(Tổ Quốc) - Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Nga chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các chính sách đối ngoại của Moscow, đặc biệt là chính sách về Trung Đông
Trang Al Jazeera nhận định, trong khi Điện Kremlin đang củng cố quyền lực mềm trên trường quốc tế thông qua các chuyến hàng viện trợ và gửi nhân viên tới Italy, Serbia; bán thiết bị y tế Mỹ…, thì ngày càng có nhiều quan ngại rằng, dịch bệnh tại Nga sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó dẫn tới các hậu quả chính trị và kinh tế phức tạp. Trong hai tuần vừa qua, mức độ lây nhiễm COVID-19 tại Nga đã tăng mạnh. Tính tới sáng ngày 16/4, Nga ghi nhận được hơn 24.490 ca dương tính với virus và ít nhất 198 người tử vong.
Tất cả những điều trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các chính sách đối ngoại của Moscow, đặc biệt là chính sách về Trung Đông.
Nguy cơ về khủng hoảng kinh tế
Tình hình kinh tế Nga thật ra đã không được khả quan ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 còn chưa bùng phát. Cuối tháng 3, Standard & Poor ước tính, nền kinh tế Nga gần như chắc chắn sẽ suy giảm 0,8% trong năm 2020. Tuy nhiên, tới tháng 4, Fitch thậm chí còn tăng mức độ này lên 1,4%. Bản thân chính phủ Nga cũng đưa ra dự đoán, trong kịch bản tồi tệ nhất, GDP Nga sẽ giảm 10%.
Mặc dù tuyên bố, chính phủ đã sẵn sàng để đối mặt với những tác động của đại dịch, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng chỉ ra, "thời kỳ thịnh vượng" của nền kinh tế Nga đã chấm dứt và gần như chắc chắn đất nước sẽ không còn được chứng kiến các khoản doanh thu khổng lồ từ dầu mỏ như những năm 2000 nữa.
Thoả thuận gần đây của OPEC+ được ca ngợi là một thành công trên truyền thông chính thống Nga, tuy nhiên, nó là không đủ để thúc đẩy giá dầu cũng như giúp ngăn cản được khủng hoảng trong năm nay. Bên cạnh đó, do một số thách thức về mặt kỹ thuật, Nga có thể sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các nghĩa vụ của mình liên quan tới cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Khả năng hồi phục kinh tế trong tương lai gần như chắc chắn sẽ không cao do Nga hầu như không thể vay mượn nước ngoài dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trong cuộc họp trực tuyến của các nước G20 vào ngày 26/3, Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất được hoãn thực hiện các lệnh trừng phạt liên quan tới những mặt hàng thiết yếu. Một vài ngày sau đó, Nga tiếp tục đề nghị nới lỏng các trừng phạt đa phương tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, việc này đã bị các nước phương Tây chỉ trích và vấp phải sự phản đối dữ dội từ Ukraine.
Cũng trong tháng 3, trong một bài phỏng vấn với hãng thông tấn Nga TASS, ông Putin tiết lộ, theo một số ước tính, Nga đã mất khoảng 50 tỷ USD vì lệnh trừng phạt nước ngoài. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng, con số trong thực tế thậm chí còn cao hơn.
Trong một bài phát biểu mới đây, người đứng đầu nước Nga đã đề cập tới sự hỗ trợ được cho là khá mong manh của chính phủ cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, bao gồm hoãn một số loại thuế và chi phí an sinh xã hội trong 6 tháng. Ông cũng yêu cầu chính phủ soạn thảo thêm một chương trình cứu trợ bổ sung.
Khả năng thất nghiệp gia tăng cũng với mức lương thực sụt giảm trong 6 năm liên tiếp sẽ tạo ra thêm nhiều sự không hài lòng xã hội tại Nga. Tỷ lệ ủng hộ và tin tưởng vào ông Putin đã sụt giảm kể từ khi ông tái đắc cử vào năm 2018. Những thay đổi hiến pháp mới công bố gần đây liên quan tới việc ông có thể tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc vào năm 2024, cũng đã gây nên nhiều tranh cãi.
Những thách thức về kinh tế có khả năng lớn sẽ dẫn tới các thách thức về chính trị và có thể khiến nổ ra các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố như từng xảy ra trước đây.
Tái cân nhắc chính sách đối ngoại
Các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế xã hội gia tăng trong nước sẽ gây áp lực tới chính sách đối ngoại của Điện Kremlin. Một khu vực mà Nga đang đẩy mạnh cả quyền lực mềm và cứng kể từ năm 2015, chính là Trung Đông.
Thực sự, việc Nga triển khai quyền lực cứng và lỗ hổng mà Mỹ để lại tại Trung Đông đã giúp Moscow đạt được một số vị thế tại các nước Arab, đồng thời giảm bớt được phần nào sự cô lập quốc tế. Tuy nhiên, điều đó chưa chắc khiến toàn bộ người dân Nga ấn tượng.
Các cuộc thăm dò ý kiến đã cho thấy sự không hài lòng ngày càng gia tăng của công chúng Nga với "các cuộc phiêu lưu chính sách của Kremlin". Một cuộc khảo sát hồi tháng 8/2019, 42% người Nga coi chính sách đối ngoại của đất nước là thành công – giảm so với tỷ lệ 60% vào năm 2017; 27% đánh giá là thất bại – tăng 17% so với năm 2017. Chỉ 10% coi cuộc chiến tại Syria là một "thành tựu".
Và trong bối cảnh khủng hoảng y tế và kinh tế như hiện nay, gần như chắc chắn sự ủng hộ cho các chính sách đối ngoại đất nước sẽ còn giảm hơn nữa.
Cùng lúc, những thành công của Nga tới nay dường như chưa đủ thuyết phục. Những leo thang bạo lực tại Idlib hồi đầu năm nay đã chỉ ra mâu thuẫn đang tăng cao giữa Iran và Nga tại Syria. Cả Moscow và Tehran đều đang tranh giành ảnh hưởng tại Damascus còn chính quyền Bashar al-Assad cố gắng đạt được nhiều lợi ích nhất từ hai phía.
Mặc dù Moscow đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng họ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi thực hiện nó, nhất là với sự phản đối từ Iran. Một số thông tin chỉ ra, ngoài Tehran, UAE cũng đang tìm cách phá hoại thỏa thuận bằng cách cố gắng thuyết phục chính quyền Assad tái tham chiến.
Năm ngoái, việc Nga gia tăng can thiệp vào cuộc chiến tại Libya là một minh chứng khác cho chính sách mở rộng ảnh hưởng của Điện Kremlin trong khu vực. Tuy nhiên, nhưng diễn biến gần đây cho thấy sự giới hạn trong vai trò của Nga. Hồi tháng 1, Nga đã không thể buộc Tướng Libya Khalifa Haftar ký kết thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận tại Tripoli.
Tương tự, các nỗ lực gây ấn tượng của Nga tại Vùng Vịnh thông qua loạt chuyến thăm cấp cao trong vòng 3 năm qua dường như cũng đã đạt tới giới hạn. Nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD được hứa hẹn trong các cuộc gặp này chưa từng trở thành hiện thực.
Với sự sụp đổ của giá dầu, các nước Vùng Vịnh chắc chắn sẽ trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu. Vì vậy, những khoản đầu tư khổng lồ vào Nga gần như sẽ không được thực hiện trong một tương lai gần.
Tất cả những điều trên có thể sẽ khiến Nga phải cân nhắc lại sự hiện diện của mình Trung Đông. Mặc dù vẫn là một thế lực có nhiều ảnh hưởng, Moscow có lẽ sẽ buộc phải thu hẹp sự tham gia của mình về cả quân sự, chính trị và kinh tế.