• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại sứ "mách nước" doanh nghiệp Việt "làm ăn" ở các thị trường tỷ đô

Thế giới 10/08/2018 16:43

(Tổ Quốc) - Nhiều tập đoàn lớn và các Đại sứ đã cùng chia sẻ, trao đổi về những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiến vào những thị trường tiềm năng.

Trong khuôn khổ Tọa đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện và doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, FPT, TH True Milk, Tập đoàn Dệt may Việt Nam,… đã có phiên thảo luận trực tiếp với Đại sứ Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới để cùng đề xuất và thảo luận một số cơ chế phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mạng lưới quan hệ với các doanh nghiệp Việt đang vươn ra thế giới.

Các Đại sứ và đại diện nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có phiên thảo luận sôi nổi. 

Đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, Viettel bắt đầu phát triển thị trường ra nước ngoài từ năm 2006, sau 12 năm, Viettel đã có mặt ở thị trường của 10 nước trên thế giới. Thời gian tới, tập đoàn này cũng mong muốn phát triển thêm thị trường Malaysia, Philippines và cả khu vực châu Âu. Có được những thành tựu này, Viettel đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các Đại sứ và Tham tán thương mại ở các nước thông qua việc kết nối với cơ quan chính quyền sở tại, quan tâm và chia sẻ các thông tin kịp thời cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Tổng giám đốc FPT Software kiêm Chủ tịch Fsoft Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, nếu Việt Nam muốn hướng đến các thị trường chất lượng cao, trả giá dịch vụ cao thì chúng ta phải hi sinh một số dịch vụ giá rẻ, trong đó có xuất khẩu lao động không tay nghề, không ngoại ngữ. Vì vậy, Phó Tổng giám đốc FPT bày tỏ hi vọng Việt Nam có thể hạn chế xuất khẩu lao động giá rẻ, sàng lọc hồ sơ chặt chẽ hơn – điều cần sự phối hợp của Bộ Ngoại giao nói riêng và nhiều cơ quan ban ngành có liên quan khác.

Một mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp hiện nay đó là các căng thẳng thương mại giữa các nước lớn. Bà Phạm Nguyên Hạnh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp Việt có thể phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ các cuộc căng thẳng thương mại này.

Bên cạnh đó, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được kí kết cũng mang đến nhiều cơ hội và thách thức. Bà Hạnh cho biết, ngành Dệt may Việt Nam đang chủ động tận dụng những mặt tích cực và có sự chuẩn bị rõ ràng cho hiệp định này, tuy nhiên, vẫn trông đợi ngành ngoại giao sát cánh cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn. Trước hết, đối với các thị trường tham gia CPTPP , đề nghị Bộ ngoại giao và các sứ quán hỗ trợ kết nối để các doanh nghiệp Việt tìm hiểu những thị trường chưa làm việc nhiều, danh sách các ngành nhập khẩu vào các nước này để tăng cường niềm tin cho doanh nghiệp Việt tiến tới làm ăn với các nước trong khuôn khổ CPTPP.

Về phần mình, bà Lê Hằng – Đại diện Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng chia sẻ, thủy sản là một trong những ngành có hội nhập thị trường rất sớm, và do đó có va đập rất sớm với các rào cản thị trường, thuế quan, phi thuế quan, hàng rào kĩ thuật, trong đó có những động thái chống bán phá giá tôm, cá tra tại thị trường Mỹ.

VASEP trong 14 năm qua đã nỗ lực theo đuổi việc đưa thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Mỹ. Trong chặng đường này, đã có sự hỗ trợ rất quan trọng từ cơ quan ngoại giao tại Hoa Kỳ, giúp đỡ kết nối với các cơ quan phía Mỹ, sắp xếp các cuộc gặp song phương và hỗ trợ đàm phán, cung cấp các thông tin.

"Đối với vụ kiện Mỹ về thuế cá tra tại WTO gần đây, VASEP đã nhận được những tín hiệu tích cực trong vụ kiện này, WTO đã nhận đơn kiện và thành lập ban hội thẩm giải quyết tranh chấp. Với cơ sở pháp lí mà Việt Nam đưa ra, VASEP tin rằng chúng ta có thể thắng. Dù vậy, vẫn chưa rõ phía Mỹ có thực hiện phán quyết này hay không?", bà Lê Hằng bày tỏ trăn trở.

Trong thời gian tới, VASEP cũng mong muốn cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Mỹ tiếp tục sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp thủy sản và VASEP, không chỉ trong vụ kiện bán phá giá này và các vụ kiện khác, mà với riêng vấn đề cá tra, mong có sự tác động tích cực hơn trong quan hệ ngoại giao để phía Mỹ có sự tính toán thay đổi biểu thuế đối với cá tra Việt Nam.

Trợ giúp hết mình từ ngành ngoại giao

Cũng tại phiên thảo luận, các đại sứ đã chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp kinh nghiệm và trao đổi về những công việc họ đã làm và có thể làm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tính bất định và không dự đoán được của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc chia sẻ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền có nhiều bất định. Chúng tôi chủ động kết nối, để chính quyền mới thấy Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam quan trọng với Hoa Kỳ.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết, thị trường nông sản Nhật Bản tương đối khó tính, để đưa nông sản Việt vào thị trường Nhật thì ít nhất quá trình đàm phán phải mất tới 3 đến 5 năm.

"Quá trình kiểm tra của nước bạn cũng rất nghiêm ngặt. Đại sứ quán phải rà soát, nếu như công ty nào làm ăn không tốt, chúng tôi phải báo cáo và có thể chấm dứt hợp đồng. Tới đây, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ là cơ hội rất lớn cho chúng ta khi đa phần các mặt hàng nông sản vào Nhật Bản chỉ bị áp thuế 0%", Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói thêm.

Còn Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các mặt hàng thế mạnh có thể xuất sang các thị trường cụ thể để các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài có thể giới thiệu, quảng bá. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp cũng chưa duy trì liên lạc , kết nối liên tục với các cơ quan ngoại giao để xúc tiến giao thương.

Nói riêng về thị trường Israel, Đại sứ Hải nhấn mạnh, tiềm năng thị trường Israel còn rất lớn, có thể lên đến hơn 3 tỷ USD. Đại sứ quán Việt Nam tại Israel luôn sẵn sàng hỗ trợ và  sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ