• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo luật trị giá nghìn tỷ đô la: Cơ hội hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Mỹ

Thế giới 16/11/2021 11:44

(Tổ Quốc) - Đạo luật cải tạo hạ tầng trị giá 1.200 tỷ đô la mang đến hy vọng nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước Mỹ trong bối cảnh lạm phát gia tăng và năng lực kinh tế đang đối mặt với nhiều rủi ro vì Covid-19.

Đạo luật trị giá 1.200 tỷ USD

Theo hãng AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật cải tạo hạ tầng của Mỹ trị giá 1.200 tỷ USD tại Nhà Trắng vào ngày 15/11 nhằm hỗ trợ xây dựng đường xá, cầu, cảng, xây dựng mạng lưới sạc xe điện và mở rộng hạ tầng Internet băng thông rộng. Đạo luật hướng đến mục tiêu "thay đổi để hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn" thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày cho nhiều người dân Mỹ.

Đạo luật trị giá nghìn tỷ đô la: Cơ hội đáp ứng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật cải tạo hạ tầng của Mỹ trị giá 1.200 tỷ đô la tại Nhà Trắng vào ngày 15/11. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng đạo luật cải tạo hạ tầng sẽ đưa nước Mỹ trở lại sau thời gian ảnh hưởng do lạm phát gia tăng và năng lực kinh tế đang đối mặt với nhiều rủi ro vì Covid-19.

"Thông điệp của tôi muốn gửi đến người dân Mỹ là: Nước Mỹ đang trở lại và cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn", Tổng thống Biden khẳng định.

Để đạt được các thỏa thuận lưỡng đảng, Tổng thống Biden phải đưa ra lựa chọn giữa các hứa hẹn thúc đẩy tinh thần đoàn kết dân tộc và cam kết các nỗ lực thay đổi vì nước Mỹ. Chính quyền Mỹ hy vọng đạo luật mới sẽ là cầu nối giữa các chia rẽ và nâng tầm đất nước bằng nỗ lực mở rộng hạ tầng Internet băng thông rộng, cung cấp nguồn nước uống sạch và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

"Với đạo luật mới này, tôi hi vọng chúng ta có thể đưa đất nước hướng đến sự đồng thuận chung", Tổng thống Biden khẳng định.

Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ đến bang New Hampshire và Michigan vào ngày 16-17/11 để làm rõ các dự án cụ thể có thể hưởng lợi từ luật này. Ông Biden sẽ thăm một cây cầu nằm trong "danh sách đỏ" của bang, bao gồm các hạng mục cần phải cải tạo, sau đó tới Detroit để gặp đại diện các công đoàn. Trước đó, Tổng thống Biden đã đến Cảng Baltimore vào tuần trước để phân định kế hoạch đầu tư vào chuỗi cung ứng theo đạo luật cải tạo hạ tầng.

"Chúng ta nên xem đây là cơ hội vì sẽ nằm trong các chương trình nghị sự của tổng thống vào thời gian tới", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh trước buổi ký kết đạo luật.

Cơ hội cho người dân Mỹ về một cuộc sống tốt đẹp hơn

Việc ký thành luật dự luật cơ sở hạ tầng đánh dấu một thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Joe Biden sau nhiều tuần đàm phán tại Hạ viện với đỉnh điểm là cuộc bỏ phiếu của lưỡng đảng. Đây được xem là đạo luật được ban hành nhằm cải tổ cơ sở hạ tầng lớn nhất của Mỹ trong hơn một nửa thế kỷ qua.

"Sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với dự luật có ý nghĩa quan trọng đối với các cử tri", Thượng nghị sĩ bang Ohio - ông Rob Portman cho biết.

Quá trình tham gia ký kết có sự tham dự của các thống đốc và thị trưởng của hai đảng, đại diện đứng đầu các doanh nghiệp. Ngoài Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, danh sách khách mời còn có các thành viên Đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ - Bill Cassidy, Thượng nghị sĩ Susan Collins, Hạ nghị sĩ Tom Reed, Hạ nghị sĩ Alaska Don Young và Thống đốc bang Maryland - Larry Hogan.

Hầu hết những người tham dự là đảng viên Dân chủ, song có một số ít đảng viên Cộng hòa. "Đạo luật là bằng chứng chứng minh đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể cùng nhau đưa ra sự thống nhất chung. Hãy tin vào nhau và hãy tin vào nước Mỹ", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Đầu tháng này, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trên với tỷ lệ phiếu 228-206 sau nhiều tuần đàm phán nhằm tìm kiếm sự đảm bảo cho phần quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Biden.

Để đạt được thảo thuận lưỡng đảng, Tổng thống Biden đã phải cắt giảm 1/2 giá trị so với đề xuất ban đầu là 2.3 tỷ đô la để thực hiện chiến dịch cải tạo cơ hạ tầng. Dự luật sẽ trở thành luật, trong đó đầu tư 550 tỷ đô la khắc phục các vấn đề liên quan đến hạ tầng là đường bộ, cầu và đường sắt trên khắp nước Mỹ, đồng thời được sử dụng để thay thế đường ống dẫn nước sạch trong 10 năm tới.

Các nhà sử học, nhà kinh tế học và kỹ sư đều bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, họ cho rằng hàng nghìn tỷ đô la sẽ không đủ để khắc phục các khó khăn trong nhiều thập kỷ cũng như nâng cấp hạ tầng của nước Mỹ. Về cơ bản, các tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế đang là thách thức nghiêm trọng trên toàn cầu.

"Chúng ta phải thật tỉnh táo để có thể giải quyết bài toán về hạ tầng cũng như các mức đầu tư mở rộng trong tương lai", ông David Van Slke – Hiệu trưởng trường Công dân và Công vụ Maxwell tại Đại học Syracuse cho biết./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ