(Tổ Quốc) - Cùng với cạnh trên biển và đại dương, vũ trụ là cuộc đua thế kỷ 21, mục tiêu là khai thác tài nguyên trên không gian.
Đầu năm 2019, tàu thăm dò "New Horizons" của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bay đến rìa của Hệ Mặt Trời, nơi xa nhất trong vũ trụ mà con người từng khám phá, thiết lập kỷ lục mới trong công cuộc chinh phục vũ trụ của loài người.
New Horizons đã chụp ảnh tảng đá có hình người tuyết được gọi là Ultima Thule, nằm trong vành đai Kuiper, một tập hợp các hành tinh nhỏ, thiên thạch và vụn băng còn sót lại sau khi hệ Mặt Trời hình thành từ 4,6 tỷ năm trước. New Horizons được phóng lên không gian vào năm 2006. Con tàu phải bay 13 năm mới tới thiên thạch Ultima Thule, cách Trái Đất 6,5 tỷ km. Nhiệm vụ ban đầu của New Horizons là thăm dò Sao Diêm Vương, hành tinh nằm ở rìa Hệ Mặt Trời. Năm 2016, nhóm các nhà khoa học của dự án New Horizons đã yêu cầu mở rộng nhiệm vụ đến năm 2021, để khám phá thêm các đối tượng ở vành đai Kuiper.
Trước đó, ngày 26/11/2018, tàu thăm dò InSight của NASA đã hạ cánh thành công trên bề mặt Sao Hỏa, đánh dấu lần thứ 5 tàu thăm dò của NASA đổ bộ thành công lên bề mặt hành tinh đỏ. Công cuộc khám phá hành tinh đỏ ghi nhận sự phức tạp và tỷ lệ thất bại rất cao, 2/3 các nhiệm vụ Sao Hỏa thất bại trước khi tiếp cận được hành tinh đỏ. Một số thất bại trước khi quá trình quan sát có thể bắt đầu.
New Horizons của Mỹ đạt kỷ lục đi xa nhất trong lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người - cách Trái Đất 6,5 tỷ km.
Như vậy, nước Mỹ bắt đầu tham gia trở lại cuộc chạy đua vũ trụ bị đình trệ do NASA bị cắt giảm kinh phí hoạt động sau nhiều năm. Tháng 12/2018, cùng với việc quyết định rút một nửa quân số Mỹ (7.000 người) khỏi Afghanistan và toàn bộ lực lượng Mỹ tại Syria, Tổng thống Trump đã hạ lệnh thành lập Bộ chỉ huy Không gian, dưới sự lãnh đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ, để điều tiết hoạt động quân sự của Mỹ trong không gian. Có tiền thì mới chạy đua được.
Cuộc chạy đua tiến tới khai thác tài nguyên vũ trụ
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ chỉ quan tâm tới tên lửa và vệ tinh của Liên Xô. Nhưng trong những năm gần đây, những dự án vũ trụ của Trung Quốc đã khiến các nhà chiến lược của Mỹ lo ngại.
Với sự điều hành của quân đội Trung Quốc, ngành vũ trụ nước này đã phóng nhiều tên lửa hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Năm 2018, Trung Quốc đã phóng 39 tên lửa, so vớ 31 của Mỹ, 20 của Nga và 18 của châu Âu.
Ngày 3/1/2019, một tàu không gian của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống vùng tối của Mặt Trăng, trở thành nước đầu tiên phóng thành công tàu lên khu vực này và hy vọng sẽ có nhà du hành vũ trụ Trung Quốc đầu tiên đặt chân lên mặt trăng kể từ sau năm 1972.
Trung Quốc hiện nay chi nhiều tiền cho các chương trình không gian dân sự và quân sự hơn Nga và Nhật Bản. Ngân sách dành cho lĩnh vực này năm 2017 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự đoán khoảng 8,4 tỉ USD.
Trung Quốc gần đây không gặp mối đe dọa nào đối với thị trường phóng vệ tinh thương mại, vốn vẫn bị chi phối bởi các công ty SpaceX của Mỹ, Arianespace của châu Âu và Nga.
Mục tiêu thực sự của Trung Quốc trong hai lĩnh vực này là trong thời gian ngắn hạn sử dụng không gian vì mục đích quân sự; và về lâu dài, là khai thác các tài nguyên trong không gian. "Mục tiêu chung của chúng tôi là đến năm 2030, Trung Quốc sẽ là một trong những cường quốc vũ trụ lớn của thế giới", Ngô Diễm Hoa, phó cục trưởng Cục Hàng không Vũ trục Quốc gia Trung Quốc (CNSA), tiết lộ.
Việc khai thác khoáng sản hoặc nước trên mặt trăng hoặc trên các tiểu hành tinh, đặc biệt là cho việc sản xuất nhiên liệu cho tên lửa, vẫn còn một chặng đường dài, nhưng các công ty khởi nghiệp Mỹ đã và đang bắt đầu nghiên cứu loại nhiên liệu đó.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs và nhà vật lý thiên văn học nổi tiếng Neil deGrasse Tyson dự đoán: "Nghìn tỷ phú đầu tiên sẽ là người khai thác tài nguyên thiên nhiên trên các tiểu hành tinh".
Hơn 12.000 tiểu hành tinh, cách hành tinh của chúng ta khoảng 45 triệu km đã được NASA xác định. Các nhà địa chất tin rằng chúng ở ngoài không gian với quặng sắt, niken và kim loại quý có nồng độ cao hơn nhiều so với những loại được tìm thấy trên Trái Đất.
Không giống như Chiến tranh Lạnh, cuộc chinh phục không gian mới đang diễn ra khi có khoảng trống luật pháp. Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, Moscow và Washington đã đàm phán một số hiệp ước về không gian, chủ yếu là để đảm bảo hợp tác khoa học và cung cấp vũ khí hủy diệt hàng loạt trong không gian.
Todd Harrison, một chuyên gia về các chương trình không gian quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết: "Mỹ đã không theo kịp các mối đe dọa đối với các hệ thống không gian" và điều đó đã khiến Mỹ dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, đối thoại với Bắc Kinh gần như không có, trái ngược với trao đổi giữa Washington và Moscow trong Chiến tranh lạnh.
Todd Harrison cũng nói thêm: "Nếu có một cuộc khủng hoảng trong không gian liên quan đến Trung Quốc, thì không rõ quân đội của Mỹ sẽ hành động thế nào".
Nhưng các nhà quan sát khác có quan điểm hoài nghi hơn về việc miêu tả Trung Quốc là một kẻ thù hung hăng của Mỹ. Brian Weeden, thuộc Tổ chức Thế giới Bảo mật có trụ sở tại Washington, cho biết một số người ủng hộ lập luận mối đe dọa từ Trung Quốc này coi đó là cách cung cấp các khoản tiền cho NASA thoát khỏi một Quốc hội chặt chẽ. Brian Weeden nói: "Họ nghĩ rằng điều đó sẽ thúc đẩy Mỹ làm những việc trong không gian mà họ muốn làm" và rằng: "Họ coi sự cạnh tranh với Trung Quốc là chìa khóa để mở ra ý chí chính trị và tiền bạc để tài trợ cho các dự án mà họ muốn xem".
Cuộc chạy đua nhiều bên
Những khó khăn kinh tế thời hậu Liên Xô khiến Nga gần như bị tụt lại trong cuộc đua chinh phục vũ trụ. Các chương trình không gian của Nga thời hậu Liên Xô chủ yếu là hợp tác với Mỹ trong chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nhiệm vụ chính của Nga là tiếp tế cho trạm ISS bằng tàu vũ trụ có người lái Soyuz và Progress không người lái, hai loại tàu vũ trụ được sử dụng lâu đời nhất thế giới.
Ấn Độ cũng thể hiện tham vọng to lớn trong việc chinh phục không gian. New Delhi phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1975 và được thực hiện bằng tên lửa đẩy của Liên Xô. Tháng 10/2008, Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò Chandrayaan-1 lên quỹ đạo Mặt trăng.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng đang nỗ lực phát triển các robot tự hành với phần mềm tiên tiến có thể tự hoạt động mà không cần sự can thiệp từ Trái Đất. Cơ quan Vũ trụ Anh đang thử nghiệm robot tự động được áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo, cho phép nó tự đưa ra quyết định về nơi và cách nó sẽ di chuyển. Công nghệ này giúp robot tự động có thể khám phá vài kilomet mỗi ngày trên bề mặt Sao Hỏa, thay vì chỉ vài chục mét như hiện tại.
Cuộc đua vũ trụ 2.0 sẽ rất gay cấn. Sự tham gia của nhiều bên, cùng với những tiến bộ công nghệ đang được kỳ vọng, sẽ giúp con người khám phá nhiều hơn về vũ trụ bao la, tới nơi nào sức mạnh tiền bạc và công nghệ của con người có thể vươn tới được./.