(Tổ Quốc) - Người dân trên đảo Đài Loan đi bỏ phiếu vào thứ Bảy này sẽ không chỉ xác định lại bối cảnh chính trị hòn đảo mà còn để thể hiện lập trường cho mối quan hệ với Bắc Kinh trong bốn năm tới.
Khoảng 19,3 triệu cử tri tiềm năng sẽ chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của họ trong một cuộc bầu cử quan trọng được Bắc Kinh và Washington theo dõi chặt chẽ vì kết quả sẽ quyết định hướng quan hệ xuyên eo biển, theo các nhà quan sát.
Cơ hội thắng của bà Thái Anh Văn
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, thuộc Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) theo đường lối tự lập hơn, đang hướng đến nhiệm kỳ thứ hai. Bà Thái sẽ phải cạnh tranh với thị trưởng Cao Hùng Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu) của đảng Kuomintang (Quốc dân đảng) thân thiện với đại lục và ứng cử viên tổng thống lâu năm James Soong Tống Sở Du, người sáng lập và chủ tịch của Đảng Thân dân.
Các cử tri cũng sẽ bỏ phiếu bầu ra Viện lập pháp Đài Loan, nơi DPP hiện chiếm đa số với 68 trên tổng số 113 ghế, so với KMT 35 ghế.
Các trạm bỏ phiếu mở cửa từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, và kết quả dự kiến có vào tối thứ Bảy.
Cuộc bầu cử đã tập trung vào các vấn đề như chủ quyền, dân chủ và các vấn đề xuyên eo biển giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Các vấn đề quan trọng khác bao gồm chính sách năng lượng, hôn nhân đồng giới và chính sách kinh tế.
Các cuộc điều tra lớn ở Đài Loan cho thấy bà Thái Anh Văn, người có lập trường mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh, có lợi thế lớn so với đối thủ chính của bà là ông Hàn - người ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc đại lục để chấm dứt sự đóng băng hiện tại.
Vào hôm thứ Sáu, bà Thái Anh Văn nói rằng một cuộc bỏ phiếu cho bà là một cuộc bỏ phiếu cho dân chủ và tự do. Còn ông Hàn cho biết ông sẽ thiết lập lại quan hệ với Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế Đài Loan, nhưng sẽ không thỏa hiệp trong việc bảo vệ nền dân chủ.
Hãy đến để ủng hộ Hàn Quốc Du, người có tầm nhìn về 'Đài Loan an toàn, mọi người trở nên giàu có' và 'Hòa bình qua eo biển', một trong những quan chức trong chiến dịch tranh cử của ông, nói tại một cuộc họp báo ngày Thứ sáu.
Ngoài 73 ghế bầu cử trong cơ quan lập pháp được bầu trực tiếp, sáu ghế còn được dành cho người bản địa Đài Loan bầu theo cá nhân ứng viên và 34 ghế theo hệ thống bổ sung dựa trên phiếu bầu của đảng.
Chưa thể nồng ấm ngay với Trung Quốc
Bắc Kinh coi Đài Loan thuộc lãnh thổ của mình và sẽ đưa hòn đảo này quay trở lại với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh đã đình chỉ trao đổi chính thức với hòn đảo kể từ khi bà Thái được bầu lần đầu tiên vào năm 2016 và từ chối chấp nhận nguyên tắc một Trung Quốc
Các nhà phân tích cho rằng, bất kể ứng cử viên nào giành chiến thắng, mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ vẫn là một vấn đề khó khăn đối với nhà lãnh đạo tiếp theo của hòn đảo.
Bất kể ai thắng cử, mối quan hệ xuyên eo biển sẽ không bao giờ có thể quay trở lại thời điểm quan hệ ấm áp dưới thời nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu, ông Simon Chang Teng-chi, giáo sư khoa học chính trị tại Đài Loan nói.
Từ năm 2008 đến năm 2016, ông Mã của Quốc dân đảng thân thiện với đại lục, mang lại tám năm quan hệ qua eo biển tương đối ấm cúng, đỉnh điểm là cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore năm 2015.
Vì việc bỏ phiếu phải được thực hiện khi công dân giữ hộ khẩu, hàng chục ngàn người Đài Loan làm việc ở nước ngoài dự kiến sẽ quay trở lại Đài Loan đến các quận nhà của họ để bỏ phiếu.
Một trong số đó là Chan Yiyun, 27 tuổi, làm việc cho một công ty công nghệ sinh học ở Thượng Hải. Mặc dù cô nói rằng cô ủng hộ chủ quyền của Đài Loan nhưng cô đã lên kế hoạch bỏ phiếu cho ông Hàn về các chính sách kinh tế của ông ấy. "Nền kinh tế của Đài Loan đang không tốt, và hoạt động ngoại giao là một thảm họa. DPP đã kích động Trung Quốc và các nước khác đang phá vỡ quan hệ ngoại giao với chúng tôi, từng người một", SCMP dẫn lời cử tri này.
Các cử tri khác như Harry Fan, một nhân viên bán hàng ở Đài Bắc ở độ tuổi 30, cảm thấy rằng việc bỏ phiếu cho bà Thái và DPP sẽ giúp bảo đảm lối sống dân chủ Đài Loan. "Những người trẻ tuổi của Đài Loan sẽ sát cánh cùng tự do và dân chủ, và trong khi một số người lớn tuổi có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi lập trường chính trị của họ, thì lần này những người trẻ tuổi của chúng tôi sẽ đến [và bỏ phiếu] vì trong vài tháng qua chúng tôi đã thấy tình hình ở Hồng Kông và điều này đã làm tổn thương trái tim của chúng tôi".