(Tổ Quốc) - Mỹ và Nga đã đảo ngược nỗ lực hàng thập kỷ không phổ biến vũ khí hạt nhân bằng việc hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ.
- 10.01.2018 Xung đột Nga Mỹ bứt phá tín hiệu mới nhất
Mỹ và Nga đã đảo ngược nỗ lực hàng thập kỷ không phổ biến vũ khí hạt nhân bằng việc hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ, điều cả Tổng thống Donald Trump và đối tác Nga, ông Vladimir Putin, coi như một nội dung quan trọng đối với an ninh quốc gia của mình.
Putin đột phá lực lượng hạt nhân
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 10/1 cho biết kho dự trữ hạt nhân của nước này, lớn nhất trên thế giới, nên được trang bị vũ khí tiên tiến và mới gần như hoàn toàn trong vài năm tới. Trong khi quân đội Nga vẫn duy trì lực lượng bằng một phần của thời Xô viết, những nỗ lực của ông Putin nhằm “cách mạng” lực lượng vũ trang Nga trở thành một thế lực chiến tranh hàng đầu có khả năng giải quyết những xung đột ở nước ngoài và bảo vệ biên giới rộng lớn của Nga đang được tập trung vào các vũ khí hủy diệt quy mô lớn.
Các tên lửa ICBM có sức mạnh hạt nhân của Nga đang được nâng cấp. (Nguồn: AFP) |
Tại một hội nghị bộ trưởng Nga, ông Shoigu cho rằng, “cần phải tập trung hơn vào việc tăng cường năng lực hạt nhân chiến lược, phần lớn các vũ khí tiên tiến trong bộ ba hạt nhân (Lục quân, Hải quân và Không quân) của Nga phải chiếm ít nhất 90% vào năm 2021”, hãng tin TASS của Nga cho hay.
"Nhiệm vụ là hoàn thành tuyệt đối chương trình vũ trang nhà nước. Quân đội sẽ nhận được vũ khí dẫn đường chính xác hơn và các hệ thống trinh sát, liên lạc và chiến tranh điện tử tiên tiến, cũng như các thiết bị quân sự hiện đại ", ông nói thêm.
Trước đó, ông Shoigu cho biết vào tháng 11/2017 rằng các lực lượng chiến lược phi hạt nhân của Nga sẽ có đủ khả năng để bảo vệ đất nước vào năm 2020, nhưng sự phát triển và bổ sung cho bộ ba hạt nhân của Nga vẫn cần phải duy trì. Tháng trước, ông Putin cho biết nỗ lực hiện đại hoá hạt nhân đã đạt 79% và 90% vũ khí hạng nặng năm 2021 sẽ bao gồm "các hệ thống tên lửa có khả năng vượt trội các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và thậm chí cả những hệ thống đã được dự đoán."
Trên biển, Nga đang phát triển các tàu ngầm mới được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-29RM Bulava có sức mạnh hạt nhân. Còn trên bộ, Nga đã cải thiện được ICBM có khả năng hạt nhân Topol-M với khả năng xâm nhập vào các hệ thống phòng thủ tên lửa không khác những vũ khí được triển khai bởi Hoa Kỳ ở châu Âu. Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng Nga cũng dự kiến sẽ sớm thử nghiệm "Satan 2" Sarmat ICBM – được cho là có khả năng quét sạch toàn bộ bang Texas. Còn Tupolev Tu-160M2, máy bay ném bom hạt nhân mới nhất của Nga, đã được lên kế hoạch thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào tháng tới.
Trích dẫn các quan chức Lầu Năm Góc và các chuyên gia hạt nhân, báo Washington Free Beacon tháng trước thông tin rằng, Nga được cho là sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình lên 8.000 đầu đạn vào năm 2026. Những phát hiện này dự kiến sẽ được đưa vào Đánh giá tình hình về hạt nhân của Mỹ- dự kiến sẽ được công bố vào vào cuối tháng này.
Mỹ đối trọng hạt nhân tên lửa
Giống như Putin, ông Trump đã bày tỏ sự sẵn sàng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình và rõ ràng ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình là ông muốn một lực lượng hạt nhân lớn hơn, mạnh hơn, và thậm chí còn đề nghị tăng gấp 10 lần vũ khí hạt nhân, theo một báo cáo.
Trong khi chưa có thông báo chính thức về Đánh giá hạt nhân của chính quyền Trump, ít nhất một cựu quan chức đã nhìn thấy một bản sao của văn kiện này vào ngày 10/1, cho biết Lầu Năm Góc hiện đang tìm kiếmviệc phát triển các loại vũ khí hạt nhân kích thước nhỏ hơn, "dễ sử dụng" hơn và đối trọng được với các sức mạnh hạt nhân khác.
Jon Wolfsthal, người từng là cố vấn về kiểm soát vũ khí và không phổ biến hạt nhân dưới thời Tổng thống Mỹ Obama nói với The Guardian, "Những gì mà tôi được truyền tải từ những người viết nội dung trên là họ đang cố gửi đi một thông điệp ngăn chặn rõ ràng tới người Nga, Triều Tiên và Trung Quốc".
Kế hoạch trên được cho là sẽ nới lỏng các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm một đầu đạn hạt nhân mới hàm lượng thấp để trang bị cho tên lửa đạn đạo Trident II D5 của Hoa Kỳ.
Trong khi cả Nga và Hoa Kỳ đều cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước về các Lực lượng hạt nhân tầm trung INF năm 1987, hai bên đều từng để ngỏ với ý tưởng tạo ra những vũ khí hạt nhân mang tính chiến thuật có sức công phá nhỏ hơn, tuy nhiên, một số người nói rằng điều này vẫn gia tăng khả năng đưa một cuộc xung đột chuyển thành cuộc chiến hạt nhân.
Theo số liệu được cập nhật đầu tuần này, Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân ước tính rằng Nga có 7.000 đầu đạn hạt nhân và Hoa Kỳ có 6.800.
Trong khi đó, giống như hai cường quốc hàng đầu Nga và Mỹ, các quốc gia hạt nhân khác là Trung Quốc, Pháp và Anh đều đã ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1970. Tuy nhiên, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên – những nước đều được cho là có vũ khí hạt nhân chưa kí kết hiệp định chủ chốt trên.
(Theo Newsweek)