• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Đảo chiều” đụng độ Mỹ - Iran tại Vịnh Ba Tư

Thế giới 16/03/2018 14:18

(Tổ Quốc) - Về mặt chính trị, căng thẳng Mỹ và Iran có thể vẫn đang leo thang, tuy nhiên, sự bình tĩnh trong quan hệ quân sự đã được cải thiện từ năm 2017.

Về mặt chính trị, căng thẳng Mỹ và Iran có thể vẫn đang leo thang, tuy nhiên, sự bình tĩnh trong quan hệ quân sự đã được cải thiện từ năm 2017, theo các quan chức hàng đầu của hải quân Mỹ tại Vịnh Ba Tư.

Hải quân Iran đã không thực hiện bất kỳ hành động "không an toàn và không chuyên nghiệp" nào trong nhiều tháng qua, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho hay.

Trung tá Hải quân Mỹ William Urban – quan chức Hải quân hàng đầu thuộc Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ nói với các phóng viên ở Bahrain vào hôm thứ năm – ngày 15/3 rằng "những động thái khiêu khích" thường xuyên của Iran đối với Hải quân Mỹ tại Vịnh Ba Tư đã đột ngột ngừng lại vào tháng 8/2017. Trước đó, ông Urban nói thêm, người Iran từng nhiều lần áp sát các tàu Mỹ với tốc độ cao – điều tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và mang tính khiêu khích.

"Đụng độ" Mỹ - Iran tại Vịnh Ba Tư trong năm 2018 đã giảm hẳn. (Nguồn: AFP)

Ông nói: "Có vẻ như họ đã hoàn toàn đưa ra quyết định có chủ ý rằng họ sẽ cho chúng tôi nhiều không gian hơn. "Đó chắc chắn là một sự thay đổi trong cách hành xử của họ." Urban đã không đưa ra suy đoán của ông về việc tại sao người Iran thay đổi hành vi của họ.

“Sóng gió” tinh hoa Mỹ - Iran

Sự cố cuối cùng giữa Hải quân hai nước diễn ra vào ngày 14/8/2017, khi một chiếc phi cơ không người lái của Iran áp sát một tàu sân bay Mỹ ở khoảng cách 300 m, Hải quân Mỹ lúc đó đã lên tiếng rằng khoảng cách tiếp cận gần như vậy đã gây nguy hiểm cho các phi công Hoa Kỳ.

Có lẽ vụ việc nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây diễn ra vào tháng 1/2016,  khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắt giữ hai tàu Hải quân nhỏ của Mỹ sau khi trôi dạt vào vùng biển của Iran.

Mười thủy thủ người Mỹ đã bị bắt giữ trong 15 tiếng đồng hồ trước khi được trả tự do. Phía Mỹ tuyên bố hai tàu trên tiến vào lãnh hải Iran một cách tình cờ do lỗi điều hướng.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ - Iran đã nỗ lực hàn gắn vết rạn nứt trong mối quan hệ của họ với việc ký kết Kế hoạch Hành động Toàn diện chung năm 2015 (JCPOA), thỏa thuận quốc tế giúp ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran bằng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với nước này.

Tuy nhiên, sự tan băng này một lần nữa đã trở nên lạnh giá với chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Tổng thống Trump có lập trường cứng rắn trong mối quan hệ với Iran và từng tuyên bố sẽ rút lui hoặc phải thương lượng lại JCPOA.

Trong khi đó, mối quan hệ song phương Mỹ - Iran vẫn diễn biến phức tạp do hàng chục các sự cố "khiêu khích" được Hải quân Hoa Kỳ thông báo, với 23 vụ việc năm 2015 và 36 vụ việc năm 2016.

Dù vậy, số lượng sự cố trên chỉ dừng ở 14 vụ năm 2017 và tất cả chỉ diễn ra trong 8 tháng đầu năm. Và tính tới thời điểm hiện tại của năm 2018, số vụ việc này vẫn dừng ở con số 0.

“Nội đấu” quyền lực Iran

Không giống hầu hết các quốc gia khác, Iran có hai quân đội: quân đội Iran – lực lượng sẽ đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran IRGC – một đơn vị bán quân sự trực tiếp đáp lại mệnh lệnh của nhà lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei.

Những sự cố trên phần lớn chỉ liên quan đến IRGC chứ không phải quân đội thường xuyên của Iran. Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái của IRGC không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Iran – Mỹ mà phần liên quan đến mối quan hệ “bất ổn” giữa nhà lãnh đạo bảo thủ Khamenei và ông Rouhani trung hòa hơn.

Tiêu biểu, sau các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn Iran vào cuối tháng 12 năm 2017, hai nhà lãnh đạo này đã công khai đưa ra những thông điệp trái ngược với nhau về nguyên nhân diễn ra những cuộc biểu tình này.

Khamenei tuyên bố rằng các cuộc biểu tình trên diễn ra là do các điệp viên nước ngoài tại Iran thúc đẩy. "Trong những sự kiện trong vài ngày qua, những kẻ thù của Iran đã triển khai mọi phương tiện, bao gồm tiền bạc, vũ khí và hỗ trợ chính trị và tình báo, nhằm phối hợp phá hoại nền tảng của Cộng hòa Hồi giáo", ông nói.

Trong khi đó, Rouhani thừa nhận rằng những người biểu tình đã đưa ra một số quan ngại hợp lí, đồng thời ngầm chỉ trích các nhà lãnh đạo thời kỳ cách mạng như Khamenei vì đã duy trì các chính sách cũ kể từ khi Quốc vương Iran Shah – được Mỹ ủng hộ - bị lật đổ vào năm 1979.

Ông Rouhani tuyên bố ngày 8/1: "Một người không thể ép buộc lối sống của mình đối với các thế hệ tương lai ... Vấn đề là ở chỗ, chúng ta đang khiến hai thế hệ người dân sau chúng tôi phải sống theo cách chúng ta muốn".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ