(Tổ Quốc) - Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang nhìn thấy nhiều tiến bộ đáng kể trong các thỏa luận về thương mại, biến đổi khí hậu trước thềm cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần tới.
Tuyên bố chung ứng phó biến đổi khí hậu
Theo Thời báo châu Á (Asia Times), Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với khí hậu tại thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow. Cả hai nước đều khẳng định sẽ nhắc lại cam kết vững chắc thúc đẩy hợp tác giữa các bên nhằm tăng cường thực hiện thỏa thuận Paris 2015.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định, chính quyền Tổng thống Biden đang tiến tới các đàm phán với Trung Quốc về việc tuân thủ của Bắc Kinh đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau khi hai bên tham gia ký kết vào tháng 1/2020. Bà Tai cho rằng, Mỹ cũng cân nhắc tất cả các thiếu sót của Trung Quốc trong thỏa thuận, bao gồm cả việc không mua máy bay thương mại.
Giữa các tín hiệu tích cực về quan hệ hai nước, truyền thông Trung Quốc bày tỏ mong muốn Mỹ nên thể hiện "sự chân thành hơn", đề cập đến việc hủy bỏ thuế quan áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt mà Washington đang áp dụng đối với các công ty của nước này.
Vào đầu tháng Chín, Đặc phái viên khí hậu của Mỹ - ông John Kerry đã có chuyến công du lần thứ hai đến Trung Quốc trong năm nay, kêu gọi nước này phải làm nhiều hơn nữa để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Sau khi tham gia các cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Han Zheng và các quan chức ngoại giao, ông Kery nhấn mạnh, khí hậu không phải là ý thức hệ, không tồn tại đảng phái và cũng không phải là vũ khí địa chiến lược.
Vào ngày 10/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia cuộc điện đàm kéo dài 90 phút và nhất trí nối lại đối thoại về một loạt chủ đề. Các quan chức thương mại và ngoại giao hai nước cũng tổ chức một số cuộc họp tháng trước nhưng chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Vào ngày 10/11, nhiều phương tiện truyền thông đăng tải thông tin hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tham gia họp trực tuyến vào tuần tới.
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình không tham dự thượng đỉnh COP26 tại Glasgow nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra tuyên bố chung về ứng phó với biến đổi khí hậu vào ngày 11/11. Cả hai khẳng định bày tỏ mong muốn sẽ tham gia hợp tác về các khuôn khổ quy định cũng như các tiêu chuẩn môi trường liên quan đến việc giảm phát thải hiệu ứng nhà kính đồng thời thúc đẩy tối đa hóa lợi ích xã hội trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Đại diện hai nước cũng lên tiếng sẽ tham gia cuộc họp vào nửa đầu năm 2022 để tập trung vào các chi tiết cụ thể về việc tăng cường đo lường và giảm thiểu khí mê-tan, bao gồm việc thông qua các tiêu chuẩn giảm khí mê –tan từ các ngành nhiên liệu hóa thạch và chất thải, cũng như khuyến khích tham gia các chương trình giảm khí mê-tan từ ngành nông nghiệp.
"Tuyên bố cho thấy hợp tác Mỹ-Trung là lựa chọn đúng đắn duy nhất và hai bên sẽ có chia sẻ nhiều hơn về sự khác biệt của biến đổi khí hậu", ông Xie Zhenhua – đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Trung Quốc nói.
Xin Qiang, Giáo sư kiêm phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan nhận định ông Sullivan đưa ra tuyên bố chiến lược trong bối cảnh Tổng thống Biden mong muốn Trung Quốc có thể hỗ trợ các chính sách phục hồi kinh tế, đối phó dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Tiến bộ về hợp tác thương mại
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ - bà Katherine Tai cũng khẳng định các quan chức chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục thảo luận và làm việc với các đối tác Trung Quốc về các vấn đề thương mại cũng như các tiến bộ đang thực hiện.
Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc phải tuân thủ tăng cường mua hàng hóa của Mỹ trị giá 200 tỷ đô la trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021. Dữ liệu chính thức cho thấy, tính đến ngày 30/9, Bắc Kinh chỉ mới đạt được 60% so với mục tiêu.
Tiến bộ về khí hậu và thương mại diễn ra sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trên CNN rằng Washington không hề mong muốn tìm kiếm một cuộc "Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc và cũng không hề có bất kỳ sự chuyển đổi chính trị nào trong nước. Mỹ luôn mong muốn tìm kiếm một hệ thống chung sống hòa bình.
"Mục tiêu ở đây không phải là ngăn chặn, cũng không phải là cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Đây là cơ hội thuận lợi, trong đó có Mỹ và các đồng minh có thể định hình quy tắc quốc tế về các vấn đề quan trọng với người dân Mỹ và người dân trên khắp thế giới", ông Sullivan nói thêm.
Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã điện đàm trực tuyến, thảo luận về khả năng giảm hoặc dỡ bỏ thuế trừng phạt. Theo tờ Wall Street Journal, Mỹ vẫn đang để ngỏ khả năng giữ nguyên thuế trừng phạt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo đúng quy định trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong lên tiếng, Bắc Kinh vẫn đang trong tiến trình thực thi thỏa thuận, tuy nhiên Trung Quốc cũng cần xem xét hành động thỏa đáng của Mỹ để triển khai thỏa thuận. Mức thuế cao áp dụng từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đang ảnh hưởng tới Mỹ trước tiên và tác động tiêu cực đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang tác động mạnh mẽ tới các nhà sản xuất tại Trung Quốc và lan sang cả lĩnh vực thương mại. Cả Mỹ và Trung Quốc đều chọn cách thể hiện cứng rắn bề ngoài, song đều mong muốn hướng đến mục tiêu thỏa hiệp và đạt được kết quả có thể chấp nhận cho cả hai bên./.