• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điểm chốt leo thang khủng hoảng Nga – Tây phương: Trung Quốc, Iran được lợi?

Thế giới 27/03/2018 11:00

(Tổ Quốc) - Việc Mỹ và châu Âu đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga đang đẩy quan hệ giữa Moscow và phương Tây xuống một mức thấp mới.

 Hoa Kỳ ngày 26/3 cho biết sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga - hành động bày tỏ sự đoàn kết với các nước châu Âu để trừng phạt Moscow về cáo buộc tấn công một cựu điệp viên Nga tại Anh.

Đây là hành động chống Nga mạnh mẽ nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thực hiện từ khi nhậm chức. Tổng thống Mỹ từng bị cả hai đảng trong Quốc hội chỉ trích vì đã không đủ cứng rắn đối với Nga về các cáo buộc Moscow can thiệp vào hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ, bao gồm cả chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.

Ông Trump “đảo chiều” về quan hệ với Nga?

Các nhân viên ngoại giao Nga bị Washington trục xuất bao gồm 12 người được cho là các quan chức tình báo trong phái đoàn của Nga làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley nói rằng những người này tham gia vào các hoạt động ngoài nhiệm vụ chính thức và đang lạm dụng đặc quyền cư trú của họ.

Ông Trump cũng ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle vì vị trí liền kề với một căn cứ tàu ngầm Mỹ và một cơ sở của nhà thầu quân sự và sản xuất máy bay Boeing, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết. Theo hai quan chức tình báo Mỹ, Seattle là trung tâm của hoạt động gián điệp trên mạng từ Nga, cả về chính trị và thương mại.

Các quan chức Mỹ cho biết quy mô trục xuất không chỉ dựa vào mức độ hoạt động của gián điệp Nga tại Hoa Kỳ mà còn tập trung vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện, mạng lưới tài chính, vận tải và chăm sóc sức khoẻ.

Theo một quan chức Mỹ, các phái viên Nga và gia đình họ có một tuần để rời khỏi Hoa Kỳ.

Ông Trump tuần trước đã điện đàm chúc mừng ông Putin về chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga 2018. Tổng thống Trump cho biết hai nhà lãnh đạo cũng có kế hoạch gặp gỡ "không quá xa trong tương lai". Ông Trump cũng không nêu ra vụ tấn công điệp viên trong cuộc điện đàm với ông Putin.

Ông Trump từng muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, tuy nhiên, tình hình song phương dường như đang ngày càng xấu đi.

Tổng thống Trump ngày thứ hai vẫn im lặng trên Twitter, nơi ông thường bình luận về các quyết định chính sách của mình. Còn Phát ngôn viên Nhà Trắng Raj Shah cho biết trong một cuộc họp báo rằng, "Tổng thống muốn làm việc với Nga nhưng hành động của họ đôi khi không cho phép điều đó xảy ra".

Châu Âu “giáng đòn” ngoại giao nghiêm trọng

Thủ tướng Anh Theresa May, hoan nghênh động thái thể hiện tình đoàn kết của các nước đồng minh, cho biết 18 nước, gồm 14 nước thuộc EU, đã công bố kế hoạch trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Tổng cộng, 100 nhà ngoại giao Nga nằm trong diện bị trục xuất – động thái lớn nhất của phương Tây nhằm vào các nhà ngoại giao Nga kể từ khi thời kì căng thẳng nhất trong Chiến tranh Lạnh.

Australia sau đó cũng xác nhận việc nước này trục xuất hai nhà ngoại giao Nga -được xác định là các nhân viên tình báo bí mật.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết trên Twitter rằng "phản ứng quốc tế phi thường từ các đồng minh của chúng tôi, xét trong bối cảnh lịch sử, là hành động trục xuất tập thể lớn nhất đối với các quan chức tình báo Nga – điều sẽ giúp bảo vệ an ninh chung của chúng tôi".

Còn bà May cho hay, các biện pháp phối hợp này đã gửi đi "tín hiệu mạnh mẽ nhất tới Nga rằng nước này không thể tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế". Anh đã có bằng chứng Nga đã tìm cách cung cấp chất độc thần kinh để thực hiện vụ ám sát, Thủ tướng May nói với quốc hội. "Chúng tôi đánh giá rằng có hơn 130 người ở Salisbury có thể đã từng tiếp xúc với chất độc này", bà May nói.

Vụ Skripal bị đầu độc, theo nước Anh là sử dụng chất độc Novichok thuộc quân đội trong thời Xô viết, là vụ việc dùng một chất độc thần kinh đầu tiên để giết người được biết đến rộng rãi ở Châu Âu kể từ Thế chiến Hai.

Làn sóng trục xuất ngày 26/3 theo sau tuyên bố của các nhà lãnh đạo EU tuần trước rằng những bằng chứng được bà May đưa ra về sự liên quan của Nga trong vụ việc là cơ sở vững chắc cho những hành động tiếp theo của họ. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho biết nhiều biện pháp khác có thể được thực hiện trong vài tuần tới.

Ông Putin sẵn sàng đáp trả cứng rắn

Bộ Ngoại giao Nga nói rằng động thái trục xuất như vậy là một "hành động khiêu khích". Một phát ngôn viên của Điện Kremlin cho biết, phương Tây đang "phạm sai lầm" và Tổng thống Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về phản ứng của Nga.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia gọi đây là "một động thái đáng tiếc và rất không thân thiện".

Moscow phủ nhận cáo buộc tấn công cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury phía nam nước Anh. Skripal, 66 tuổi, và Yulia Skripal, 33 tuổi, đã bị phát hiện bất tỉnh trên một băng ghế công cộng trong một trung tâm mua sắm vào ngày 4/ 3 và vẫn đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết "những thế lực quyền năng" ở Hoa Kỳ và Anh đứng đằng sau vụ tấn công này, theo hãng tin RIA Novosti.

Còn Nga cho biết sẽ đáp trả tương xứng. "Sự đáp trả sẽ là tương xứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trong những ngày tới và sẽ đáp trả lần lượt mọi quốc gia ", hãng thông tấn RIA trích dẫn một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nga.

Điện Kremlin cáo buộc nước Anh đang kích động một chiến dịch chống Nga và tìm mọi cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này. Nga đã yêu cầu 23 nhà ngoại giao Anh rời khỏi nước này sau khi Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga.

Moscow ngả sang Trung Quốc và Iran

"Việc trừng phạt các nhà ngoại giao không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với quyền lực hoặc tiền bạc của ông Putin. Cựu giám đốc CIA John Sipher, người từng điều hành các hoạt động của CIA tại Nga, cho biết.  "Những nỗ lực trước đây của chúng tôi để đẩy các nhà ngoại giao rời khỏi nhiệm vụ của họ không mang lại nhiều thay đổi trong cách hành động của Điện Kremlin", Reuters dẫn lời ông Sipher cho hay.

Còn Luca Susic một chuyên gia về an ninh và khu vực Balkans chia sẻ với Sputnik rằng, "Quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga của nhiều thành viên NATO đẩy  trong quan hệ Nga -phương Tây xuống một mức thấp mới".

Ông Luca Susic cũng nhấn mạnh, những nước đang leo thang thêm căng thẳng dường như không quan tâm đến hậu quả địa chính trị từ hành động của họ: nếu đối mặt với những hành động không thân thiện từ châu Âu, Nga có thể sẽ gần gũi hơn với các đối tác khác.

Chuyên gia này kết luận,"Tình hình này có thể sẽ đẩy Nga ngả sang Trung Quốc và Iran, điều chính xác là những gì châu Âu nên tránh".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ