(Tổ Quốc) - Pháp ngày 15/11 cho biết họ muốn một cuộc đối thoại "kiên quyết" về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Pháp ngày 15/11 cho biết họ muốn một cuộc đối thoại "kiên quyết" với Iran về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này và khả năng về một tiến trình đàm phán về vấn đề này – tách biệt với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran với các cường quốc.
Paris đã đề xuất rằng các biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Iran có thể được thảo luận nhằm vào các vụ thử nghiệm tên lửa, điều nhà chính sách đối ngoại cấp cao của khối Federica Mogherini dường như đã bác bỏ vào ngày 14/11.
"Pháp quan ngại về tiến trình liên tục của chương trình tên lửa Iran - điều không phù hợp với Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ và đó là một vấn đề gây bất ổn và mất an ninh cho khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Agnes Romatet-Espagne cho biết trong một cuộc họp báo.
Chương trình tên lửa đạn đạo của Iran khiến Mỹ lo ngại. (Nguồn: AP) |
Nghị quyết 2231 quy định về thỏa thuận hạt nhân, kêu gọi Iran không thực hiện các hoạt động liên quan đến tên lửa có khả năng mang theo bom hạt nhân.
"Pháp muốn xem xét tất cả các lựa chọn ngoại giao: một cuộc đối thoại chính trị thẳng thắn và kiên quyết với Iran; các cuộc điều tra của LHQ; nếu cần thiết, các biện pháp trừng phạt mới của châu Âu đối với các thực thể và các cá nhân Iran có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo; và cuối cùng là mở ra tiếng trình đàm phán về vấn đề này ", bà nói.
Tổng thống Donald Trump, người đã tiếp tục phương pháp tiếp cận Mỹ đối đầu với Iran với các chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama, cho biết hoạt động của tên lửa Iran nên bị kiềm chế và muốn trừng phạt Tehran về vai trò của mình tại Yemen và Syria.
Trong khi chính quyền Mỹ đang có phản ứng mạnh đối với thoả thuận hạt nhân Iran 2015, chỉ trích chương trình tên lửa của Tehran và cáo buộc nước này can thiệp vào các xung đột Trung Đông.
Không sát cánh cùng Mỹ trong các lệnh trừng phạt quốc tế trước đó, EU đã vận động mạnh mẽ để duy trì thoả thuận hạt nhân trên, nói rằng văn bản này nên được tách biệt với các vấn đề tên lửa và an ninh khu vực.
Trong khi đó, lập trường cứng rắn hơn của Pháp về vấn đề tên lửa dường như phản ánh một mối quan ngại rằng Iran cuối cùng có thể trang bị được đầu đạn hạt nhân vào tên lửa. Tehran đã nhiều lần bác bỏ những ý định như vậy.
Bà Romatet-Espagne nhấn mạnh quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân cần được tách rời, nhưng cho biết vấn đề tên lửa đạn đạo đã và đang được thảo luận với chính phủ các thành viên EU và cơ quan của bà Mogherini.
Còn Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves le Drian cũng đã lên kế hoạch đến thăm Tehran trước cuối tháng này, nhưng hiện đã bị đẩy lui xuống cuối năm do lịch trình bận rộn, một nguồn tin ngoại giao cho hay.
(Theo Reuters)