(Tổ Quốc) -TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng chương trình giáo dục giới tính cho học sinh chưa hiệu qua do còn tồn tại những rào cản về văn hóa.
Một nghiên cứu mới đây của TS. Trần Thành Nam (ĐHQGHN) và nhóm đồng nghiệp cho thấy, tính tới hết lớp 9, khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục, đến hết lớp 12 thì con số này là 39%, 10% học sinh THPT cho biết đã từng quan hệ tình dục với 3 người trở lên. Những con số này khiến chúng ta phải giật mình mà băn khoăn về việc làm thế nào để giáo dục giới tính cho học sinh có hiệu quả?
Báo cáo chung Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2 của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết “kiến thức về mang thai của thanh thiếu niên Việt Nam còn rất hạn chế”.
Một thực tế cho thấy hiện nay, nhiều em học sinh Việt Nam còn thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản. Các kiến thức về giới tính mà các em được biết từ nhà trường và gia đình còn rất hạn chế, thậm chí một số em còn cho rằng mình chẳng có ấn tượng gì về việc từng được học về giới tính, sinh sản tại trường.
Bạn Đỗ Thùy Trang (học sinh lớp 10 trường THPT Hà Đông) cho biết: “Từ khi đi học tới giờ em không có ấn tượng gì về việc giáo dục giới tính tại trường. Các thông tin về sinh sản, giới tính mà em biết chủ yếu là tự tìm hiểu qua mạng internet. Tuy nhiên, những gì em biết cũng không nhiều, một số thông tin trên mạng cũng không hoàn toàn đáng tin.”
Kiến thức về giới, sức khỏe sinh sản của nhiều học sinh Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. (Ảnh: VTC news) |
Hệ quả của việc thiếu hiểu biết này đã để lại nhiều sự việc mà cả xã hội không ai mong muốn, tuy nhiên đây lại là một sự thật hiển nhiên, đau lòng. Nhiều em có thai ngoài mong muốn, sốc tâm lý khi bị lộ những hình ảnh tình cảm trên mạng internet,…
Mới đây, một nữ sinh lớp 11 tại Nghệ An đã tự tử vì bị phát tán clip hôn bạn trai trên mạng xã hội. Đây là một trong rất nhiều những vụ việc phản ánh lên sự thiếu kiến thức, sự chuẩn bị về tâm lý trước những vấn đề giới tính của học sinh Việt Nam hiện nay.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đã trả lời phóng viên báo Tổ Quốc: “Đây là trường hợp một em học sinh thuộc dạng chăm ngoan, học giỏi nhưng lại thiếu sự tiếp xúc với xã hội. Nhiều em mới chỉ được dạy làm sao để học giỏi, ngoan ngoãn chứ chưa được chuẩn bị hành trang cho những tình huống tương tự.”
TS. Tùng Lâm cho rằng cần gỡ bỏ rào cản văn hóa thì chương trình giáo dục giới tính mới có hiệu quả. |
Thêm vào đó, nghiên cứu còn cho thấy 1/3 số học sinh nữ được khảo sát cho biết mình từng bị bạn trai ép chụp và gửi những hình ảnh nhạy cảm. Thầy Tùng Lâm cho rằng: “Trong chương trình kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, nhà trường cần cho các em được thảo luận những tình huống tương tự để các em tự tìm ra được cách xử lý đúng đắn.
Tuyệt đối không cho phép bản thân hay bất kỳ ai ghi lại những hình ảnh nhạy cảm, thân mật. Nếu lỡ để những hình ảnh đó bị ghi lại, các em nên cố gắng linh hoạt tìm cách xóa những hình ảnh đó đi tránh để xảy ra việc đáng tiếc như trường hợp của bạn nữ sinh lớp 11 trên.”
Hiện nay, ở nước ta, các chương trình giáo dục giới tính cho học sinh đã được thực hiện, tuy nhiên thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng các chương trình này chưa hiệu quả và để giải quyết vấn đề này, thầy cho biết:
“Các chương trình giáo dục giới tính đã được dạy cho học sinh từ lâu, áp dụng với học sinh cấp 2 trở lên. Tuy nhiên, những chương trình này chưa hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tháo gỡ được rào cản về văn hóa. Khi mà các thầy cô còn e ngại, còn chưa dám nói ra những từ ngữ như “bao cao su” hay “quan hệ tình dục” thì chưa thể truyền đạt hiệu quả những kiến thức giới tính, sinh sản tới các em học sinh.
Vấn đề này còn cần sự kết hợp giữa cả gia đình và nhà trường. Nhiều bậc phụ huynh không hề hoặc rất hạn chế đề cập tới vấn đề giới tính khi nói chuyện với con cái mình. Họ sợ rằng mình sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Đó là khi bố, mẹ đang tự lấy đi cơ hội đồng hành, dẫn dắt con cái không sa vào những sai lầm của cái tuổi bồng bột, mới lớn.”