• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc khủng hoảng Venezuela leo thang đổ máu và bế tắc

Thế giới 25/02/2019 19:34

(Tổ Quốc)- Sự can thiệp của Mỹ vào Venezuela còn nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Trung Quốc và Nga tại Tây Bán Cầu.

Tổng thống tự phong Venezuela Juan Guaid đào thoát sang Colombia, xuất hiện tại nhiều địa điểm ở khu vực biên giới, hôm 22/2 phát biểu tại một buổi hòa nhạc từ thiện ở thành phố biên giới Cucuta: "Chúng tôi có mặt tại đây chính là nhờ sự giúp đỡ của các thành viên lực lượng vũ trang Venezuela".

Guaido vượt biên sang Colombia để điều phối việc đưa hàng viện trợ nhân đạo vào đất nước, thực ra, để tránh bị chính quyền Maduro bắt giam hoặc sát hại, mặt khác chỉ đạo khuấy động một cuộc khủng hoảng mới từ bên ngoài Venezuela. Hôm thứ bảy, 23/2, có khoảng 60 binh sĩ Venezuela vượt biên sang Colombia, tham gia hàng ngũ phe đối lập. Tại biên giới giáp Brazil, một phụ nữ và người chồng đã thiệt mạng, ít nhất 15 người khác bị thương trong những cuộc đụng độ với quân đội Venezuela liên quan viện trợ nhân đạo. Tổng thống Maduro tuyên bố biên giới trên bộ giữa Venezuela với Brazil từ ngày 21/2 sẽ đóng cửa hoàn toàn; cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia và xem xét đóng cửa biên giới với Colombia.

Quân đội Venezuela - lực lượng lũng đoạn các ngành kinh tế quan trọng của nước này, trong đó có ngành dầu lửa, vẫn đứng về phía Tổng thống Maduro. Thực ra, ngay từ thời người hùng, thượng tá lính dù Hugo Chavez lên cầm quyền tại nước này năm 1999, quân đội là một phần trọng yếu của bộ máy quyền lực. Nicolas Maduro lên cầm quyền năm 2013, sau khi Chavez chết vì bệnh ung thư, tiếp tục thời đại Chavez, chia sẻ quyền lực và các lợi ích kinh tế. Bảo vệ Maduro tức là bảo vệ quyền lợi của các tướng lĩnh chóp bu quân đội. Họ lúc nào cũng có thể lên thay thế Maduro trong trường hợp chính quyền dân sự bị mất hiệu lực, dù làm như vậy, chính quyền ấy sẽ mất tính hợp pháp.

Cuộc khủng hoảng Venezuela leo thang đổ máu và bế tắc - Ảnh 1.

Đụng độ giữa những người biểu tình và quân đội Venezuela tại biên giới với Brazil, ngày 23/2.

Chỉ 5 năm sau khi thay thế Hugo Chavez, tập đoàn cầm quyền Venezuela đã biến nền kinh tế của quốc gia giàu có nhất Mỹ Latinh thành nước nghèo nhất khu vực; 90% dân số sống trong nghèo khó, nạn đói trầm trọng, lạm phát đạt mốc 1,3 triệu%, 3 triệu người rời khỏi đất nước, 26.000 người bị sát hại hồi năm 2018; Venezuela thậm chí còn phải nhập khẩu dầu mỏ từ Nga thay vì sản xuất.

Sự can thiệp của nước ngoài gia tăng

4 thế lực nước ngoài chủ yếu can thiệp vào cuộc khủng hoảng Venezuela. Mỹ cầm ngọn cờ chống chính quyền Maduro, vào lúc cánh tả Tây bán cầu mất đi ngọn cờ "người hùng" Chavez. Mối bất hòa giữa cánh tả Mỹ Latinh với Mỹ tồn tại từ lâu đời. Năm 2001, Hugo Chavez phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngay sau khi Tổng thống Mỹ George Bush phát biểu, đã bình luận một cách cay độc "diễn đàn vẫn còn mùi của Quỷ Satăng". Giá dầu thế giới rơi xuống đáy từ 100 USD/thùng xuống 30 USD/thùng vào năm 2015 đã chấm dứt sự bao cấp của Venezuela đối với các nước cánh tả Mỹ Latinh, tạo ra khủng hoảng kinh tế xã hội, đưa các lực lượng cánh hữu trở lại cầm quyền, nổi bật là Brazil, kết thúc triều đại Luiz Lula, hiện đang bị tăng thời gian ngồi tù, vì các án tham nhũng.

Fidel Castro là thần tượng của Hugo Chavez. Hai nhân vật nổi bật này mất đi, Cuba cũng mất nguồn trợ cấp dầu lửa dồi dào từ Venezuela. Báo chí phương Tây đưa tin, Cuba có động thái với chính quyền Maduro, đưa lực lượng tinh nhuệ sang bảo vệ Maduro trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự xuống cấp quan hệ Mỹ-Cuba hai năm qua cũng nằm trong xu hướng đấu tranh giữa Mỹ với các chính quyền chống Mỹ ở Mỹ Latinh.

Nga và Trung Quốc là hai nước đặt cược lớn vào Venezuela. Trong 10 năm qua, Bắc Kinh đã rót hơn 60 tỉ USD vào quốc gia Nam Mỹ này, nhằm gây dựng cơ sở ở sân sau của Mỹ. Không nước nào trên thế giới cho Venezuela vay nhiều như Trung Quốc. Do không thể trả được các khoản nợ quá hạn, Caracas buộc phải sử dụng những thùng dầu giá rẻ để trả nợ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều năm qua đã xây dựng liên minh với Hugo Chavez và đương kim Tổng thống Nicolas Maduro. Venezuela là thị trường vũ khí chủ yếu của Nga ở Tây bán cầu. Từ năm 2005-2017, Venezuela đã mua vũ khí và thiết bị quân sự của Nga trị giá 11 tỷ USD, bao gồm xe tăng, trực thăng, chiến đấu cơ và súng trường Kalashnikov. Nga là nước cho vay lớn thứ hai sau Trung Quốc. Venezuela đang nợ chính phủ Nga hơn 3 tỷ USD; ngoài ra, còn nợ Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga khoảng 3 tỷ USD. Tháng 12/2018, Nga cam kết đầu tư 6 tỷ USD vào ngành khai khai thác dầu mỏ và vàng của Venezuela.

Sự can thiệp của Mỹ vào Venezuela ngày nay về sâu xa còn nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Trung Quốc và Nga tại Tây bán cầu.

Khó có thể dự đoán điều gì sẽ diễn ra tiếp sau cuộc khủng hoảng "viện trợ nhân đạo" hiện nay. Sắp tới, liệu có bầu cử lại tổng thống? Nếu bầu cử lại, một nhân vật cánh hữu rất có thể sẽ thắng cử. Nếu không bầu cử lại, khủng hoảng thể chế, kinh tế, xã hội sẽ càng sâu sắc, dẫn đến hỗn loạn, đảo chính, can thiệp nước ngoài./.


Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ