• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trắc trở đường vào NATO: Thụy Điển, Phần Lan hành động tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thế giới 25/05/2022 19:40

(Tổ Quốc) - Hai phái đoàn từ Thụy Điển và Phần Lan vào thứ Tư dự kiến có cuộc hội đàm tại Ankara với các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục tiêu của các cuộc gặp là để Ankara ngừng phản đối quá trình gia nhập liên minh NATO của hai nước Bắc Âu này, theo AP.

Vào tuần trước, Thụy Điển và Phần Lan đã đệ trình đơn xin gia nhập NATO. Động thái này là một trong những bước đi chia tách địa chính trị lớn nhất sau căng thẳng Nga - Ukraine và có thể viết lại bản đồ an ninh của châu Âu.

Trước hành động này, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ phản đối việc hai nước Bắc Âu trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO, với lý do Ankara bất bình với Thụy Điển, và ở mức độ thấp hơn là Phần Lan, về sự ủng hộ của họ đối với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), và các thực thể khác mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mang lại nguy cơ cho an ninh của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc hai nước này đang áp đặt các hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với họ, đồng thời luôn từ chối dẫn độ "những kẻ khủng bố" bị Ankara nghi ngờ.

Lực lượng PKK đã tiến hành một cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và xung đột giữa hai bên đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. PKK hiện được một số đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Trắc trở đường vào NATO: Thụy Điển, Phần Lan hành động tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thành viên NATO duy nhất phản đối đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Ảnh: AP.

Hôm thứ Bảy tuần trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối tư cách thành viên của hai nước mới nộp đơn, trừ khi mối quan ngại của họ được giải quyết.

Sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm hy vọng của Stockholm và Helsinki về việc nhanh chóng trở thành thành viên của NATO trong bối cảnh căng thẳng Nga và Ukraine vẫn chưa có tín hiệu dừng lại. Đồng thời, phản ứng từ Ankara cũng khiến uy tín của liên minh xuyên Đại Tây Dương này bị đe dọa. Hai nước Bắc Âu chỉ có thể trở thành thành viên NATO sau khi toàn bộ 30 thành viên liên minh này phải đồng ý kết nạp thành viên mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto ngày 24/5 nói: "Chúng tôi hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ có một số lo ngại về an ninh của riêng họ, chẳng hạn như khủng bố. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có câu trả lời tốt cho vấn đề đó vì chúng tôi cũng là một phần của cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố. Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề này có thể được giải quyết".

Các phái đoàn của Thụy Điển và Phần Lan đang sẵn sàng giải quyết những bất bình của Thổ Nhĩ Kỳ với Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal. Phái đoàn của Thụy Điển sẽ do Ngoại trưởng Oscar Stenström dẫn đầu trong khi Jukka Salovaara, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan, sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Loạt yêu cầu từ Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu được đài truyền hình tư nhân NTV dẫn lời nói rằng Ankara đã chuẩn bị một "dự thảo thỏa thuận" và văn bản này sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận.

Ông Mevlut Cavusoglu nói, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thấy một thỏa thuận chính thức, có chữ ký đầy đủ, chứ không phải chỉ dừng ở lời nói "kỳ vọng".

Trong tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt kê năm "đảm bảo cụ thể" mà họ đang đòi hỏi từ Thụy Điển, bao gồm điều khoản "chấm dứt sự hỗ trợ chính trị cho chủ nghĩa khủng bố", "loại bỏ nguồn tài trợ cho khủng bố" và "ngừng hỗ trợ vũ khí" đối với nhóm PKK và một nhóm dân quân người Kurd Syria có liên kết với lực lượng này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan hướng tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vũ khí đối với nước này và hợp tác toàn cầu chống khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ cũng đã yêu cầu Thụy Điển dẫn độ các tay súng người Kurd và một số nghi phạm khủng bố khác kể từ năm 2017, nhưng không nhận được phản hồi tích cực từ Stockholm. Cùng với nhiều vấn đề bất bình khác, Ankara tuyên bố rằng Thụy Điển đã quyết định cung cấp 376 triệu USD để hỗ trợ các chiến binh người Kurd vào năm 2023 và Thụy Điển cũng đã cung cấp thiết bị quân sự cho lực lượng này, bao gồm vũ khí chống tăng và máy bay không người lái.

Thụy Điển phủ nhận việc từng cung cấp bất kỳ "hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ quân sự" nào cho các nhóm hoặc thực thể người Kurd ở Syria.

"Thụy Điển là nhà tài trợ nhân đạo lớn cho cuộc khủng hoảng Syria thông qua việc phân bổ toàn cầu cho các tổ chức nhân đạo," Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói với tờ báo Aftonbladet.

Bà Ann Linde nói: "Sự hợp tác ở đông bắc Syria được thực hiện chủ yếu thông qua Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Thụy Điển không cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho người Kurd ở Syria hoặc các cấu trúc chính trị hoặc quân sự ở đông bắc Syria, nhưng người dân ở những khu vực này tất nhiên sẽ tham gia và thụ hưởng các dự án viện trợ cho họ".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ