(Tổ Quốc) - Theo một số nhà bình luận nghệ thuật, so với các nước châu Á khác, Việt Nam là quốc gia sớm nhất gia nhập vào dòng chảy của mỹ thuật hiện đại cả về hình thức lẫn nội dung. Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời đầu những năm 1930 với sự hiện diện của các giáo sư người Pháp. Làm sao để các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam hiện đại cũng được các nhà sưu tầm trên thế giới săn đón như giai đoạn trước đây? Ngành mỹ thuật Việt Nam cần có chiến lược quảng bá để nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại tiếp tục vươn ra thế giới, góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia.
- 06.05.2022 Xây dựng thương hiệu văn hóa từ Điện ảnh: Hãy thay đổi nhận thức, thực sự quan tâm đến Điện ảnh
- 19.04.2022 Muốn có thương hiệu văn hóa trước hết phải là tài năng, là sự nỗ lực vươn đến đỉnh cao của chất lượng nghệ thuật
- 01.04.2022 Phát triển công nghiệp văn hóa- xây dựng thương hiệu văn hóa Việt Nam
- 10.03.2022 Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam- thương hiệu văn hóa Việt Nam
Mỹ thuật Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế
Trong những năm 1930, 1940 và 1950, thế hệ đầu tiên của Việt Nam tham gia vào thị trường nghệ thuật quốc tế là những họa sĩ hiện đại và được đánh giá cao tại Việt Nam cũng như nước ngoài. Từ đó, họ có danh tiếng và được vinh danh như những bậc thầy của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Trong số đó có Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên…
Bức tranh "Chơi đàn nguyệt" của tác giả Mai Trung Thứ và bức bình phong "Hoàng hôn trên vịnh Hạ Long" của tác giả Phạm Hậu nằm trong danh sách những tác phẩm được đấu giá triệu đô tại thị trường quốc tế
Kể từ năm 1986, khi đất nước bước vào giai đoạn mở cửa, mỹ thuật Việt Nam đã có những biến đổi lớn. Một thế hệ họa sĩ trẻ đã trưởng thành và mang đến cho đời sống mỹ thuật cách nhìn, cách cảm, cách biểu đạt mới; không chỉ khẳng định được tài năng trong nước mà còn hướng đến thị trường thế giới. Tác phẩm mỹ thuật là sản phẩm hàng hóa đặc thù và việc tranh đắt giá hay không cũng chính là một thước đo giá trị của tác phẩm. Hoạt động giao dịch, mua bán tác phẩm nghệ thuật là tất yếu, cần thiết để xây dựng và phát triển một thị trường mỹ thuật bền vững, giúp người nghệ sĩ sống được bằng nghề và có điều kiện đầu tư tác phẩm.
Trước năm 1990, một tác phẩm tranh vẽ được bán với giá trên 1.000 USD là điều hiếm thấy. Nhưng kể từ đầu năm 1992, giá của các bức tranh Việt Nam đã tăng lên đáng kể do chất lượng riêng biệt của các tác phẩm. Giá 3.000 USD cho một bức tranh là khá phổ biến. Năm 1993, bức tranh sơn mài trừu tượng của Hồ Hữu Thủ đã được bán ở mức giá 15.000 USD cho một nhà sưu tầm người Nhật Bản. Vào cuối năm 1995, tại phòng trưng bày Lã Vọng ở Hong Kong, bức sơn dầu thực tế "The kettle and the Tea-cup" của Đỗ Quang Em đã được bán với giá 50.000 USD.
Nhiều tác giả của mỹ thuật Việt Nam có những tác phẩm cán mốc triệu đô trên sàn đấu giá quốc tế như danh họa Trần Văn Cẩn; danh họa Tô Ngọc Vân với tác phẩm Vỡ mộng (lụa, 92,5 x 57 cm, 1932) được bán với giá 1,1 triệu USD. Tác phẩm Khỏa thân (sơn dầu, 90,5 x 180,5 cm, 1931) của họa sĩ Lê Phổ (1907 - 2001) hiện là bức tranh có mức giá cao nhất trong lịch sử tranh Việt tại sàn đấu giá công khai khi có người mua với giá 1,4 triệu USD (hơn 32 tỉ đồng), ngoài ra là tác giả Mai Trung Thứ với bức "Chơi đàn nguyệt" (1943) được đấu giá thành công với hơn 1 triệu USD; bức bình phong "Hoàng hôn trên vịnh Hạ Long" (1938-1945) của tác giả Phạm Hậu với giá hơn 1,2 triệu USD...
Cũng từ năm 1990, khi nhiều nghệ sĩ Việt Nam được các nhà sưu tầm, phòng trưng bày và Hiệp hội Văn hóa Thế giới ngỏ lời muốn trưng bày các tác phẩm của họ tại các triển lãm quốc tế ở Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Australia, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan, kỹ năng nghệ thuật của họ được đánh giá cao bởi cộng đồng nghệ thuật quốc tế. Từ đó về sau thị trường xuất hiện với số lượng những người sưu tầm quốc tế đến Việt Nam mua tranh tại chỗ và mời các nghệ sĩ cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ tham gia triển lãm ở nước ngoài ngày càng tăng.
Những việc này cho phép mỹ thuật Việt Nam nhanh chóng tái gia nhập với mỹ thuật thế giới sau nhiều năm gián đoạn. Tuy nhiên, cơ hội cho đại đa số các họa sĩ tham gia trao đổi với thế giới vẫn còn hạn chế.
Vài năm qua, các họa sĩ Việt ra nước ngoài tổ chức triển lãm, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, đưa tác phẩm của mình đến với công chúng quốc tế và bán được tác phẩm hay tác phẩm của họ có nhiều nhà sưu tầm nước ngoài mua nhưng đó đều là những nỗ lực của cá nhân chứ chưa có chiến lược mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, nạn tranh giả cũng khiến cho thị trường mỹ thuật Việt Nam chưa chạm mốc chuyên nghiệp và "bước chân" ra thế giới một cách bền vững.
Đưa mỹ thuật Việt Nam ra thế giới
Theo các nhà chuyên môn ngành mỹ thuật, chính tâm lý rụt rè đã không tạo được cơn sóng lớn cho mỹ thuật Việt Nam ra biển cả. Cần thay đổi cách nhìn khi mỹ thuật Việt Nam đang phát triển sâu rộng, hòa cùng dòng chảy của mỹ thuật thế giới.
Theo họa sĩ Thành Chương, thị trường mỹ thuật của nước ta dù đã manh nha hình thành từ cuối thế kỷ XX những vẫn còn "lộn xộn lắm, được chăng hay chớ, chưa hề có những quy chuẩn rõ ràng, chưa thành nền thành nếp, chưa có sự bài bản chuyên nghiệp". Bản thân ông, dù đã được biết tới là một họa sĩ thị trường từ rất sớm, thậm chí là họa sĩ thị trường đầu tiên sau thời Đổi mới, nhưng ông cũng thừa nhận, tranh ông bán chủ yếu ở nước ngoài, cho người nước ngoài. Cũng có một số tranh bán qua gallery, nhà sưu tập trong nước nhưng còn "phập phù lắm".
Họa sĩ Thành Chương bày tỏ: "Bấy lâu nay, ở nước mình quan niệm sản phẩm mỹ thuật là tác phẩm nghệ thuật, quy định đó không phải là hàng hóa. Vì thế, khi xảy ra chuyện tranh giả, tranh nhái đã không có chế tài đủ mạnh để áp vào đó cả. Nếu quy định là hàng hóa, thì khi bắt được tranh giả có thể tiến hành thiêu hủy ngay, như là thuốc giả, băng đĩa giả… Nhưng vì không quy định là hàng hóa, nên không tiêu hủy được, không xử lý tận gốc được. Và cứ thế, từ năm này tới năm khác, thứ thế kỷ này sang thế kỷ khác vẫn chưa dẹp được nạn tranh giả".
Một việc phải làm, theo các nhà chuyên môn, là bằng con đường ngoại giao và giao lưu văn hóa, Việt Nam cần chủ động thành lập các văn phòng giao dịch mỹ thuật Việt tại các quốc gia có mức tiêu thụ cao, để tranh Việt tiếp cận thị trường phân phối một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Trên thế giới, việc mua bán tranh ở hội chợ là một hoạt động rất chuyên nghiệp, có nguyên tắc và luật chơi; là cơ hội cho cả nhà môi giới, đầu tư kinh doanh cũng như họa sĩ kết nối với nhau. Vai trò của các Art fair - hội chợ nghệ thuật - rất quan trọng. Muốn có thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế cần phải tạo được mạng lưới kết nối họa sĩ và người sưu tầm.
PGS.TS. Bùi Thị Thanh Mai- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, để phát triển mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, ưu tiên tài trợ cho các dự án nghệ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ về mỹ thuật xuất sắc; gắn kết hoạt động đào tạo của các trường mỹ thuật với ngành công nghiệp sáng tạo. Sớm hoàn thiện hệ thống chính sách về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, có cơ chế pháp lý để bảo đảm việc thực thi, nhằm thu hút nguồn lực tư nhân để phát triển mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh đó, để giải quyết những vướng mắc, hạn chế của thị trường mỹ thuật trong giai đoạn 1986 đến 2021, cần có chính sách phù hợp trong đó chú ý đến việc đầu tư, thúc đẩy những nghiên cứu mang tính chiến lược về thị trường mỹ thuật, thay đổi nhận thức của cộng đồng về hoạt động mỹ thuật và có chế tài xử lý nạn tranh giả, tiến tới từng bước xây dựng thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp, mà ở đó nghệ sĩ, người mua tác phẩm nghệ thuật, giám tuyển, chủ gallery, người môi giới nghệ thuật... tương tác với nhau và được bảo vệ bằng luật pháp.
Khi xây dựng chính sách đầu tư, phát triển mỹ thuật cần chú ý đến những khó khăn phát sinh hiện nay trong việc phát triển các chương trình dài hạn, bảo tồn khả năng thích ứng linh hoạt các nguồn lực với các yêu cầu của bối cảnh văn hóa phát triển nhanh chóng.
"Các giải pháp về cơ chế, chính sách đối với mỹ thuật, giải pháp về nguồn nhân lực sáng tác, giải pháp về thị trường mỹ thuật và giải pháp quảng bá, kết nối mỹ thuật Việt Nam và quốc tế cần được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả để mỹ thuật Việt Nam có những bước tiến mới về quy mô và chất lượng, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế"- PGS.TS. Bùi Thị Thanh Mai nhận định./.