(Tổ Quốc) - Vũ khí hạt nhân là đảm bảo an ninh duy nhất cho Nga; không thể trao đổi với bất kỳ điều gì, kể cả kinh tế.
Theo chuyên gia quân sự người Nga Konstantin Sivkov, vũ khí hạt nhân tiếp tục là một trong những vấn đề tối quan trọng của an ninh quốc gia Nga; và những lợi ích về kinh tế đến từ việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Nga, không thể làm “lu mờ” ý nghĩa của vấn đề này đối với quốc phòng Nga.
VŨ KHÍ HẠT NHÂN LÀ ĐẢM BẢO DUY NHẤT CHO QUỐC PHÒNG NGA
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh RIA Novosti, ông Sivkov khẳng định vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo duy nhất cho an ninh của Nga. Vì vậy, yêu cầu cắt giảm vũ khí hạt nhân để đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga – là không thể chấp nhận được. “Khác với thời kỳ Liên Xô trước đây, an ninh của Liên bang Nga không thể được đảm bảo chỉ với những lực lượng truyền thống; vì vậy, dự trữ vũ khí hạt nhân là phương án giữ an toàn duy nhất,” Sivkov nhấn mạnh. “Những lợi ích kinh tế của việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đơn giản không thể so sánh được với an ninh quốc phòng.”
Nga sẽ không trao đổi vũ khí hạt nhân với dỡ bỏ các lệnh trừng phạt |
Những tuyên bố của ông Sivkov được đưa ra sau buổi phỏng vấn của Tổng thống Mỹ mới đắc cử, Donald Trump với tờ báo Anh quốc, The Times. Trong đó, ông Trump tiết lộ với phóng viên khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine, đổi lại Nga có thể sẽ phải ký kết một hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Bình luận về những phát ngôn của ông Trump, người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ không tham dự bất kỳ cuộc hội đàm về giải trừ hạt nhân nào với Washington và đề nghị để ngỏ vấn đề này cho đến sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống.
Theo chuyên gia Sivkov, giải trừ hạt nhân của Nga là một vấn đề đặc biệt nguy hiểm, nhất là vào thời điểm các cường quốc hạt nhân khác đang tiến hành tăng cường và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Ví dụ gần đây nhất, vào ngày 22/12/2016, chính ông Trump đã viết trên trang Twitter của mình rằng “nước Mỹ phải củng cố mạnh mẽ và mở rộng khả năng hạt nhân, cho đến khi thế giới nhận thức được hạt nhân là gì.”
Ông Trump sẽ tiếp tục áp dụng chính sách của người tiền nhiệm trong vấn đề hạt nhân Nga? |
Ngoài ra, năm 2016, Tổng thống Barack Obama cũng đã phê chuẩn một chương trình hiện đại hóa hạt nhân kéo dài 30 năm, và có chi phí lên tới 1.000 tỷ USD. Chương trình này bao gồm cả việc triển khai mẫu bom nguyên tử cải tiến B61-12 của Mỹ tại một số quốc gia thành viên NATO (Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy) và Thổ Nhĩ Kỳ.
GIẢI TRỪ PHẢI CÓ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT
“Nếu chính quyền mới của Mỹ thật sự có thiện chí thảo luận vấn đề cắt giảm hạt nhân, lúc đó nước Nga sẽ sẵn sàng tham dự các cuộc thương lượng, dựa trên ba điều kiện. Đầu tiên, Mỹ phải chuyển tất cả thiết bị vũ trang hạt nhân chiến lược của mình tại châu Âu về lại Mỹ,” Korotchenko, Tổng biên tập của tạp chí An ninh Quốc phòng phân tích.
Điều kiện thứ hai, theo chuyên gia người Nga, đó là hiệp ước tương lai phải bao gồm cả dự trữ hạt nhân của cả Mỹ, Nga và Pháp thành một bên, và bên còn lại là Nga. Cuối cùng, nước Mỹ nên đưa ra giới hạn cho sáng kiến phòng thủ tên lửa toàn cầu của mình.
Tuy nhiên, Sivkov cho rằng, ngay cả trong trường hợp Washington đồng ý cắt giảm kho hạt nhân của nước Mỹ, không có gì đảm bảo các “ông lớn” hạt nhân khác như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tham gia hiệp định. Bắc Kinh hiện cũng đang trong quá trình tăng cường tiềm lực hạt nhân của mình. Viktor Ozerov, người đứng đầu Ủy ban an ninh của Quốc hội Nga đồng tình với ý kiến của Sivkov. “Bên cạnh Nga và Mỹ, còn có các quốc gia khác đang chính thức sở hữu năng lực hạt nhân, vì vậy quá trình giải trừ cần phải bao gồm cả những nước này,” Ozerov nhấn mạnh. Ngoài ra, chuyên gia Sivkov còn bày tỏ sự lo lắng rằng, đề xuất của Nga có thể đồng nghĩa với việc tân Tổng thống sẽ quyết tâm “theo bước” người tiền nhiệm Obama. “Tuyên bố của Trump cho thấy ông ta sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách của Obama về cắt giảm hạt nhân của Nga,” Sivkov dự đoán.
Trung Quốc và các cường quốc hạt nhân khác đều đang tiến hành mở rộng và hiện đại hóa tiềm lực vũ khí hạt nhân của mình |
Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nga cũng khẳng định việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và cắt giảm hạt nhân không có liên quan gì đến nhau. Slutsky nhấn manh rằng dỡ bỏ lệnh trừng phạt không thể được coi là một con bài mặc cả trong một lĩnh vực nhạy cảm như an ninh hạt nhân quốc gia.
“Nhắc đến giải trừ hạt nhân,” Slutsky nói, “Nga luôn là một trong những người đề xướng và sẵn sàng thảo luận với các đối tác của mình… Tuy nhiên, chúng ta chỉ làm điều này với một điều kiện là sự công bằng và kiểm soát lần nhau.”
Trước đó, Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga từng tuyên bố, Moscow sẽ không trao đổi an ninh quốc gia với dỡ bỏ lệnh trừng phạt. “Đây thậm chí còn không phải là mục tiêu chiến lược [cho nước Nga] đòi hỏi phải có sự hy sinh, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh,” Kosachev trả lời kênh RIA Novosti.
(Theo Sputnik)