên, sự giàu có đồng nghĩa với cơ hội tận hưởng không khí mát mẻ.

Tuy nhiên, theo ông Freetown Yvonne Aki-Sawyerr, nếu chỉ sử dụng máy điều hòa không khí để thỏa mãn nhu cầu làm mát thì nguy cơ về cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ tăng gấp đôi khi lượng khí thải làm mát dự kiến sẽ đạt từ 4,4 tỷ đến 6,1 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2050, theo báo cáo của liên minh Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).

"Mọi người sẽ mua một chiếc máy điều hòa không khí rất rẻ được sản xuất ở đâu đó với giá khoảng 100 đô la và cắm điện. Điều đó sẽ khiến hệ thống năng lượng phải tải rất nhiều và dẫn đến sự sụp đổ. Tôi không nghĩ đây là ý tưởng hay", ông Jurgen Fischer, Chủ tịch giải pháp khí hậu tại công ty đa quốc gia Danfoss của Đan Mạch chuyên về sưởi ấm và làm mát cho biết

Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia được dự báo sẽ có nhu cầu làm mát tăng mạnh nhất trong những thập kỷ tới, vẫn chưa tham gia cam kết tính đến ngày 5/12. Các quan chức cấp cao Ấn Độ trước đó nói rằng họ không sẵn sàng thực hiện các mục tiêu cao hơn Nghị định thư Montreal 1992 về việc hạn chế phát thải trong làm mát.

Theo dõi hàng năm

Báo cáo của UNEP cho biết tiềm năng giảm lượng khí thải làm mát vào giữa thế kỷ này có thể được tìm thấy ở Nhóm các nền kinh lớn G20.

"Các quốc gia đã đăng ký và hiện đang hành động và thúc đẩy hợp tác để triển khai các giải pháp bền vững", ông Fischer của Danfoss cho biết.

Trong khi đó, khoảng 118 quốc gia cũng đang ủng hộ cam kết khác của COP28 nhằm tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng hiệu quả vào năm 2030.

Liên minh châu Âu lần đầu tiên kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước thông qua mục tiêu này vào hồi đầu năm 2023. Sau đó Mỹ, chủ nhà COP28 và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Nhóm các nước công nghiệp phát triển, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới đều lên tiếng ủng hộ cao kết. Mục tiêu đặt ra là tăng sản lượng năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải.

Tiến trình đáp ứng các mục tiêu cam kết làm mát toàn cầu sẽ được theo dõi hàng năm cho đến năm 2030 thông qua các cuộc kiểm tra tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên hợp quốc./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ