• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dấu hiệu gì từ số lượng đám cưới ít ỏi tại Trung Quốc?

Thế giới 08/12/2021 11:31

(Tổ Quốc) - Mất cân bằng giới tính và chi phí kết hôn cao là nguyên nhân khiến số cặp đôi kết hôn ngày càng ít.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm chi phí kết hôn và tăng tỷ lệ sinh cho đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả. Vấn đề này là một đòn giáng vào các chiến lược nhằm chống lại một xã hội già hóa nhanh chóng.

Quốc gia đông dân nhất thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, điều khiến các nhà chức trách phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế do dân số ngày càng giảm. Dữ liệu điều tra dân số của Trung Quốc được công bố năm nay cho thấy dân số đã tăng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ.

Tìm cách hạ chi phí kết hôn

Vào tháng 4 năm nay, Bộ Nội vụ (MCA) đã phát động một chiến dịch nhằm giảm chi phí kết hôn, khiến tổng chi phí trở nên hợp lý hơn ở 29 thành phố nước này. Trước đó, phí cho kết hôn đã tăng vượt quá khả năng của các gia đình có thu nhập kinh tế ở mức trung bình.

Yang Zongtao, một quan chức cấp cao của MCA cho biết: "Sự sụt giảm tỷ lệ kết hôn sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh và lần lượt là sự phát triển kinh tế và xã hội. Chúng tôi đang hy vọng. . . tạo điều kiện tích cực để nhiều người trong độ tuổi phù hợp tiến tới hôn nhân".

Dấu hiệu gì từ số lượng đám cưới ít ỏi tại Trung Quốc? - Ảnh 1.

Chi phí cho kết hôn tại Trung Quốc đã tăng đáng kể và trở thành gánh nặng cho giới trẻ. Ảnh: AFP/Getty.

Trong 3 quý đầu của năm 2021, số lượng đơn đăng ký kết hôn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm, chỉ ghi nhận 5,9 triệu đơn. Số lượng đơn đăng ký kết hôn đã giảm trong tám năm liên tiếp.

Một nghiên cứu của Đại học Giao thông Tây Nam có trụ sở tại Thành Đô, lấy dữ liệu tại năm tỉnh thành, cho thấy giá trị trung bình của quà tặng đính hôn, bao gồm của hồi môn của cô dâu và nhiều đồ dùng, từ tiền mặt đến nhà ở, đối với các cặp vợ chồng nông thôn đã tăng từ 50-100%, lên ít nhất 300.000 Rmb (tương đương 47 nghìn USD) trong bảy năm qua, gấp sáu lần thu nhập hàng năm của hộ gia đình.

Wang Xiangyang, một tác giả tham gia nghiên cứu Đại học Giao thông Tây Nam, cho biết: "Vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn".

Ningling, một huyện trung tâm thành phố Shangqiu, tỉnh Henan và là một trong những khu vực được Bộ Nội vụ xác định là "khu vực thử nghiệm" cho chính sách mới, đã công bố mức giá đề xuất là khoảng 30.000 Rmb cho quà tặng đính hôn, thấp hơn so với mức 100.000 Rmb thông thường mà các cô gái trẻ và cha mẹ của họ thường yêu cầu.

Huyện này cũng cho thành lập hàng trăm hội đồng về việc kết hôn, có sự tham gia của các quan chức, chức sắc và người mai mối địa phương để thuyết phục các cặp đôi kết hôn, nối dõi tông đường.

Một quan chức tại Ningling cho biết: "Chúng tôi thường xuyên nói với các phụ nữ trẻ và cha mẹ của họ rằng hạnh phúc không liên quan gì đến việc họ nhận được bao nhiêu món quà đính hôn".

Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng

Một thách thức lớn nữa là tình trạng mất cân bằng giới tính của quốc gia này. Hiện tỷ lệ nam giới cao hơn nữ - một hệ lụy sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con của Trung Quốc.

Một cố vấn của chính phủ tại Bắc Kinh cho biết: "Không gian cho chính sách mới bị hạn chế khi số lượng nam giới trẻ nhiều hơn phụ nữ. Không thể tránh khỏi rằng nhiều người đàn ông sẽ vẫn độc thân trong suốt cuộc đời của họ".

Vị cố vấn này nói rằng tình trạng mất cân bằng giới tính của Trung Quốc hầu như không được cải thiện. Từ cuộc điều tra dân số năm 2010, đã có 2,2 triệu nam giới độc thân trong độ tuổi 25-34 so với 1,2 triệu phụ nữ độc thân ở cùng nhóm tuổi.

"Chúng ta sẽ không thấy sự phục hồi trong hôn nhân khi sự mất cân bằng giới tính quá lớn," quan chức này nói thêm.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do sự quan tâm đến hôn nhân của phụ nữ Trung Quốc ngày càng giảm. Nhiều người đang chọn kết hôn muộn hơn hoặc sống độc thân để tập trung vào sự nghiệp.

Một cuộc khảo sát của cục thống kê địa phương vào tháng 5 năm nay đối với thanh niên trẻ ở Lishui, một quận nông thôn ở miền đông Trung Quốc, cho thấy 60% phụ nữ được hỏi coi hôn nhân là cần thiết so với 82% ở nam giới. Con số này đã cho thấy tỷ lệ giảm so với nhiều cuộc khảo sát quy mô khu vực và toàn quốc được thực hiện vào khoảng năm 2010 tại nước này. Cuộc khảo sát này cho thấy hơn 80% phụ nữ được hỏi coi hôn nhân là một điều cần thiết và tỷ lệ này ở nam giới là hơn 85%.

Olivia Wang, một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Lishui, cho biết: "Tôi lắng nghe bản thân chứ không phải chính phủ về thời điểm và kết hôn với ai.

Một số nam giới ở Ningling cũng không tin rằng sự thay đổi chính sách sẽ thay đổi hành vi.

"Không có người phụ nữ nào sẽ kết hôn với tôi nếu tôi trang trải chi phí theo lời tuyên truyền chính thức", một người đàn ông 28 tuổi họ Wang cho biết, người đã trả cho vợ của mình 99.999 Rmb bằng tiền mặt và 50.000 Rmb trang sức bằng vàng trước đám cưới vào tháng 8 năm nay.

"Tôi hạnh phúc khi có một người vợ, nhưng không vì thế mà bố mẹ tôi phải tiêu hết tiền tiết kiệm để giúp tôi đạt được mục tiêu đó."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ