(Tổ Quốc) - Nga và Ukraine hôm thứ Năm đã nhất trí về nhu cầu bức thiết thiết lập các hành lang nhân đạo giúp dân thường rời khỏi các vùng chiến sự. Đây được đánh giá là một tiến bộ đầu tiên trong quá trình đàm phán giữa hai bên.
Đối thoại hoà bình giữa hai Nga và Ukraine đã được nối lại hôm thứ Năm tại khu vực Brest, Belarus. Đây là vòng đàm phán thứ hai trong vòng 4 ngày. Cả hai bên đã rời phòng đàm phán sau vài giờ, nhất trí về nhu cầu bức thiết thiết lập các hành lang nhân đạo, tuy nhiên chưa đạt được thoả thuận ngừng bắn.
Cố vấn cho tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak chia sẻ trên Twitter sau cuộc họp rằng: "Vòng đàm phán thứ hai đã kết thúc. Tuy nhiên, kết quả mà Ukraine mong muốn vẫn chưa đạt được".
Ngoại trưởng Nga nói rằng nước này tiếp tục kiên trì quan điểm rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Ukraine phải bao gồm một lời cam kết rằng Ukraine sẽ "phi quân sự hóa". Nga cũng đã phát đi tín hiệu muốn thảo luận về việc Ukraine thực hiện "quy chế trung lập" và đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Còn về phía Ukraine, trước cuộc họp, ông Podolyak đã đăng trên Twitter rằng các ưu tiên của Ukraine trong đàm phán là "ngừng bắn ngay lập tức", một hiệp định đình chiến và "các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường." Các quan chức Ukraine trước đó cho biết họ muốn Nga rút toàn bộ quân khỏi Ukraine.
Và sau cuộc họp, trong khi phía Nga cho biết hai bên đã đạt được "tiến bộ đáng kể", thì về phía Ukraine, ông Podolyak tweet rằng cuộc đối thoại làm được duy nhất việc đưa ra "giải pháp cho việc tổ chức các hành lang nhân đạo".
Nhu cầu bức thiết di tản dân thường
Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến một dòng người lớn phải đi tị nạn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Nga, do chịu hàng loạt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, và dấy lên lo ngại về nguy cơ bất ổn lan rộng ở phương Tây trong nhiều thập kỷ.
Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine vẫn do chính phủ nước này kiểm soát nhưng Liên hợp quốc cho biết một triệu người hiện đã phải đi sơ tán, chủ yếu tìm kiếm nơi ẩn náu ở Ba Lan và các nước láng giềng khác ở phía tây.
Con số một triệu người này tương đương hơn 2% dân số Ukraine, dù một phần trong đó là công dân của các nước khác đang sống, làm việc tại Ukraine. Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cũng dự báo rằng có thể có tới 4 triệu người sẽ rời khỏi Ukraine, trong khi dân số của họ đang là 44 triệu người.
Ủy ban Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ cấp giấy phép cư trú tạm thời cho những người tị nạn và cho phép họ học tập và làm việc trong khối 27 quốc gia này. Động thái này sẽ cần sự chấp thuận của các quốc gia thành viên, vốn đã bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi cho Ukraine.
Phía Mỹ cho biết họ cũng cấp "tình trạng được bảo vệ tạm thời" cho những người Ukraine hiện đang ở tại nước Mỹ. Quy chế này sẽ được áp dụng trong 18 tháng tới – đồng nghĩa rằng những người Ukraine ở Mỹ sẽ không phải đối mặt với việc bị trục xuất.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết: "Trong những thời điểm đặc biệt như thế này, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và bảo vệ công dân Ukraine tại Mỹ".
Lập trường về đối thoại và thời điểm đàm phán tiếp theo
Trong một buổi đối thoại với phóng viên quốc tế hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết Nga sẵn sàng đàm phán, tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự trong khi các cuộc đối thoại diễn ra. Nga cũng sẽ không cho phép "cơ sở quân sự" vẫn còn hiện diện tại Ukraine – điều được coi là một mối đe doạ với Nga. Ông Lavrov cũng cho biết một thoả thuận hoà bình phải bao gồm việc Ukraine phi quân sự hoá.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelenskyy hôm thứ Năm nói rằng không quan tâm đến việc phi quân sự hoá. Giữa bối cảnh căng thẳng leo thang này, chính phủ Ukraine vẫn đang tìm kiếm thêm sự hỗ trợ quân sự, điều mà một số quốc gia lo ngại có thể làm leo thang xung đột.
"Làm sao mà các đối tác chưa cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine có thể ngủ được, vì trẻ em đang ngồi trong các tầng hầm bị bắn phá ..?" Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter.
Về thời điểm diễn ra vòng đàm phán thứ ba, hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta dẫn lời ông Podolyak cho biết các nhà đàm phán sẽ gặp lại nhau vào tuần tới. Đây cũng là thông điệp ông Sergey Lavrov cho biết hôm thứ Năm.
Leonid Slutsky, một nhà lập pháp cấp cao của Nga, người cũng tham gia quá trình đàm phán, cho biết vòng đối thoại tiếp theo có thể dẫn đến các thỏa thuận giữa hai bên và một số thỏa thuận trong đó cần được Quốc hội Nga và Ukraine phê chuẩn.