(Tổ Quốc) - Sáng nay (25/5), các Đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
- 23.05.2020 Quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương ra sao trong Luật Cư trú sửa đổi?
- 22.05.2020 Dự án Luật Đất đai sửa đổi: Chờ đến năm 2021 thì quá lâu
- 22.05.2020 Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Thời điểm nào ngân sách cho phép thì sẽ tiếp tục đề nghị tăng lương cơ sở
- 22.05.2020 7 nguy cơ khiến đại biểu Lê Thanh Vân phải đề nghị Quốc hội ban hành Luật An ninh về kinh tế
Cân nhắc nên hay không thu phí hòa giải tại tòa
Đầu giờ sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Việc xây dựng Luật nhằm tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay.
Thảo luận về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, một số ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự vì quy định như vậy thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội; đồng thời, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với 3 trường hợp: (1) Pháp nhân, cá nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch; (2) Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; (3) Chi phí liên quan đến phiên dịch tiếng nước ngoài.
Nói về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc không thu phí hòa giải đối thoại mà nên xem xét những trường hợp vụ việc dân sự có giá trị hàng hóa hoặc tiền từ 100 triệu đồng trở lên thì nên có thu một khoản phí để bù đắp chi phí cho công tác hòa giải đối thoại.
“Có những vụ không chỉ hòa giải một lần mà hòa giải nhiều lần, chi phí cho hòa giải viên, chi phí cho mỗi lần hòa giải tại tòa mà ngân sách Nhà nước bỏ ra tương đối lớn. Mặt khác, thu phí để cho mọi đối tượng cân nhắc việc có nên gửi đơn hoặc không gửi đơn hòa giải, đối thoại” - đại biểu Hòa cho biết.
Luật sư phải có 10 năm công tác mới được bổ nhiệm Hòa giải viên là điều kiện không phù hợp
Cũng trong phiên họp buổi sáng nay, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên. Theo đó, ý kiến cho rằng, điều kiện có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác thì mới được xem xét, bổ nhiệm làm Hòa giải viên đối với nhóm đối tượng Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn là không phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên, dự thảo Luật quy định cần quy định rõ ràng, tách bạch điều kiện Hòa giải viên. Đối với nhóm đối tượng là Luật sư, chuyên gia…quy định phải có 10 năm kinh nghiệm là không hợp lý vì đây là những người có chuyên môn về pháp luật, tham gia giải quyết nhiều vụ án lớn, phức tạp. Đề nghị thời gian phù hợp là 5 năm.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, nên cân nhắc điều kiện Hòa giải viên đối với đối tượng là Luật sư là phải có ít nhất 10 năm công tác. Cần rút ngắn thời gian vì họ là những người được đào tạo bài bản, cọ xát trong quá trình tham gia tố tụng.
Về tiêu chuẩn Hòa giải viên, ngoài các chức danh được ghi trong luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị các chức danh như luật sư, chuyên gia thì chỉ cần có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác.
“Nếu quy định chuẩn như dự thảo thì chỉ có những chức danh quy định trong luật mới làm Hòa giải viên được, các chức danh khác rất khó được công nhận hòa giải viên” - đại biểu Hòa cho biết.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên đối với chức danh Luật sư là 10 năm không phù hợp. Bởi Luật sư họ đã được đào tạo bài bản, am hiểu pháp luật, có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn pháp luật và hòa giải.
“Qua khảo sát thực tế, số người đủ điều kiện là không nhiều, nếu quy định như trên thì tính khả thi không cao. Đề nghị ban soạn thảo nên giảm xuống 7 năm là phù hợp. Vì, quy định giảm xuống 7 năm sẽ góp phần mở rộng, huy động nguồn lực trong xã hội tham gia công tác hòa giải. Đóng góp quan trọng vào sự thành công của công tác hòa giải, đối thoại” - đại biểu Hằng nói.