(Tổ Quốc)- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương có nhiều cơ sở lưu trú đạt chuẩn, được quản lý tương đối tốt và có thể trở thành hình mẫu để cho các địa phương khác học tập.
- 27.08.2016 Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú để tạo đột phá cho ngành Du lịch: "Điểm huyệt có tính chất chìa khóa chiến lược"
- 31.08.2016 Thanh tra Bộ VHTTDL “tuýt còi” hai cơ sở lưu trú ở Bà Rịa- Vũng Tàu
- 05.09.2016 Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú tạo đột phá cho ngành Du lịch: Trung ương và địa phương đều phải vào cuộc
- 06.09.2016 Nhắc nhở, đề xuất thu hồi “sao” một số khách sạn
Cảnh cáo 5 khách sạn 3 sao
Qua hai ngày kiểm tra đột xuất các cơ sở lưu trú tại hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam (5-6/9), đoàn công tác do Phó TCT Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dẫn đầu đã kiểm tra 10 khách sạn, trong đó có 7 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn 5 sao.
Đoàn kiểm tra của Tổng cục Du lịch làm việc tại khách sạn Phương Đông (Đà Nẵng) (Ảnh: Báo Du lịch) |
Trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc chiều 6/9, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương có nhiều cơ sở lưu trú đạt chuẩn, được quản lý tương đối tốt, đặc biệt là Đà Nẵng có nhiều cơ sở được quản lý tốt, duy trì được chất lượng dịch vụ theo hạng sao được công nhận và có thể trở thành hình mẫu để cho các địa phương khác học tập, rút kinh nghiệm.
Hầu hết các khách sạn ở Đà Nẵng đều có chất lượng tốt, từ cơ sở dịch vụ, nhân lực cho đến thái độ phục vụ thân thiện. Tuy nhiên, các khách sạn 3 sao thì còn nhiều hạn chế về sơ sở vật chất xuống cấp. Sau 2 ngày kiểm tra, đoàn công tác đã cảnh cáo 5 khách sạn 3 sao tại Đà Nẵng, cho thời hạn sau 3 tháng phải khắc phục, hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất và những vấn đề còn tồn tại mà đoàn đã chỉ ra. Nếu sau 3 tháng không có sự chuyển biến, Tổng cục Du lịch sẽ đề xuất thu hồi công nhận hạng sao.
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao Khách sạn Brilliant Đà Nẵng, không chỉ sở hữu hệ thống cơ sở vật chất tốt mà còn có môi trường làm việc rất tốt, nuôi dưỡng được niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm cho nhân viên. Ngoài ra, Khách sạn Hyatt Đà Nẵng cũng được tuyên dương vì duy trì được đẳng cấp cao, quản lý tốt, xứng đáng với danh hiệu 5 sao được công nhận.
Theo đánh giá của Phó TCT Hà Văn Siêu, chiến dịch tổng rà soát, kiểm tra chất lượng dịch vụ lưu trú toàn quốc do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo là chủ trương rất đúng đắn, đúng lúc và huy động được sự quan tâm của cả Trung ương và địa phương, Tổng cục Du lịch, Thanh tra Bộ, Sở Du lịch, các Sở VHTTDL.... Chiến dịch này đã truyền được thông điệp rõ ràng và cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng từ “Hội nghị Diên Hồng” ở Hội An và chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tới các cấp quản lý du lịch ở địa phương và các cơ sở lưu trú, coi đây là nhiệm vụ then chốt của ngành trong thời điểm hiện tại, góp phần nâng cao nhận thức, tư duy của các cấp quản lý du lịch cho đến những người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch về việc nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú. “Nếu giải quyết được vấn đề dịch vụ lưu trú, sẽ căn bản giải quyết được những tồn tại, yếu kém của ngành” – Phó TCT Hà Văn Siêu đánh giá.
Khâu đột phá then chốt để khắc phục điểm yếu của ngành du lịch
Theo ông Hà Văn Siêu, tại Quảng Nam và Đà Nẵng, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã phối hợp với địa phương tổ chức Hội nghị quán triệt tư tưởng, chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch lưu trú du lịch. Tại Hội nghị này, các nội dung đã được quán triệt sâu sắc, các cơ sở lưu trú tiếp nhận rất nghiêm túc. Ngoài ra, tất cả các cơ sở lưu trú đã ký cam kết Sở Du lịch và Sở VHTTDL về việc chấp hành tất cả các quy định về công nhận hạng sao và nội dung của đoàn kiểm tra sẽ kết luận. Sau đợt kiểm tra thí điểm này, Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, nêu gương các cơ sở lưu trú có chất lượng tốt, đồng thời nêu những tồn tại của các cơ sở lưu trú để công chúng được biết rõ.
Phó TCT Hà Văn Siêu nhận định, đợt kiểm tra chấn chỉnh chất lượng dịch vụ lưu trú này không nhằm "bắt lỗi" hay "thu hồi sao" của các cơ sở lưu trú, mà nhằm tạo hiệu ứng rộng rãi về việc thay đổi nhận thức, tư duy của những người làm du lịch, từ đó tạo sự chuyển biến cho hình ảnh du lịch Việt Nam.
Sau đợt kiểm tra thí điểm này, Tổng cục Du lịch sẽ có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện để xin ý kiến về việc tiếp tục triển khai kiểm tra tại một số địa phương khác như: TP HCM, Hà Nội, Kiên Giang, Hạ Long (Quảng Ninh), Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu, Lâm Đồng. Đây là những địa phương trọng điểm về du lịch nên sẽ do Tổng cục Du lịch phối hợp với các Sở Du lịch, Sở VHTTDL kiểm tra. Những địa phương khác sẽ tự chủ động triển khai đoàn kiểm tra theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, báo cáo sẽ có các nội dung như: quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng về việc chấn chỉnh chất lượng dịch vụ lưu trú; kết quả kiểm tra của Tổng cục Du lịch và đề xuất giải pháp để đưa vào Kế hoạch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch. “Sau khi được hoàn thiện và được Bộ trưởng phê duyệt, Kế hoạch Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch sẽ được triển khai toàn quốc trong nhiều năm tới. Đây là khâu đột phá then chốt để khắc phục những điểm yếu kém của ngành du lịch khiến du khách “một đi không trở lại”, tạo ra một làn sóng trên toàn quốc góp phần chuyển biến nhận thức, tư duy của những người làm du lịch từ những người làm quản lý cho đến nhân viên”- ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh./.
Hoàng Hà