(Tổ Quốc) - Giải quyết được xung đột với Trung Quốc, có thể đồng nghĩa với mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Nga.
Theo ông Fabien Baussart, Giám đốc Trung tâm Chính trị và Quan hệ quốc tế Pháp (CFPA), khôi phục lại quan hệ giữa Washington và Moscow nên là ưu tiên hàng đầu cho Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, một khi ông chính thức trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.
NGA – TRUNG “SONG HÀNH’ CÙNG NGA – MỸ
Chia sẻ với hãng tin RIA Novosti, ông Baussart đặc biệt nhấn mạnh tới sự song hành không thể thiếu, trong nhiệm vụ “hoà giảI” của Mỹ với Nga và Trung Quốc. Theo ông, phát triển trong quan hệ Mỹ - Trung mang tầm “ý nghĩa chiến lược”: “Từ góc nhìn chiến lược, nếu chính quyền Mỹ giải quyết được những xung đột với các nhà cầm quyền Trung Quốc, không có lý gì mối quan hệ với Nga lại tồi tệ.”
Baussart cho rằng, Tổng thống mới đắc cử Trump chắc chắn sẽ tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Nga ít nhất trên hai lĩnh vực là Syria và Ukraine. “Tôi có chút lo lắng về cuộc xung đột giữa Palestine - Israel; và việc ông Trump muốn chuyển đại sứ quán đến Jerusalem. Đây là một tín hiệu nguy hiểm và không có lợi cho tiến trình hoà bình,” chuyên gia CFPA nói. “Tuy nhiên, nếu bỏ qua điều này, tôi hoàn toàn lạc quan với dự đoán rằng chính quyền mới sẽ nối lại quan hệ hữu nghị với Nga trong các vấn đề Syria và Ukraine.”
Mỹ có thể cải thiện quan hệ với Nga trong hai vấn đền Syria và Ukraine |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, tân Tổng thống cho biết, ông sẽ giữ nguyên các lệnh trừng phạt chống lại Nga được thi hành dưới thời Obama, “ít nhất trong một thời gian”.
“Nếu các anh hoà thuận, và nếu Nga thật sự giúp được chúng ta, tại sao lại phải áp dụng trừng phạt nếu người nào đó đang làm những điều tốt đẹp?”, ông Trump nói.
Mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa Washington và Moscow đã là mục tiêu của nhiều đời Tổng thống Mỹ, kể từ lúc căng thẳng bắt đầu leo thang sau khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga. Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton từng theo đuổi “giấc mơ” này khi còn làm việc dưới quyền Tổng thống Obama; Tổng thống George W. Bush cũng đã từng gặp gỡ ông Putin trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao của ông Trump có thể sẽ xung đột với Quốc hội, khi một số không ít thành viên Đảng Cộng hoà hy vọng, chính quyền mới sẽ thực thi những biện pháp cứng rắn với Nga - đặc biệt sau những kết luận của tình báo Mỹ, về việc chính phủ Putin từng gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ 2016 thông qua một chiến dịch tin tặc.
Ngoài ra, những tiết lộ chưa có bằng chứng cụ thể, về mối quan hệ giữa ông Trump và tình báo Nga trong suốt 5 năm – mặc dù bị Tổng thống mới đắc cử và đội ngũ của mình kịch liệt phản đối – đã khiến Nga tiếp tục trở thành một trong những tiêu điểm nóng nhất tại Mỹ.
Ông Trump chia sẻ, nếu Nga có thể tỏ ra “có ích” trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như trợ giúp Mỹ đạt được một số mục tiêu quan trọng, Washington có thể thay đổi suy nghĩ về các lệnh trừng phạt. Ông cũng cho biết, mình đã chuẩn bị gặp gỡ Tổng thống Putin sau khi nhậm chức. “Tôi hiểu rằng họ muốn gặp mặt, và tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với điều đó,” Trump nói.
Ông Trump bị tố có quan hệ với tình báo Nga trong suốt 5 năm |
Ông Baussart cảnh báo: “Rõ ràng, với sự xuất hiện của các vụ scandal và tin tức giả, thời điểm quan trọng này đang được sử dụng để làm yếu đi khả năng của ông Trump trong việc thúc đẩy quan hệ Nga – Mỹ.” Trong khi đó, Alexey Pushkov, một Thượng nghị sỹ Nga dự đoán, một cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ có thể mở đường cho một chương mới trong quan hệ Moscow – Washington. “Ông Trump đã đặt một ván cược lớn lên Putin. Cuộc gặp này có thể trở thành một điểm khởi đầu mới trong quan hệ giữa Mỹ và Nga, bất chấp các ý kiến hoài nghi,” Pushkov viết trên mạng xã hội Twitter.
MỌI THỨ ĐỀU ĐANG TRONG THƯƠNG LƯỢNG, KỂ CẢ MỘT TRUNG QUỐC
Khi được hỏi rằng liệu chính quyền mới có ủng hộ chính sách truyền thống Một Trung Quốc, đã góp phần định hình quan hệ Mỹ - Trung trong nhiều thập kỷ, tân Tổng thống nói: “Mọi thứ đều đang trong thương lượng, kể cả Một Trung Quốc.”
Mặc dù luôn tỏ thái độ không hài lòng với Bắc Kinh, nhưng trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, ông Trump vẫn “khoe” tấm thiếp chúc mừng năm mới từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Tôi nhận được một tấm thiệp rất đẹp từ ngài Chủ tịch,” ông Trump chia sẻ.
Tổng thống mới đắc cử dường như có những tính toán riêng liên quan đến Trung Quốc và Đài Loan. Sau khi giành chiến thắng vào tháng Mười một năm ngoái, ông Trump đã “thổi bùng” căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sau khi trả lời một cuộc điện thoại chúc mừng từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
“Năm ngoái, chúng ta bán cho họ [Đài Loan] 2 tỷ USD tiền thiết bị quân sự. Chúng ta có thể bán cho họ 2 tỷ USD những thiết bị quân sự tốt nhất, mới nhất – nhưng lại không được phép nhận một cuộc điện thoại. Điều đầu tiên, sẽ rất bất lịch sự nếu anh không trả lời điện thoại,” ông Trump nói.
Tân Tổng thống cũng từng “đe doạ”, sau khi nhậm chức, ông sẽ tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ. “Thay vì nói, ‘Chúng tôi đang phá giá đồng nội tệ’, họ nói ‘ồ, đồng nội tệ của chúng tôi đang rớt giá’. Nó không rớt giá. Họ đã cố tình làm điều đó,” ông Trump cố gắng “đơn giản hoá” nỗi bất bình của mình với Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, ông chia sẻ, mình sẽ không trực tiếp đối đầu ngay với Trung Quốc trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng. Thay vào đó, “trước hết, tôi sẽ nói chuyện với họ,” ông cho biết. “Chắc chắn họ đã thao túng. Nhưng tôi không mong muốn làm điều đó [ngay lập tức đưa ra tuyên bố thao túng tiền tệ].”
Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ nhâm chức vào ngày 20/1 tới đây |
Chỉ còn ít ngày nữa, nước Mỹ sẽ chính thức có vị Tổng thống thứ 45 của mình. Quá trình xây dựng nội các của ông Trump đang đi tới những bước hoàn thiện cuối cùng, với 6 lựa chọn đã được xác nhận, và tỷ lệ thông qua với những đề cử còn lại hầu như là tối đa. Theo vị Đại tướng Thuỷ quân lục chiến về hưu James Mattis, rất nhiều thành viên Đảng Dân chủ bày tỏ sẵn sàng ủng hộ cho sự bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump.
“Ông ấy được bầu trong tư thế một chiến binh, và ông ấy sẽ trở thành một Tổng thống như một chiến binh,” Ed Brookover, một cựu cố vấn trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cảm thán. Trump “sẽ là một Tổng thống rất năng động,” và chắc chắn, sẽ “động chạm đến rất nhiều người trên con đường của mình,” Brookover nói.
(Theo báo nước ngoài)