• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đẩy mạnh bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số qua ngôn ngữ

Văn hoá 06/12/2022 14:31

(Tổ Quốc) - Nước ta là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Ngoài tiếng Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chung thì với 53 dân tộc thiểu số cũng đều có ngôn ngữ của riêng dân tộc mình. Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau mà có những ngôn ngữ được gìn giữ, bảo tồn, có những ngôn ngữ đã mai một và cũng có những ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất.

Nguy cơ mất sự đa dạng ngôn ngữ

Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội năm 2021, ở Việt Nam số người nói các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) không nhiều (đặc biệt ít so với tiếng Việt). Các DTTS có số dân trên dưới một triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Mông, Nùng, Hoa) rất ít; chủ yếu là dưới 1 triệu người; các dân tộc dưới 10 ngàn người, thậm chí dưới 1 ngàn hay vài trăm người không ít (La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu). Điều này có liên quan đến tình trạng cố kết hay phân li của mỗi dân tộc, đến cách tổ chức xã hội và cả địa vị của mỗi dân tộc trong quan hệ với các dân tộc khác. Ở Việt Nam, còn có thể gặp trạng thái một dân tộc gồm các nhóm nói các ngôn ngữ khác nhau.

Đẩy mạnh bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số qua ngôn ngữ - Ảnh 1.

Một giờ học tiếng dân tộc ở Trà Vinh (ảnh nhandan.vn)

Các DTTS ở Việt Nam thường cư trú phân tán xen kẽ với các dân tộc khác, nghĩa là số lượng người nói một ngôn ngữ trong một đơn vị hành chính không cao. Họ thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, không có hoặc xa các trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là điều kiện bất lợi đối với khả năng sinh tồn của ngôn ngữ các dân tộc.

Hiện nay, nhiều dân tộc không còn tiếng mẹ đẻ. Đồng bào dân tộc Bố Y ở Lào Cai hầu như không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa (tiếng Hán phương Nam). Còn người Bố Y ở Hà Giang chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày.

Người Phù Lá gồm 2 ngành Pu Là và Xa Phó. Người Xa Phó còn giữ được tiếng mẹ đẻ nhưng toàn bộ gần 5.000 người Pu Là không nói được tiếng mẹ đẻ và cũng chuyển sang sử dụng tiếng Quan hỏa.

Tương tự như vậy, người Cờ Lao đỏ ở Hà Giang  không còn nói được tiếng mẹ đẻ.

Ở vùng Tây Bắc, các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch. Ngôn ngữ mẹ đẻ của dân tộc La Ha chỉ còn một số từ vựng cơ bản trong các bài cúng cổ. Ngay các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun cũng có tới 70-80% là tiếng Thái.

Dân tộc Ơ Đu, dân số hiện chỉ còn khoảng 300 người, cư trú đông nhất ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Hiện nay, dân tộc này, từ nhà cửa, trang phục, cưới hỏi, ma chay… đều pha trộn, vay mượn của người Thái và người Khơ Mú trong vùng. Ngay cả tiếng nói, họ cũng dùng tiếng Khơ Mú, tiếng Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày.

Xét về mặt thế hệ người nói, số người nói được các ngôn ngữ DTTS hiện nay chủ yếu thuộc lứa tuổi già và trung niên, số thanh niên ít hơn, và số trẻ em ít hơn nữa, thậm chí nhiều trẻ em không biết (chuyển sang nói ngôn ngữ khác) hoặc nói ngôn ngữ khác nhiều hơn, thạo hơn so với tiếng mẹ đẻ của mình… Ngôn ngữ các DTTS có xu hướng sử dụng giảm dần ở các thế hệ. Về mặt dân số học có thể thấy điều kiện sinh tồn và phát triển của các ngôn ngữ ở Việt Nam không như nhau, nhưng nhìn chung là bất lợi cho các ngôn ngữ các DTTS.

Đẩy mạnh bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số qua ngôn ngữ - Ảnh 2.

Đồng bào dân tộc Pà Thẻn có nền văn hóa giàu bản sắc và có một hệ thống chữ viết độc đáo (Ảnh TL)

Bảo tồn ngôn ngữ DTTS

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết DTTS, đã có 27/53 DTTS có bộ chữ viết riêng của dân tộc mình, chẳng hạn như: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, H'mông, Gia-rai, Ê- đê, Ba-na, Xơ-đăng, Chăm, Cơ-ho, Mnông...

Một số ngôn ngữ được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương như Khmer, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Chăm, H'mông, Thái, Xơ-đăng, Tày, Hà Nhì, Cơ tu...

Một số ngôn ngữ DTTS đã được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới; để biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa... Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách dạy, học ngôn ngữ DTTS cũng đã được triển khai ở các trường phổ thông và bổ túc văn hóa vùng đồng bào DTTS trong cả nước. Hiện nay, cả nước đã có 30 tỉnh triển khai với 700 trường học tiếng DTTS; phát hành 8 chương trình tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, H'mông, M'nông, Thái) và 6 bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, H'mông); 23 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học tiếng dân tộc trong trường phổ thông... trong đó, nổi bật là việc dạy tiếng Khmer (có khoảng 1,3 triệu người Khmer, chiếm 7% dân số).

Việc truyền bá thông tin bằng tiếng dân tộc, đưa tiếng dân tộc vào chương trình giáo dục vừa giúp cho các DTTS duy trì các giá trị văn hóa của dân tộc mình, vừa bảo đảm sự bình đẳng trong việc hưởng thụ các giá trị văn hóa và giáo dục.

Một số địa phương trong cả nước đã triển khai dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt, phải kể đến tỉnh Bình Thuận, tất cả các trường tiểu học đều dành ra 4 tiết mỗi tuần để dạy tiếng Chăm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Đến nay, mỗi năm học, tỉnh Bình Thuận có khoảng từ 3-4 nghìn học sinh tham gia học tiếng Chăm, chiếm tỷ lệ 90% học sinh dân tộc Chăm toàn tỉnh... Tỉnh Sóc Trăng, tỉ lệ người dân tộc Khmer chiếm khoảng 31% dân số, thời gian qua đã có 159 trường tổ chức dạy tiếng Khmer, tỉ lệ học sinh dân tộc học chữ Khmer chiếm 30,93%; có trên 80% giáo viên dạy tiếng Khmer đạt chuẩn quy định. Ngoài ra, hằng năm tỉnh  Sóc Trăng còn tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên dạy tiếng Khmer theo chương trình 165 tiết và cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Đẩy mạnh bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số qua ngôn ngữ - Ảnh 3.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng DTTS

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách theo tiếng dân tộc. chữ nôm của người Dao, chữ nôm của người Tày, chữ viết cổ của người Thái, nói lý, hát lý của người Cơ Tu… đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế để thực hiện nhiều chương trình, dự án về giữ gìn, bảo tồn ngôn ngữ của các DTTS, trong đó phải kể đến UNESCO hỗ trợ Dự án "Bảo tồn ngôn ngữ truyền khẩu và các cách diễn đạt truyền thống của dân tộc Dao" các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… bằng hình thức sưu tầm, truyền dạy tại cộng đồng, số hóa tư liệu và xuất bản cuốn "Sách cổ người Dao"… Phối hợp với Đài Truyền hình, Đài Truyền thanh địa phương phát sóng các chương trình truyền hình, bản tin tiếng dân tộc, tổ chức các lớp truyền dạy, lớp học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc…

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 về việc Phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030" đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp: Phát triển chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng DTTS; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng DTTS; Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng DTTS; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng DTTS; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng DTTS.

Hy vọng với sự đồng bộ của các chính sách, chủ trương của Đảng, các địa phương sẽ tích cực vào cuộc, đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ DTTS nhằm bảo tồn sự đa dạng của văn hóa Việt Nam./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ