(Tổ Quốc) - Tín hiệu mới làm “tan băng” Mỹ - Nga có thể bao gồm cả mục tiêu về một trục hợp tác giữa 3 siêu cường.
Hồi cuối tháng Mười hai, nhật báo hàng đầu nước Đức Bild có một bài phân tích về vai trò của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong những nỗ lực tìm kiếm sự bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Washington. Tờ Bild tiết lộ, nguồn tin tình báo châu Âu từ đội ngũ trợ giúp tân Tổng thống mới đắc cử Donald Trump cho thấy, Nhà Trắng sẽ hướng tới một “sự hợp tác mang tính xây dựng” với điện Kremlin.
Sự có mặt của Kissinger là một tin tốt lành cho quan hệ Nga – Mỹ
Ông Kissinger được cho là đã gặp mặt tỷ phú Trump nhiều lần trong những tháng vừa qua; đồng thời, có khả năng trở thành cố vấn đối ngoại không chính thức cho chính quyền mới. Kissinger giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford từ năm 1973-1977. Ông cũng từng giành được Nobel Hòa Bình vào năm 1973 cho những nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn và đưa quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Nhà ngoại giao 93 tuổi còn là một trong những người khởi xướng chính sách đối ngoại giảm căng thẳng với Liên Xô và góp phần không nhỏ vào việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự tham gia của Kissinger vào quá trình hình thành một khái niệm mới cho mối quan hệ Nga – Mỹ là rất có khả năng. Theo Vladimir Batyuk, một chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Mỹ - Canada, thuộc Học viện khoa học Nga, đây là một tin tốt cho Moscow và là một tín hiệu cho thấy, Washington muốn đối thoại.
“Kissinger có thể tham gia vào việc phát triển khái niệm ngoại giao mới của Nga - Mỹ, bởi vì ông ấy đã từng đóng vai trò như một người hòa giải không chính thức giữa Moscow và Washington. Ông Kissinger rất được tôn trọng tại cả Mỹ và Nga,” Batyuk trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti; đồng thời lưu ý rằng, Kissinger đã từng nhiều lần mang theo các “thông điệp mật của Chính phủ Mỹ gửi cho điện Kremlin” trong các chuyến đi tới Nga của mình. “Vì vậy, Trump có thể đã yêu cầu Kissinger giúp mình phát triển một chính sách ngoại giao mới đối với Nga,” Batyuk phân tích.
Cựu Ngoại trưởng Kissinger có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Nga Putin |
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, sự tham gia của ngài cựu Ngoại trưởng vào quá trình bình thường hóa quan hệ Nga – Mỹ là “một tin tức tuyệt vời” cho Moscow bởi vì ông Kissinger nổi tiếng là một người có tầm nhìn chính trị thực tế. “Chủ nghĩa chính trị thực tế kinh điển như vậy có thể giúp vượt qua tình trạng bế tắc giữa Mỹ và Nga,” Batyuk nói. Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trì trệ hiện tại, là bởi vì cách tiếp cận của Washington đối với Moscow đang dựa trên “những lý tưởng và giá trị Mỹ, hơn là vì các lợi ích của đất nước này”. “Khi dính dáng đến hệ tư tưởng, sự thỏa hiệp không bao giờ được chấp nhận,” Batyuk khẳng định.
Thiếu tá quân đội Mỹ, nhà sử học Todd Pierce trả lời phỏng vấn tờ Sputnik cho biết, trong vai trò một cố vấn đối ngoại không chính thức cho tân Tổng thống Trump, cựu Ngoại trưởng Kissinger sẽ cố gắng làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Nga và tìm kiếm hợp tác tích cực giữa hai quốc gia.
“Hãy so sánh Kissinger như một cố vấn không chính thức cùng xu hướng “hợp tác mang tính xây dựng” của ông với ‘cố vấn không chính thức’ của bà Hillary Clinton - Robert Kagan và bà vợ Victoria Nuland – những người từng tìm mọi cách để châm ngòi cuộc chiến với Nga về vấn đề Ukraine,” Pierce nói. Vị cựu thiếu tá chỉ ra, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Kissinger đã luôn cổ vũ cho việc giảm căng thẳng, hướng tới quan hệ nồng ấm… giữa Mỹ và Liên Xô.
Nhà ngoại giao 93 tuổi rất được tôn trọng tại cả Nga và Mỹ |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng Mười hai với kênh CBS, ngài cựu Ngoại trưởng từng gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “người tính toán lạnh lùng cho lợi ích của nước Nga.”
“Ông Kissinger biết rõ đất nước của chúng ta… Điều đó không có nghĩa là ông ấy sẽ đồng ý với Nga về mọi thứ, và không ai hy vọng ông sẽ làm như vậy; nhưng ít nhất, ông Kissinger sở hữu những hiểu biết sâu sắc [về nước Nga]”, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin nhận định.
Vẫn quá sớm để khẳng định Trump lựa chọn hướng đi của Kissinger
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, cựu Ngoại trưởng Mỹ có thể sẽ cung cấp cho tân Tổng thống Trump gợi ý về một trục hợp tác giữa ba siêu cường Mỹ, Nga và Trung Quốc. Robert Waters, trợ lý giáo sư khoa Lịch sử của Đại học Bắc Ohio, Mỹ nhận xét: “Khả năng ông Kissinger giành được lòng tin của tân Tổng thống Trump – đặc biệt là ý tưởng về sự hòa hợp Mỹ - Nga – Trung Quốc sẽ duy trì trật tự quốc tế - đang gây ra lo ngại.” Tuy nhiên, kể từ khi kết thúc vai trò Ngoại trưởng Mỹ từ tháng Một, 1977, ông Kissinger luôn cổ vũ cho việc tăng cường quan hệ thương mại Mỹ - Trung – điều mà tỷ phú Trump vẫn tỏ ra phản đối. “Chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng Mười Hai của ông Kissinger và cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy, tân Tổng thống Trump đang sử dụng chính sách ‘củ cà rốt và cây gậy’ – những gì ông ấy vẫn thường làm trong các vấn đề đối nội và đối ngoại,” Waters phân tích.
Hòa hợp Mỹ - Trung - Nga là điều ông Kissinger "gợi ý" cho tân Tổng thống Trump |
Mặc dù từng “đe dọa” sẽ có thể chấm dứt chính sách Một Trung Quốc đã kéo dài 44 năm, ông Trump vẫn chỉ định Terry Branstad, một chính trị gia theo quan điểm Trung – Mỹ “nồng ấm”, làm Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Waters tin rằng, cựu Ngoại trưởng Kissinger là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho quyết định của tân Tổng thống Trump, chọn CEO Exxon, ông Rex Tillerson lên làm người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ. Tillerson được cho là có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Putin và đã từng tiến hành nhiều vụ làm ăn lớn với Moscow.
Theo Waters, Kissinger là một chính trị gia có niềm tin sắt đá vào nhiệm vụ thiết lập trật tự thế giới và cùng tồn tại hòa bình với các siêu cường khác. “Ý nghĩa đầu tiên mà ảnh hưởng từ Kissinger đem lại, sẽ là mối quan hệ chặt chẽ với với Nga trong cuộc chiến tiêu diệt ISIS – đây có lẽ là mục tiêu đối ngoại số một của Trump, đồng thời cũng là thất bại lớn nhất của chính quyền Obama trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng,” Waters nói.
John Bew, một Giáo sư khoa Nghiên cứu chiến tranh của Đại học King’s College, London chỉ ra, một vài chính sách dự kiến của tân Tổng thống Trump dường như đối lập với những tiền lệ của ông Kissinger. “Có người nói rằng ông Trump sẽ đi theo đường lối đối ngoại của Kissinger, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khó có thể khẳng định điều này,” Bew cho biết. Theo vị giáo sư, chủ nghĩa song phương và sự nhấn mạnh vào hình thành thỏa thuận, có thể là một nhân tố mang tính chất Kissinger; thế nhưng việc đối đầu với Trung Quốc thay vì tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác rõ ràng lại rất khác biệt.
(Theo Sputnik)