(Tổ Quốc) - Trong khi ông Trump "gây bão" mạng xã hội với những lời lẽ đao to búa lớn, thái độ của Bắc Kinh dường như rất “lặng lẽ”.
Hồi cuối tuần trước, tân Tổng thống mới đắc cử gây bão khi viết trên trang Twitter, cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp” thiết bị lặn không người lái của Mỹ trong một “động thái chưa từng có trong tiền lệ”. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đưa ra một phản ứng rõ rệt nào. Kênh thông tấn chính thức Tân Hoa xã của Trung Quốc không có bài bình luận nào vào ngày Chủ Nhật; chỉ có tờ Hoàn Cầu “mỉa mai” rằng cách cư xử của ông Trump “còn xa mới theo kịp người phát ngôn của Nhà Trắng.”
“Cho đến bây giờ, Trung Quốc đang giữ thái độ kiềm chế trước sự khiêu khích của ông Trump bởi ông ấy vẫn chưa chính thức bước chân vào Nhà Trắng,” tờ Hoàn Cầu viết. “Tuy nhiên, sau khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, nếu ông ta vẫn tiếp tục cư xử với Trung Quốc như những gì mình viết trên Twitter, thái độ này sẽ không kéo dài quá lâu.”
Trước tất cả những lời lẽ “đao to búa lớn” trên mạng xã hội của ông Trump, cũng như những phản ứng từ truyền thông Trung Quốc, có vẻ như chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng để không làm bùng lên bất kỳ ngọn lửa nào – ít nhất cho đến lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ vào tháng sau. Kể từ khi ông Trump bày tỏ ý định xem xét lại mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan – hòn đảo vẫn luôn được Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời – Bắc Kinh vẫn đang thể hiện “một sự kiềm chế mang tính chiến lược”.
Ông Trump từng bộc lộ ý định xem xét lại chính sách ngoại giao của Mỹ với Đài Loan |
Theo Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, kiêm cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ “đấu tranh lại một cách mạnh mẽ” nếu Tổng thống Trump thật sự thách thức các lợi ích cơ bản của Trung Quốc, như Đài Loan, Tây Tạng và các tranh chấp lãnh hải. Các phương thức trả đũa Bắc Kinh có thể áp dụng bao gồm triệu hồi đại sứ, tạm dừng hợp tác quốc tế, khai ngòi chiến tranh thương mại; thậm chí cắt đứt quan hệ ngoại giao…
“Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành phương thức tiếp cận cẩn trọng ‘chờ đợi và quan sát’”, ông Shi nói. “Chính quyền Bắc Kinh vẫn đang quan sát cẩn thận ý định của ông Trump, cũng như đang trong quá trình có được một cái nhìn toàn diện về những chính sách mà ông ấy có thể thực thi. Cách tiếp cận này có lẽ sẽ vẫn được tiếp tục trong một vài tháng đầu trong nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ.”
Những căng thẳng trong mối quan hệ Trung – Mỹ sẽ đe dọa nghiêm trọng đến thương mại song phương của hai quốc gia – từng đạt mức 627 tỷ USD vào năm 2015, nhiều hơn cả tổng giá trị thương mại của Mỹ với Nhật Bản, Anh và Đức cộng lại. Nếu trước đây, một số nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh từng kỳ vọng ông Trump sẽ có một cách tiếp cận thực tế hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc, hiện tại, điều này ngày càng trở nên mơ hồ.
Ông Trump trên bìa một tờ báo của Trung Quốc |
Trong một bài báo phát hành cuối tuần trước sau khi ông Trump bày tỏ sự băn khoăn về chính sách Một Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu viết: “Chúng ta không nên có bất kỳ ảo mộng nào và phải sẵn sàng để đấu tay đôi với Trump.” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, mặc dù không trực tiếp nhắc đến tên ông Trump, nhưng cũng từng tuyên bố rằng, bất kỳ ai muốn phá hủy các lợi ích cơ bản của Trung Quốc đều đang tự lấy đá đập vào chân mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhấn mạnh trong một bài phát biểu gần đây rằng, Mỹ cần phải có một kế hoạch toàn diện nếu ông Trump muốn lật ngược lại hàng thập kỷ chính sách ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan. Phản ứng của Trung Quốc, theo ông Obama, “có thể sẽ rất nghiêm trọng.” “Điều này không đồng nghĩa với việc anh phải tuân theo tất cả những gì đã được thực hiện trong quá khứ,” ông Obama nói hôm Thứ Sáu (16/12). “Nó có nghĩa là anh phải cân nhắc kỹ càng, và phải lên kế hoạch cho những phản ứng mà họ có thể đưa ra.”
Thái độ của tân Tổng thống Trump trong vụ Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn không người lái của Mỹ vào tuần trước khiến lời khuyên của ông Obama bị lu mờ. Ngài tỷ phú xóa bỏ bài đăng đầu tiên trên Twitter, sau khi phát hiện ra mình viết sai chính tả (“unpresidented” thay vì “unprecedented”). Sau đó, khi căng thẳng giữa hai bên bắt đầu leo thang, ông Trump tiếp tục cho đăng: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng, chúng ta không cần lấy lại thiết bị lặn đã bị đánh cắp – hãy để họ giữ nó.”
Ông Trump viết trên Twitter, buộc tội Trung Quốc ăn cắp thiết bị lặn của Mỹ |
Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao của Viện chính sách chiến lược Australia tại Canberra cho rằng, những phản ứng như vậy có thể khiến Mỹ mất đi khả năng phán đoán việc Trung Quốc muốn có được những thông tin gì khi thu giữ thiết bị lặn không người lái kia. “Điều này chỉ cho thấy ông Trump không suy nghĩ về chính sách của mình trước khi chia sẻ trên mạng xã hội,” David nói. “Nguy cơ ở đây là khả năng ông ấy sẽ tiếp tục đối đầu Trung Quốc cho đến tận điểm cùng, khi mọi thứ trở nên mất ổn định.”
Vụ tàu lặn cho thấy căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể leo thang nhanh đến thế nào, đặc biệt khi Trung Quốc muốn thách thức uy quyền của hải quân Mỹ tại châu Á. “Dưới thời Trump, xung đột Trung – Mỹ tại Biển Đông gần như chắc chắn sẽ gia tăng, thậm chí là sâu sắc hơn, khi những vụ việc như tàu Bowditch sẽ xảy ra thường xuyên hơn,” Li Jie, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc tại Bắc Kinh nhận định.
(Theo Bloomberg)