(Tổ Quốc) - Người dân Đan Mạch vào thứ Tư sẽ đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên từ bỏ chính sách đứng ngoài lề 30 năm qua hay không để tiến tới tham gia vào cơ chế quốc phòng và an ninh của EU.
Đan Mạch là thành viên EU duy nhất hạn chế tham gia vào các vấn đề quốc phòng của khu vực. Tuy nhiên, giống như các nước láng giềng Bắc Âu, Thụy Điển và Phần Lan, Đan Mạch đang đánh giá lại chính sách an ninh của mình kể từ khi xung đột Nga với Ukraine bùng lên.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Đan Mạch ủng hộ quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với châu Âu và kết quả cuộc trưng cầu dân ý lần này có thể ảnh hưởng đến tương lai quân sự của họ.
Tại sao cuộc trưng cầu này lại quan trọng
Các nhà lãnh đạo Đan Mạch cho rằng tình hình an ninh khu vực đã thay đổi và kêu gọi Đan Mạch hợp tác chặt chẽ hơn với EU trong các vấn đề quốc phòng.
"Tôi tin tưởng từ đáy lòng rằng chúng ta phải bỏ phiếu đồng ý", Thủ tướng Mette Frederiksen nói trong một cuộc tranh luận trên truyền hình hôm Chủ nhật. "Vào thời điểm mà chúng ta cần đấu tranh cho an ninh ở châu Âu, chúng ta cần đoàn kết hơn với các nước láng giềng."
Nhưng để điều đó xảy ra, quốc gia theo truyền thống hoài nghi châu Âu này cần một chỗ vị trí trong bàn đối thoại. Trong 30 năm, việc hạn chế tham gia về mặt quốc phòng có nghĩa là Đan Mạch không góp mặt vào hầu hết các sáng kiến quốc phòng và an ninh của châu Âu.
Chuyên gia Christine Nissen thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch cho biết: "Kể từ khi cơ chế (hạn chế quốc phòng-pv) được tạo ra cho đến nay, nó đã đồng nghĩa với việc mất đi ảnh hưởng. "Chúng tôi không thể tham gia vào các cuộc đàm phán. Chúng tôi không có dấu ấn gì."
Về mặt thực tế, người Đan Mạch không được mời tham dự các cuộc họp, có ít ảnh hưởng và không thể tham gia hoặc tài trợ cho bất kỳ hoạt động quân sự nào. EU hiện đang tham gia vào một số nhiệm vụ quân sự và bỏ phiếu đồng ý có thể đồng nghĩa với việc tham gia vào ít nhất hai trong số đó, ở Bosnia-Herzegovina và ngoài khơi Somalia. Cuối cùng, quyết định sẽ thuộc về các nghị sĩ trong Quốc hội của Đan Mạch.
Nếu người dân bỏ phiếu đồng ý thì họ sẽ ủng hộ việc tham gia Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung của EU, và nó sẽ mở ra cánh cửa cho các cơ quan liên quan đến an ninh khác. Như bà Frederiksen đã chỉ ra trước cuộc bỏ phiếu, Đan Mạch hiện thậm chí không thể làm việc với các đồng minh châu Âu để giải quyết các mối đe dọa mạng.
Sự thay đổi của Bắc Âu trong chính sách quốc phòng
Trong vòng vài tuần sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng lên, Đan Mạch đã bắt tay vào một sự thay đổi chính sách lớn. "Thời điểm lịch sử cần các quyết định lịch sử", Thủ tướng nước này nói vào thời điểm đó.
Quốc hội đã đồng ý vào tháng 3 để tăng cường chi tiêu quốc phòng, với khoản chi thêm 1 tỷ USD được trích ra trong vòng hai năm tới. Sau đó, con số này sẽ tăng lên 2% GDP vào năm 2033, phù hợp với các yêu cầu về tư cách thành viên của NATO. Đó cũng là lúc cuộc trưng cầu dân ý và kế hoạch loại bỏ dần khí đốt của Nga được công bố.
Cuộc tranh luận ở Đan Mạch là một phần của cuộc đại tu chính sách an ninh trên toàn khu vực Bắc Âu. Thụy Điển và Phần Lan đã quyết định gia nhập NATO, chấm dứt nhiều thập kỷ trung lập.
Đan Mạch là một thành viên sáng lập của liên minh quân sự này và đang cân nhắc việc cho phép quân đội Mỹ hoặc nước ngoài khác đóng quân trên lãnh thổ Đan Mạch. Động thái của Copenhagen được cho là bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi đường lối ở nước láng giềng Đức, quốc gia đã tuyên bố tăng chi tiêu quân sự rất lớn.
Kristian Soeby Kristensen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự của Đại học Copenhagen nói: "Tôi nghĩ không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của Đức trong nền chính trị Đan Mạch. Ông cho rằng việc bổ sung tiền của Đức sẽ tạo thêm sức nặng đáng kể cho chiến lược quốc phòng của EU".
Dự báo kết quả trưng cầu?
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy có tới 44% người Đan Mạch ủng hộ việc hủy bỏ chiến lược quốc phòng cũ và 28% phản đối. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong số 4,3 triệu cử tri đủ điều kiện trong cuộc trưng cầu dân ý được dự đoán là thấp trong lịch sử và gần 1/5 số cử tri chưa quyết định.
Nhà nghiên cứu bầu cử Roger Buch nói với tờ Politiken của Đan Mạch: "Bạn không cần phải thực hiện một dự án nghiên cứu lớn để kết luận rằng đây là một chiến dịch bỏ phiếu rất chậm chạp so với một cuộc bầu cử địa phương hoặc một cuộc bầu cử quốc hội.
11 trong số 14 đảng trong quốc hội của Đan Mạch ủng hộ việc từ bỏ sự hạn chế quốc phòng. Những bên chống lại bao gồm hai đảng hoài nghi châu Âu cánh hữu và một đảng cánh tả. Trong số những lo ngại của họ là mối quan hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc với EU có thể làm suy yếu vị trí của Đan Mạch ở NATO.