• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để bảo vệ di sản sống phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm

Văn hoá 01/12/2023 20:46

(Tổ Quốc) - Hội thảo chuyên đề "Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm" đã diễn ra ngày 1/12 tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Sự kiện do Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Anh phối hợp tổ chức nhằm chia sẻ về bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể bền vững và vai trò của cộng đồng - người nắm giữ và thực hành di sản.

Kho tàng di sản phong phú

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Di sản văn hóa phi vật thể hay "di sản sống" có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục; thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người; kết nối cộng đồng. Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tới nay, sau 20 năm tham gia Công ước, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam.

Để bảo vệ di sản sống phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Việt Nam vinh dự 2 lần trúng cử là thành viên Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2003 và có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết sau khi được ghi danh- bà Lê Thị Thu Hiền cho biết.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định vai trò trong đời sống văn hóa-xã hội, góp phần phát triển kinh tế, du lịch và phát triển bền vững. Được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đa dạng văn hóa và tính sáng tạo. Vì vậy, để bảo vệ di sản sống, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản, đó là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai…

Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho rằng, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như các sản phẩm thủ công truyền thống, nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật tri thức bản địa. Thông qua hội thảo, các đại biểu cùng nhìn nhận chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình chuyển biến này.

Để bảo vệ di sản sống phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội thảo

Vai trò quan trọng của cộng đồng

Bà Donna McGowan cho rằng, người dân ở nhiều địa phương Việt Nam vẫn có suy nghĩ việc bảo tồn di sản văn hóa là điều gì đó "xa vời," chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ.

Từ năm 2021 đến 2023, Hội đồng Anh đã tài trợ cho các dự án cộng đồng, hỗ trợ người dân tộc thiểu số ở hai địa phương Ninh Thuận và Gia Lai để họ có thể chủ động tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa, cụ thể là nghề làm gốm, dệt vải, tạc tượng gỗ truyền thống...

Bà Nikki Locke, Trưởng Ban Dự án “Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều” của Hội đồng Anh toàn cầu chỉ ra rằng cần có thêm các sáng kiến để khuyến khích và thúc đẩy tinh thần tự nguyện hành động vì di sản văn hóa trong các cộng đồng.

Để bảo vệ di sản sống phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm - Ảnh 3.

Bà Dona McGowan, giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Việc thực hiện dự án nên ưu tiên tiếp cận nhóm người cao tuổi, trí thức trong các tộc người bởi họ là những người có sức ảnh hưởng lớn. Một giải pháp khác là đẩy mạnh truyền thông về vai trò quan trọng và năng lực của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa vốn thuộc về chính họ.

“Chúng tôi cho rằng nên tạo điều kiện cho người dân duy trì các hoạt động của họ ngay cả khi dự án đã kết thúc, nghĩa là gia tăng kinh phí để hỗ trợ các dự án trong quãng thời gian dài hơn so với các dự án đã tài trợ trong các năm qua,” bà Nikki Locke chia sẻ.

Cụ thể, đại diện Hội đồng Anh toàn cầu đề xuất giải pháp thiết lập các bảo tàng mini tại cộng đồng tại đó trưng bày các trang phục truyền thống, công cụ lao động, vật thể dùng cho nghi lễ, các nhạc cụ, các sản phẩm gia đình tự làm.

Cùng với hội thảo, Ban Tổ chức giới thiệu một số sự kiện bên lề nhằm mở ra những thảo luận về những đóng góp của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững ở Việt Nam. Đó là chương trình giới thiệu Kết nối Di sản từ ngày 1-7/12 tại tại nhà Hữu Vu, Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trong đó có giới thiệu âm nhạc truyền thống của người Ba Na và người Chăm...

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ