(Tổ Quốc) - Trang SCMP dẫn tin, tăng trưởng kinh tế chậm của Mỹ hay châu Âu đang ảnh hưởng đến diễn biến kinh tế của châu Á.
Chuyên gia về thị trường toàn cầu Marcella Chow cho rằng, mặc dù hiện tại tăng trưởng xuất khẩu ở châu Á cao hơn so với trước đại dịch Covid-19 nhưng quá trình hồi phục kinh tế ở châu Á lại đang bị tác động nghiêm trọng từ yếu tố bên ngoài châu lục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chậm của Mỹ hay châu Âu đang ảnh hưởng lớn đến thị trường châu Á.
Tuy nhiên, theo bà Marcella Chow, tín hiệu này không có nghĩa là quá trình hồi phục kinh tế của châu Á sắp kết thúc. Sự sụt giảm 1,9% các đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Đài Loan trong tháng 7 năm nay là do xu hướng tăng trưởng kinh tế chậm trên toàn cầu. Suy thoái kinh tế của Mỹ và một số nước khác đang ảnh hưởng đến quỹ đạo phục hồi kinh tế của châu Á với nhiều sắc thái hơn. Vì vậy, theo chuyên gia này, trước diễn biến kinh tế toàn cầu, châu Á cần tìm lại sự cân bằng giữa động lực tăng trưởng bên ngoài và bên trong để điều chỉnh phù hợp với xu hướng hiện tại.
Trong khi cuộc suy thoái của Mỹ là kịch bản không hề lường trước thì châu Á hiện tại chắc chắn đã cảm nhận rõ những tác động trực tiếp của tình trạng này. "Rủi ro lây nhiễm" rõ ràng nhất chính là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong bối cảnh xuất khẩu là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của châu Á trong suốt thập kỷ qua. Ước tính thương mại chiếm khoảng 60% GDP của Đông Á trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2019. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu chuyển động song song với thu nhập của các nước trong khu vực.
Theo bà Chow, để điều chỉnh sự không chắc chắn này, điều quan trọng là phải hiểu được các tác động khác nhau của mỗi nền kinh châu Á. Ví dụ, xuất khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan có thể bị ảnh hưởng trước sự suy thoái kinh tế của Mỹ bởi chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, Malaysia và Hàn Quốc cũng có tỷ lệ xuất khẩu/ GDP cao. Tuy nhiên, mức độ tiếp xúc của họ với thị trường Mỹ là không đáng kể, chỉ là 12% và 14%.
Ngoài xuất khẩu, các chuyên gia cũng cho rằng phải xem xét khả năng suy thoái của Mỹ là do đầu tư hay tiêu dùng. Suy thoái do đầu tư sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến Hàn Quốc và Nhật Bản do xuất khẩu hàng hóa linh kiện như máy móc, phương tiện và thiết bị của hai nước này chiếm tỷ trọng lớn hơn. Những nước tăng cường sản xuất và tiêu thụ trong nước, chẳng hạn như Indonesia, Philippines và Ấn Độ sẽ có khả năng hồi phục tích cực hơn.
Kích cầu nội địa
Mặt khác, sự suy giảm tiêu dùng cũng đang ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu hàng tiêu dùng ở những nước có tỷ lệ xuất khẩu cao gắn chặt chẽ với doanh số bán lẻ của Mỹ. Do nhu cầu yếu hơn và lạm phát tăng cao đang làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng, vì vậy kinh tế chậm lại một phần là do sức mua giảm. Điều đó có nghĩa, những nền kinh tế châu Á càng xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng cấp thấp nhiều hơn thì càng dễ bị tổn thương hơn.
Để phục hồi bền vững, tăng nhu cầu trong nước sẽ là nền tảng quan trọng để đối phó với tình trạng xuất khẩu giảm đi. Sau đà mở cửa trở lại gần đây ở một số quốc gia châu Á, doanh số bán lẻ của châu lục đã hồi phục nhẹ. Do đó, nhu cầu nội địa tăng sẽ giúp hồi phục tiêu dùng ở châu lục, bao gồm sự gia tăng về nhu cầu hàng hóa và sau đó là sự phục hồi bền vững hơn trong dịch vụ.
Theo SCMP, thương mại trong châu lục này, vốn dĩ được tăng cường trong những năm gần đây sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại trong nước. Khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc bị ràng buộc đối với các nền kinh tế châu Á ngoài Trung Quốc. Khu vực hóa mạnh mẽ hơn và hội nhập kinh tế sẽ là chìa khóa cho quá trình hồi phục bền vững sau Covid-19.
Quá trinh hồi phục kinh tế của châu Á có thể sẽ chậm lại trong bối cảnh toàn cầu nhưng không có khả năng bị trật bánh cho dù khi tỷ lệ xuất khẩu của châu Á sang Mỹ giảm. Bởi ngay cả khi nhu cầu hàng hóa từ Mỹ giảm đi,nhiều khả năng châu Á sẽ vẫn có khả năng bù đắp một phần tác động bên ngoài bằng việc dựa vào thương mại trong châu lục và tiêu dùng nội địa trong bối cảnh kinh tế đang từng bước mở cửa./.