• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đàm phán Liên Triều: Bình Nhưỡng tháo ngòi nổ Hàn Quốc

Thế giới 09/01/2018 09:23

(Tổ Quốc) - Hôm nay, hai miền Triều Tiên thương lượng trực tiếp về các vấn đề liên quan Olympic và làm dịu tình trạng căng thẳng quân sự.

Thế vận hội mùa Đông tổ chức tại PyeongChang (Hàn Quốc) trở thành cầu nối cho cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng liên Triều đầu tiên kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên cầm quyền tại Hàn Quốc tháng 5/2017. Cuộc gặp diễn ra tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm từ ngày 9/1/2018. Sáng kiến cho cuộc tiếp xúc này do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ động đưa ra trong thông điệp đầu năm nay. Các nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in suốt một năm qua kiên trì đề xuất chủ trương gặp gỡ Liên Triều để thực hiện hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, cuối cùng cũng được đáp ứng.

Tập trận hải quân quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc trước khi diễn ra sự kiện Olympic.

Nhưng nếu không có Thế vận hội Olympic vào tháng tới tại Hàn Quốc, phía Triều Tiên chưa hẳn đã tiến tới cuộc gặp này. Trong suốt một năm qua, Bình Nhưỡng vờn Washington mà phớt lờ Seoul, nhưng, nay không thể bỏ lỡ sự kiện thể thao quan trọng tổ chức tại Hàn Quốc, để khẳng định mình là cường quốc thể thao châu Á. Người miền Bắc chắc sẽ cử đi một lực lượng đông đảo gồm các vận động viên và cổ động viên, để “tâm công” đồng bào miền Nam của họ, muốn nhắc nhở rằng, miền Bắc tuy nghèo nhưng có vũ khí hạt nhân, một năm qua với vụ thử bom khinh khí và khoảng 2 tá lần thử tên lửa đã gây ra bao sóng gió cho “khung thành” Washington và Seoul.

Hai bên Triều Tiên đều khẳng định mục tiêu chính gặp gỡ lần này sẽ tập trung vào  vấn đề Thế vận hội Olympic. Mặt khác, hai bên đều muốn khẳng định rằng tương lai của quan hệ hai miền Triều Tiên là do chính người Triều Tiên tự viết nên.

Các mục tiêu khác của Bình Nhưỡng là mở cánh cửa ngoại giao với Seoul, trong khi chưa tháo ngòi nổ với Washington, thì tháo ngòi nổ từ phía Nam; hy vọng với đàm phán Liên Triều có thể chia rẽ liên minh giữa Hàn Quốc với Mỹ. Việc giảm áp lực của cuộc bao vây cấm vận do Mỹ lãnh đạo cũng là điều mong muốn, nhưng Washington tuyên bố rằng, Mỹ không bị lừa như mấy chục năm qua, rằng Bình Nhưỡng thường dùng đàm phán để câu giờ. Cũng phải nói rằng, Mỹ và Triều Tiên đều nên chia đều nguyên nhân những lần đổ vỡ hai thập kỷ qua thành 50/50.

Ngày 8/1, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc, thông báo nước này sẽ tìm cách thảo luận cách thức làm dịu căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên và đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh. Ông này nêu rõ: “Khi thảo luận về mối quan hệ liên Triều, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tìm cách nêu vấn đề các gia đình bị ly tán do chiến tranh cũng như cách làm dịu tình trạng căng thẳng quân sự”. Hàn Quốc nhân dịp này tìm cách khôi phục đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Các nhà đàm phán Hàn Quốc cũng tận dụng cơ hội này để hiểu về các ý định của Bình Nhưỡng để hiểu rõ hơn mục tiêu của họ trong vấn đề hạt nhân và đàm phán ngoại giao. Những thông tin cơ bản như vậy là điều rất cần thiết, không thể nắm bắt được qua vệ tinh do thám. 

Mỹ: Không nên ảo tưởng

Washington tuy chấp nhận đề nghị của Tổng thống Moon qua cuộc điện đàm hôm 4/1 với Tổng thống Trump: hai bên sẽ ngừng các cuộc tập trận trong thời gian diễn ra Olympic, tập trung bảo vệ an ninh cho Olympic, khi hàng ngàn khách quốc tế đến tham dự sự kiện thể thao này. Như vậy, các cuộc tập trận sẽ hoãn đến khi cuộc thi đấu của các vận động viên khuyết tật kết thúc vào tháng 3.

Nga hoan nghênh việc Mỹ và Hàn Quốc chấp nhận đề xuất của Moscow ngừng tập trận để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tiếp xúc tại Bàn Môn Điếm cũng như trong dịp diễn ra Olympia tại PyeongChang.

Mỹ hoan nghênh hai miền Triều Tiên gặp gỡ cấp cao lần này, nhưng cũng khuyên Hàn Quốc không nên ảo tưởng về một đột phá có ý nghĩa nào. Đồng thời Nhà Trắng khẳng định rằng lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với Triều Tiên đang phát huy hiệu quả 

Dù gì thì gì, trải qua một năm căng thẳng và bế tắc ngoại giao, cuộc đối thoại Liên Triều lần này là một tiến triển quan trọng. Dư luận thế giới lạc quan một cách thận trọng, nhưng cũng hy vọng cuộc đàm phán tạo ra một bước ngoặt cho quá trình đàm phán thương lượng liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Người Triều Tiên hai miền ngồi lại với nhau để thương lượng trực tiếp là một thắng lợi của lý trí và tình cảm dân tộc./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ