• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuba 10 năm qua và di sản của Raul Castro

Thế giới 04/05/2018 09:16

(Tổ Quốc) - Cuba cuộc sống thay đổi từng ngày.

(Tiếp theo)

6. Ân xá: Trong 10 năm Raul Castro cầm quyền, đã một số lần thực hiện ân xá, trong đó các cuộc ân xá sâu rộng nhất được tiến hành vào các năm 2011, 2015 và 2016. Năm 2011, chính quyền Cuba trả tự do cho 2.900 tù nhân, trong đó có những người bị xử về “tội chống lại an ninh quốc gia” và tù nhân nước ngoài đến từ 25 quốc gia. Tuy vậy, công dân Mỹ Alan Gross, người được chính quyền Mỹ đề đạt yêu cầu trả tự do, vẫn chưa được trả tự do trong đợt ân xá đầu tiên này. Từ năm 2011, Alan Gross chịu hình phạt tù 15 năm do vận chuyển vào Cuba các thiết bị để kết nối internet. Năm 2014, Gross được trao trả trong khuôn khổ trao đổi tù nhân giữa Cuba và Mỹ. Có hai lần vào năm 2015 và 2016, tù nhân Cuba đã được thả trong thời gian trước chuyến thăm Cuba của Giáo hoàng thành Roma. Năm 2015, chính phủ thả hơn 3.500 tù nhân. Năm 2016, Cuba ân xá thêm 787 bị án.

7. Người di cư: Trước khi ông Raul Castro nắm quyền, để đi ra nước ngoài, người Cuba phải có giấy phép đặc biệt. Tháng 1/2013, chế độ hạn chế thị thực xuất cảnh đối với đa số người dân Cuba đã được bãi bỏ. Người ta cũng tăng thời gian lưu trú nước ngoài từ 11 lên 24 tháng. Tuy nhiên, chính quyền Cuba vẫn giữ lại quyền hạn chế ra nước ngoài đối với đại diện của một số nghề có ý nghĩa xã hội: kỹ sư, bác sĩ, vận động viên thể thao và quân nhân. Quyết định này được lý giải bằng sự cần thiết phải “bảo vệ tài sản nhân dân” và phòng ngừa việc chảy máu chất xám. Trong 5 năm áp dụng, hơn 800.000 người Cuba đã đi nước ngoài, trong đó chỉ có 11% không trở về.

Đồng thời với việc bãi bỏ hạn chế thị thực xuất cảnh, chính quyền đã đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đối với những người Cuba di cư trước đây. Thủ tục này chỉ áp dụng đối với việc viếng thăm tạm thời Cuba. Đối với người có quyền cư trú (thẻ xanh) thời hạn lưu trú không quá 180 ngày, đối với những người khác còn lại, không quá 90 ngày.

8. Đầu tư nước ngoài: Năm 2014, ở Cuba bắt đầu tổ chức khu vực phát triển đặc biệt rộng 465 km2. Trung tâm của khu vực này là cảng Mariel nằm trong vũng Habana thuộc vịnh Mexico. Trong cảng người ta đã thiết lập lần đầu tiên trên đảo quốc này khu vực tự do thương mại. Các thành viên của đặc khu được bảo đảm các ưu đãi về thuế, tự do dịch chuyển tiền tệ, và dịch vụ giấy tờ chỉ áp dụng “một cửa”. Trong số 900 triệu USD đầu tư vào dự án, có 640 triệu USD là từ Brazil.

Đặc khu kinh tế Cuba được mở dưới thời Raul Castro.

Công ty đầu tiên nhận được giấy phép làm việc trong cảng Mariel vào năm 2015 là một công ty Mỹ sản xuất máy kéo Cleber tiến hành lắp ráp công cụ vận tải nhỏ. Theo sau công ty Mỹ là Nga. Năm 2016, công ty năng lượng “Inter RAO – Export” ký hợp đồng với doanh nghiệp Cuba Energoimport xây dựng 4 cụm năng lượng trị giá 1,2 tỷ Euro, một trong số đó nằm trong cảng Mariel. Tín dụng cho dự án này do Chính phủ Nga cung cấp. Các cụm năng lượng này sẽ bắt đầu hoạt động vào các năm 2022-2024. Phía Nga được miễn thuế thu nhập và thuế hải quan.

9. Nợ nước ngoài: Trong vòng 10 năm nắm quyền, Raul Castro trên thực tế đã đưa Cuba ra khỏi hố nợ nần sau khi trả các khoản tiền thấp hơn nhiều so với các món nợ. Năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xóa 90% các khoản nợ của Cuba dưới thời Liên Xô. Như Tổng thống Nga tuyên bố, các khoản nợ đã quá hạn và tổng giá trị là “hơn 35 tỷ USD”, trong đó có 31,5 tỷ được xóa bỏ. Số nợ 3,5 tỷ USD còn lại sẽ được trả theo các khoảng bằng nhau trong vòng nửa năm một và kết thúc vào năm 2024. Tuy nhiên, số tiền này sẽ vẫn ở lại Cuba: Nga sẽ dùng số tiền này cho các dự án đầu tư ở Cuba.

Tháng 12/2015, Câu lạc bộ tín dụng Paris (tổ chức liên chính phủ của các nước phát triển – cung cấp tín dụng) đã miễn cho Cuba 4 tỷ USD tiền nợ, Cuba chỉ còn phải trả khoảng 2,6 tỷ USD. Số tiền này phải trả hết vào năm 2033. Thêm vào đó, giống như trong trường hợp với Nga, số tiền này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển tại Cuba.

10. Quan hệ với Mỹ: Mỹ và Cuba cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1961. Sau đó một năm, nước này bị đưa ra khỏi Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), còn Mỹ tiến hành cấm vận thương mại với Cuba. Từ đó, lãnh đạo hai nước không hề gặp nhau trong vòng hơn 40 năm và Mỹ tiếp tục đưa ra nhiều hạn chế đối với Cuba. Tình hình đã thay đổi kể từ khi Barack Obama nắm quyền ở Mỹ năm 2009. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đối thoại với Raul Castro. Tháng 12/2014, đã diễn ra cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên. Tháng 4/2015, diễn ra cuộc gặp của lãnh đạo hai nước với việc ngay sau đó Cuba được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Tháng 6/2015, hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao và mở Đại sứ quán tại hai nước.

 Người dân La Habana đổ ra đường chào mừng Tổng thống Mỹ thăm Cuba, tháng 3/2016.

Với việc Donald Trump bước vào Nhà Trắng, đường hướng quan hệ giữa Mỹ với Cuba chuyển sang đối nghịch. Mùa hè 2017, Tổng thống Mỹ tuyên bố thắt chặt chính sách đối với La Habana. Trong đó một phần là thắt chặt các quy định đến Cuba đối với người Mỹ./.

 

Hoài Nam (Gt)

NỔI BẬT TRANG CHỦ