• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Địa phương nào dẫn đầu hút vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay?

Kinh tế 27/04/2023 10:57

(Tổ Quốc) – Hà Nội đã vượt Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Giang để trở thành nơi hút vốn FDI nhiều nhất cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, đầu tư mới có 750 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 65,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kỳ).

Điều chỉnh vốn có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD (giảm 68,6% so với cùng kỳ 1, tăng 1,7 điểm phần trăm so với 03 tháng và tăng 16,5 điểm phần trăm so với 02 tháng đầu năm).

Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có 1.044 giao dịch GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 1,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD (tăng 70,4% so với cùng kỳ).

Địa phương nào dẫn đầu hút vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay? - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, chiếm gần 19,2% (ảnh: Nam Nguyễn)

Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 4 tháng đầu năm và tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó: Cấp mới 103 dự án với số vốn 35,2 triệu USD; 50 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 91,8 triệu USD; 105 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 79,9 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản (Sumitomo) mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD.

Trước đó, lượng vốn FDI rót vào Hà Nội trong 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 158 triệu USD. Có thể thấy, chỉ trong vòng 1 tháng, lượng vốn FDI được đầu tư vào Hà Nội là khoảng 1,5 tỷ USD. Với kết quả này, Hà Nội đã vượt Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Giang để trở thành nơi hút vốn FDI nhiều nhất cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đã quán triệt quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58 của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, "bức tranh tổng quát về thu hút FDI trên của Hà Nội cho thấy dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng gia tăng".

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy thu hút và triển khai các dự án có sử dụng đất, trong đó có các dự án FDI.

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, TP. Hà Nội đã và đang thực hiện một số giải pháp cụ thể. Cụ thể:

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như rà soát quy hoạch chung xây dựng của Thành phố để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành để hoàn thiện Luật Thủ đô tạo khung khổ pháp lý tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn về thể chế để giúp Thủ đô tăng tốc trong vấn đề phát triển cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế của mình.

Thứ ba, tập trung xây dựng danh mục công khai thu hút đầu tư.

Thứ tư, tạo mặt bằng "sạch" để thúc đẩy hình thành các khu, cụm công nghiệp (giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đang triển khai các thủ tục để thành lập 4-5 khu công nghiệp trên địa bàn).

Thứ năm, Thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.

Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập tổ công tác liên bộ để hỗ trợ các địa phương trong đó có Hà Nội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án quy mô lớn, phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài.

Địa phương nào dẫn đầu hút vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay? - Ảnh 2.

Hà Nội ưu tiên các dự án đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường (ảnh minh họa: Nam Nguyễn)

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 đến 40 tỷ USD vốn FDI; vốn giải ngân đạt từ 20 đến 30 tỷ USD. Thành phố tiếp tục tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, tập trung vào các lĩnh vực như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Thái Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ