• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc sống của người dân Hy Lạp giữa các lựa chọn trong khủng hoảng năng lượng

Thế giới 01/08/2022 14:01

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, việc lựa chọn sống và làm việc ở đâu đang trở nên khó khăn cho người dân Hy Lạp trong bối cảnh có những thay đổi liên tục.

Ông Dimitris Mitsaris, một người dân sống ở làng Agios Panteleimonas, Hy Lạp vừa mở cửa hầm làm rượu nho và cảm nhận mùi nho lên men nồng nặc trong sáng sớm. Gia đình ông Mitsaris sống ở một ngôi làng miền núi với khoảng 800 cư dân sinh sống và hầu như nhà nào cũng làm rượu.

Cuộc sống của người dân Hy Lạp giữa các lựa chọn trong khủng hoảng năng lượng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Vào tháng 12 năm ngoái, ông Mitsaris đã nghỉ việc làm ở Công ty Điện lực Công cộng (PPC) và hiện tại ông tập trung vào làm rượu nho khi hiểu rằng nhiên liệu hóa thạch đang dần trở nên cạn kiệt.

Ông Mitsaris đã mua 44 mẫu đất trồng nho. Tuy nhiên, giờ đây những khó khăn đối mặt khiến ông đang phải suy nghĩ lại về quyết định của mình.

Than là chất gây ô nhiễm nhất trong các nhiên liệu hóa thạch và là nguyên nhân góp phần lớn nhất gây ra khủng hoảng khí hậu. Hiện tại, Hy Lạp đang muốn loại bỏ việc khai thác nhiên liệu hóa thạch này.

Tuy nhiên, cùng với các quốc gia châu Âu, Hy Lạp đang phải trì hoãn kế hoạch này nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng vào thời điểm hiện tại. Cách đây một năm, Hy Lạp đã tự tin khẳng định sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy đốt than vào năm 2023. Quốc gia này đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy than cuối cùng trong năm nay thuộc phía tây Macedonia, nơi cung cấp hơn 1/2 lượng điện quốc gia. Nhà máy mới Ptolemaida 5 sẽ hoạt động vào năm 2025 chạy bằng khí tự nhiên nhưng sẽ ít thải ra carbon hơn so với than non hoặc than nâu ở Hy Lạp. Tuy nhiên kế hoạch giờ đã "tan thành mây khói" vào hiện tại.

Thời hạn chấm dứt việc sử dụng than ở các nhà máy hiện đã phải trì hoãn từ năm 2023 sang năm 2025. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis gần đây cũng gợi ý rằng nhà máy Ptolemaida sẽ cần phải sử dụng than đến ít nhất năm 2028. Và Hy Lạp đang có kế hoạch tăng sản lượng khai thác than tăng 50% trong hai năm tới để bù đắp lượng khí đốt tự nhiên khan hiếm trong bối cảnh Nga vẫn thắt chặt các dòng chảy khí đốt sang EU.

Những thay đổi đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Đã có những thay đổi rõ ràng. Và đây cũng là thời điểm mà Hy Lạp phải vật lộn với những trận cháy rừng trên đất liền và các hòn đảo do đợt nắng nóng kéo dài gần đây. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu là do việc đốt nhiên liệu than hóa thạch như than đá. Đám cháy đã khiến nhà cửa tan thành tro bụi, người dân vội vã sơ tán khỏi các bãi biển. Các doanh nghiệp trên hòn đảo như Lesbos đang phải đối mặt với thiệt hại lớn về kinh tế trong kỳ nghỉ hè vừa qua.

Việc lựa chọn sống và làm việc ở đâu đang trở nên khó khăn cho người dân Hy Lạp trong bối cảnh có những thay đổi liên tục. Chẳng hạn như ông Mitsaris, ông cho rằng việc rời khỏi ngôi làng – nơi ông đã sinh ra và lớn lên không phải là lựa chọn phù hợp vào thời điểm này.

"Vợ tôi từng làm việc trong nhà máy đóng sữa nhưng đã đóng cửa cách đây vài năm. Họ đã đề nghị cô ấy đến Athens nhưng lúc đấy, lương tôi đủ trang trải nên chúng tôi đã quyết định ở lại. Nếu tôi biết được hoàn cảnh hiện tại, cả gia đình đã đến Athens vào thời điểm đó", ông Mitsaris chia sẻ.

Ngành công nghiệp than đá ở Hy Lạp cũng đang thu hút người dân ở tây Macedonia quay trở lại với công việc này. Công ty PPC đã cung cấp hàng nghìn việc làm cho người dân ở Tây Macedona. Việc rời đi và ở lại đang mang đến sự khác biệt lớn hơn.

Hiện tại, đã rất nhiều người rời đi đến các thành phố lớn hơn hoặc chuyển sang nước ngoài tìm kiếm cuộc sống mới. Ngôi làng đang ngày càng suy tàn.

Nhắc đến quá trình chuyển đổi khỏi than đá, Hy Lạp là một câu chuyện thành công. Trước căng thẳng Ukraine leo thang, Hy Lạp chỉ phụ thuộc vào than khoảng 9% trong nguồn cung năng lượng, giảm hẳn 25% so với 6 năm trước. Đây là quốc gia đầu tiên ở vùng Balkan phụ thuộc vào than đá với mục tiêu chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn.

Thích nghi cuộc sống mới

Theo CNN, quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh đang gặp phải các thách thức, chủ yếu là đất nước có thể mang đến cơ hội nào cho những công nhân cũ ở thị trấn than?

Ở Tây Macedonia, nơi cung cấp 80% than cho Hy Lạp, chính quyền địa phương từng đã chuyển toàn bộ cộng đồng dân cư ở đây ra khỏi vùng ngoại vi và họ được xem là may mắn.

Tuy nhiên, một số bộ phận dân ở trong làng và họ đang không biết phải đi đâu về đâu.

Giống như ông Mitsaris, Charalambos Mouratidi, 26 tuổi cũng tìm cách có cuộc sống mới sau khi nghỉ việc ở mỏ than. Hiện tại, Mouratidi là chủ của một trang trại gia sức nằm trên ngọn đồi nhìn ra Akrini. Ngoài công việc chăn nuôi gia súc, Mouratidi còn làm việc cho một công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời để trang trải thêm cho cuộc sống. Làm việc cho công ty thứ hai là một công việc xanh mang lại cho anh thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc mở rộng năng lượng mặt trời khiến diện tích đất càng phải nhiều hơn khiến cho hoạt động canh tác hay chăn thả ảnh hưởng. Vì vậy, việc xin cấp phép mở rộng đất nông nghiệp ở Akrini là gần như không thể. Bên cạnh các trang trại năng lượng mặt trời, tất cả các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Akrini đã bị hủy bỏ. Ngôi làng đang bị bỏ mặc theo thời gian.

"Tôi bắt đầu làm nông nghiệp với hy vọng sẽ có một tương lai ổn định hơn nhưng hiện tại, ngay cả nỗ lực này cũng trở nên khó khăn", ông Mouratidis nói.

Theo CNN, Chính phủ Hy Lạp đã đưa ra kế hoạch 7,9 tỷ USD để giúp đất nước chuyển đổi từ kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang một quốc gia chuyển đổi xanh. Kế hoạch này đã thu hút vốn tài trợ 1,63 tỷ euro từ EU.

Tây Macedonia là trọng tâm cho kế hoạch này và sẽ nhận được nhiều tiền tài trợ hơn để vươn tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của đất nước. Và trong kế hoạch này, rất nhiều ý kiến hoan nghênh sau các nghi ngờ về khó khăn để đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch và quá trình đóng cửa các nhà máy than.

Chỉ cách Akrini vài km, Nikos Koltsidas và Stathis Paschalidis đang cố gắng tạo ra các giải pháp bền vững cho những người bị mất việc làm trong quá trình chuyển đổi xanh và những người sẵn sàng tham gia vào chăn nuôi cừu và dê.

Cả hai đưa ra sáng kiến "Proud Farm" nhằm tạo nền tảng bền vững giúp những người dân Hy Lạp xây dựng trang trại bền vững và củng cố kiến thức về công nghệ mới nhất để phát triển mô hình này.

"Chúng tôi muốn tạo ra một mạng lưới các trang trại tự bền vững, liên quan đến môi trường và động vật", ông Paschalidis, chủ trang trại cho biết.

Ông Paschalidis cũng muốn cho người dân địa phương hiểu rằng, nông nghiệp không phải như trước đây và có thể mang lại một tương lai ổn định.

"Đối với những người đang nghĩ đến việc quay trở lại làm than, họ có thể nghĩ lại về mô hình này", ông Paschalidis nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ