(Tổ Quốc) - Từ lâu, cái bắt tay giữa du lịch và điện ảnh là hết sức cần thiết, nhưng cho đến Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức giữa tháng 6 vừa qua, vấn đề này mới được sự vào cuộc của cả hệ thống các cơ quan, tổ chức liên quan.
- 18.06.2023 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Điện ảnh, Du lịch, Nhiếp ảnh.... muốn đi xa phải đi cùng nhau
- 18.06.2023 “Đôi cánh diệu kỳ”- Kết nối phát triển du lịch qua điện ảnh
- 16.06.2023 Liên kết du lịch và điện ảnh để vươn xa, cất cánh
- 16.06.2023 Khai mạc chương trình chiếu phim “Dấu ấn Khánh Hòa qua điện ảnh”
- 13.06.2023 Chuỗi sự kiện hấp dẫn trong Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023
Báo cáo "Xu hướng Du lịch 2023 của Expedia" cho thấy 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh.
Điện ảnh đem lại cảm hứng du lịch
Bà Phan Cẩm Tú, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) cho biết: Điện ảnh có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành du lịch của các quốc gia. Các bộ phim giúp mang hình ảnh phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp đến với khán giả. Phim là cầu nối cho các hoạt động trao đổi văn hóa. Phim ảnh giúp khán giả nhìn vào văn hóa, truyền thống và lối sống của một quốc gia. Bằng cách kể các câu chuyện về phong tục, truyền thống, lễ hội và sự kiện lịch sử địa phương, các bộ phim tạo ra sự tò mò và quan tâm cho người xem. Điều này khuyến khích du khách khám phá các địa điểm thực tế, tương tác với cộng đồng địa phương và đắm mình trong văn hóa được miêu tả trên màn ảnh.
Những dự án phim lớn của Hollywood thường dẫn đến tăng trưởng du lịch tại địa điểm làm phim. Du lịch sau khi xem phim được coi là một hình thức du lịch độc đáo thúc đẩy khách trải nghiệm các địa điểm được sử dụng trong phim. Do được giới thiệu trong một bộ phim hoặc loạt phim truyền hình nào đó, một địa điểm được coi là "bình thường" với du khách địa phương có thể trở thành một biểu tượng đối với du khách từ nơi khác. Khi một bộ phim trở nên phổ biến, người hâm mộ thường du lịch để thăm các địa điểm quay phim vì họ muốn trải nghiệm cảm giác đặc biệt và tìm hiểu những câu chuyện liên quan đến bộ phim yêu thích của họ. Những người hâm mộ này chính là các yếu tố giúp ngành du lịch tăng trưởng.
"Chính vì các lý do đó, nhiều chính phủ/ chính quyền địa phương nhìn nhận sản xuất phim như hoạt động quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương. Quá trình quay phim liên quan đến các hoạt động như thuê đội làm phim địa phương, sử dụng dịch vụ địa phương, chi tiêu cho chỗ ở và phương tiện đi lại. Nguồn tiền chi tiêu cho các hoạt động làm phim này kích thích nền kinh tế địa phương, tạo ra cơ hội việc làm và khuyến khích sự phát triển của các ngành hỗ trợ như du lịch và vận tải"- bà Tú nhận định.
Điểm lại những thành tựu mà điện ảnh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên thế giới có thể kể đến "Trò chơi vương quyền" (Game of Thrones) được quay tại Dubrovnik, Ireland mang lại gần nửa triệu lượt khách du lịch tới thăm thành phố. Gần một triệu vé vào cửa đã được bán tại các di tích/ địa điểm xuất hiện trong phim với lượng khách du lịch tăng 37,9%, khách lưu trú qua đêm tăng 28,5% trong năm 2015.
Phim Cô gái có hình xăm rồng (Girl with Dragon Tattoo), quay tại Stockholm, ước tính mang lại khoảng 100 triệu Euros cho ngành du lịch Thụy Điển.
Phim Chúa tể của những chiếc nhẫn (Lord of the Rings) ước tính đã tạo ra 42 triệu đô la cho ngành du lịch New Zealand.
Sự kiện ngôi sao Marilyn Monroe tới đóng phim ở Jasper (Canada) được tận dụng để quảng bá du lịch cho thành phố này. Nhiều tỷ đô la từ hoạt động làm phim đã được chuyển từ Mỹ sang Canada khi chính phủ Canada thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất phim.
Trước đại dịch Covid, Gold Coast của Úc là địa điểm hấp dẫn các dự án làm phim lớn của Hollywood (Thor, Cướp biển Caribbean) vì địa điểm rất đẹp, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng hiện đại, mệnh giá thấp của đồng đôla Úc.
Coi trọng mối quan hệ điện ảnh- du lịch
TS. Nguyễn Văn Tình, Nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) khẳng định, trên thế giới, các quốc gia đều hết sức coi trọng mối quan hệ giữa điện ảnh và du lịch trong quảng bá hình ảnh quốc gia, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các danh lam, thắng cảnh được dùng là bối cảnh cho phim.
TS Tình lấy ví dụ, phim Nàng Dae Jang-geum được quay tại đảo du lịch nổi tiếng Jeju (Hàn Quốc). Du khách đến thăm Jeju đều vô cùng thích thú khám phá phim trường phim Nàng Dae Jang-geum và đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng đến nay, phim trường này vẫn là một địa chỉ hết sức thu hút du khách.
TS Tình kể một câu chuyện không vui với những người làm điện ảnh và du lịch Việt Nam. Cách đây chục năm, một công ty phim của Hollywood đề nghị ta cho phép họ thực hiện một phim trong loạt phim bom tấn 007 do Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ. Lúc đó, công tác chuẩn bị đã xong. Họ đã thuê hẳn một con tàu biển lớn kéo vào Vịnh Hạ Long làm bối cảnh cho bộ phim. Nhưng sau đó, phim không được quay. Họ buộc phải rời sang Thái Lan để làm phim này. Địa điểm quay là đảo Khao Phing Kan gần khu du lịch Phu Két. Cách bờ biển khoảng 40 mét là một hòn đá vôi rất lớn, cao đến 20 mét. Địa điểm này so với bãi tắm Titov và hòn Trống Mái của ta ở vịnh Hạ Long thì thua xa về vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Sau khi phim hoàn thành và phát hành thì cho đến nay vẫn rất đông du khách đến ngắm nhìn, chiêm ngưỡng địa điểm nơi đã quay bộ phim 007 và người Thái đã đổi tên đảo này thành "Đảo James Bond"!
Đáng tiếc, sau sự kiện này, cũng như bộ phim Trời và Đất của Oliver Stone không được quay ở Việt Nam có lẽ đến hơn một chục năm sau đó, các hãng phim nước ngoài không vào Việt Nam quay phim nữa.
Trước đó, vào cuối năm 1980 đầu những năm 1990 ta đã cho phép Pháp quay liền 3 bộ phim tại Việt Nam là Người tình, Điện Biên Phủ và Đông Dương. Sau khi những bộ phim này phát hành, số lượng du khách đến Việt Nam gia tăng rất đáng kể, trong đó có những đoàn khách đến từ những thị trường du lịch còn xa lạ với ta vào những năm đầu 1990, như Israel, Trung Đông... Một số người khi được báo chí hỏi lý do đến Việt Nam du lịch thì họ nói vì Vịnh Hạ Long trong phim Đông Dương đẹp tuyệt vời lại có minh tinh nổi tiếng thế giới Catherine Deneuve đóng nên họ phải đến xem tận nơi. Một số du khách từng hoặc có người thân đã tham chiến ở Điện Biên Phủ nên họ muốn đến thăm phim trường của bộ phim này. Một số du khách người Pháp và người Hồng Kong đến Sài Gòn và Sa Đéc nơi quay bộ phim Người tình theo tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nữ nhà văn Marguriete Duras và vì do diễn viên nổi tiếng người Hồng Kong - Lương Gia Huy sắm vai chính.
Gần đây nhất có 2 bộ phim nước ngoài thực hiện ở Việt Nam và có tác động rất lớn đến công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam, thúc đẩy du lịch. Đó là phim "Kong – Đảo Đầu lâu" và "Hành trình tình yêu của một du khách". Phim sau do Netfix đầu tư và vừa phát hành vào ngày 21/4 vừa qua. Chỉ sau một tuần công chiếu, vào cuối tháng 4 vừa qua, Netflix công bố phim Hành trình tình yêu của du khách đã xếp thứ ba trong top 10 phim hàng đầu các phim được khán giả khắp các châu lục xem nhiều nhất sau thời gian hơn một tuần công chiếu.
Tác động lớn của hai phim này đối với chúng ta chính là việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, hùng vĩ, đa dạng và huyền bí. "Kông - Đảo Đầu lâu" quay tại Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình, Cát Hải, Hải Phòng, Hạ Long, Quảng Ninh và đặc biệt khu di tích Tràng An, Ninh Bình. "Phim Hành trình tình yêu của một du khách" đúng là một phim truyện du lịch khám phá Việt Nam. Các nhân vật trong phim đã hành trình trên một chuyến xe buýt du lịch Nam - Bắc từ thành phố Hồ Chí Minh, qua khu di tích Mỹ Sơn, Hội An, Đà Nẵng, lên vùng cao Hà Giang và về Thủ đô Hà Nội.
Chúng ta có thể thấy được điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh quốc gia, thúc đẩy du khách cả trong nước và quốc tế đến để trải nghiệm, khám phá đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy và tăng trưởng du lịch, qua đó, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước.