(Tổ Quốc) - Tân Thủ tướng Australia và lãnh đạo quần đảo Solomon đã trao nhau cái ôm thân tình bỏ lại những căng thẳng vừa qua.
Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương năm nay đã thu hút nhiều sự chú ý trong bối cảnh các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Australia muốn tăng cường ảnh hưởng tại đây và sự vắng mặt đột ngột của Kiribati tại sự kiện này.
Thông điệp tích cực từ tân chính quyền Australia
Một điểm nổi bật của diễn đàn năm nay có thể là khoảnh khắc Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Australia Anthony Albanese gặp nhau lần đầu tiên. "Ahhh, tôi cần một cái ôm!" ông Sogavare nói với nhà lãnh đạo mới của Australia trước khi hai nhà lãnh đạo ôm nhau.
Chỉ vài tháng trước, ông Sogavare đã bị chính quyền Australia trước đó chỉ trích vì quyết định ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc của ông. Tuy nhiên, sự thay đổi chính quyền mới của Australia và những hình ảnh tích cực từ diễn đàn lần này đang làm dấy lên hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai bên ngay cả khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng tại khu vực này.
Jessica Collins, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy, đã gọi diễn đàn này là một minh chứng về vai trò quan trọng của các cuộc họp trực tiếp đối với việc duy trì quan hệ khu vực.
"Một phần của sự rạn nứt trong vài năm qua có thể là do những cuộc gặp gỡ trực tiếp này đã không diễn ra," bà Collins nói. Bà Collins nói thêm rằng Australia dưới thời ông Albanese cũng đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận với Thái Bình Dương, tập trung vào các mối quan hệ bình đẳng hơn.
Trước đó, nhiều tiếng nói ở khu vực Thái Bình Dương đã không hài lòng với cách mà người tiền nhiệm của ông Albanese là cựu Thủ tướng Scott Morrison giải quyết mối quan hệ hai bên.
Sau Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương 2019, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian của Anh từng chỉ trích ông Morrison là "trịch thượng" và đổ lỗi cho ông vì đã đẩy Thái Bình Dương về phía Trung Quốc.
Còn nhà tân lãnh đạo Australia đã cẩn trọng hơn khi giải quyết mối quan hệ này, thậm chí đã hai lần nhấn mạnh "sự tôn trọng".
"Tôi sẽ có một cuộc thảo luận với Thủ tướng Sogavare một cách tôn trọng," ông Albanese nói với các phóng viên, đồng thời hứa sẽ lắng nghe những gì ông Sogavare nói.
Sau đó, ông Albanese bày tỏ tin tưởng rằng sẽ không có căn cứ nào của Trung Quốc ở Solomons và rằng Solomon và Australia sẽ duy trì quan hệ thân thiết. Ông Sogavare được cho là đã đảm bảo rằng đất nước của ông sẽ không bao giờ có căn cứ của Trung Quốc. Tờ The Guardian cũng dẫn lời ông nói rằng Australia là "đối tác an ninh được lựa chọn" của Solomon và ông sẽ chỉ kêu gọi Trung Quốc nếu có một "lỗ hổng" mà Australia không thể lấp đầy.
Trong khi đó, một vấn đề khác đang nổi lên là sự vắng mặt của Kiribati tại sự kiện lần này sau những bất đồng về vị trí lãnh đạo liên minh khu vực. Tess Newton Cain, người đứng đầu dự án Trung tâm Thái Bình Dương tại Viện Griffith châu Á, gọi động thái của Kiribati là "rất đáng buồn" và nói với Nikkei Asia rằng các bên liên quan trong khu vực có thể sẽ khuyến khích Tổng thống Kiribati xem xét lại.
Chuyên gia Collins của Viện Lowy cho biết Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương PIF được coi là một cơ hội để khẳng định một Thái Bình Dương thống nhất, nhưng việc mất đi Kiribati cho thấy một sự đứt gãy.
Bà nói: "Việc không có Kiribati tại diễn đàn làm tăng thêm những lo ngại về sự ổn định của khu vực. Một động thái mang tính biểu tượng mà các quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm Australia và New Zealand, phải làm là nỗ lực hơn nữa trong các mối quan hệ của họ và đảm bảo mọi người đều ở trên một sân chơi bình đẳng và đều có thể đóng góp."
Thông điệp từ Mỹ
Một thời điểm quan trọng khác tại diễn đàn là bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Giống như Australia, Mỹ đang tìm cách "thiết lập lại" đường lối ngoại giao của mình ở Thái Bình Dương. Vào tháng 6, ông Mark Lambert, phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã thông tin với một kênh tin tức ở New Zealand rằng Washington đang dành thêm sự quan tâm cho khu vực này.
Bà Harris cũng đã mang tới một thông điệp tương tự. "Chúng tôi nhận ra rằng trong những năm gần đây, các đảo ở Thái Bình Dương có thể đã không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ ngoại giao mà các bạn xứng đáng được nhận. Vì vậy, hôm nay tôi ở đây để nói trực tiếp với các bạn: Chúng tôi sẽ thay đổi điều đó", bà nói, thông báo về mở rộng sự hiện diện ngoại giao và hỗ trợ 60 triệu USD cho chiến lược phát triển khu vực.
Thủ tướng Fiji Bainimarama đã đăng lên Twitter lời cảm ơn của mình, nói rằng Mỹ có "mọi lý do để trở thành một đối tác thân thiết hơn ở Thái Bình Dương."
Tháng trước, Mỹ cùng với Nhật Bản, Australia, Anh và New Zealand đã khởi động sáng kiến "Thái Bình Dương Xanh" nhằm thúc đẩy hợp tác với khu vực này.