(Tổ Quốc) - Mâu thuẫn nội khối EU đang ngày càng thể hiện rõ trong chính sách liên quan tới Nga.
Trang Financial Times nhận định, những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn cản Nga thành lập một liên minh với Trung Quốc được coi là một phép thử cho tham vọng của khối, nhằm phát triển một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn trong bối cảnh ngày càng có nhiều xung đột địa chính trị trên toàn cầu. Tuy nhiên, những kết quả đạt được cho tới thời điểm hiện tại tỏ ra không quá lạc quan.
Trong tháng này, Đại sứ EU tại Moscow Markus Ederer đã gửi đi một thông điệp tới giới ngoại giao liên minh. Ông Edere chỉ ra một thực tế, ngày càng có nhiều lãnh đạo tại Brussels và các nước EU nhìn nhận, mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin cần phải được đưa ra khỏi trạng thái đóng băng - đã được áp dụng kể từ sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tại dinh thự Fort de Brégançon, Pháp. Ông Macron cho rằng, đẩy Nga ra xa là "một sai lầm chiến lược lớn" (ảnh: FT)
Theo nhà ngoại giao người Đức cũng từng đảm nhận vị trí đại diện EU tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo EU cần phải có một động thái "thực tiễn" hướng tới việc "mở rộng hợp tác" với Nga, để có thể đối phó với "sự cạnh tranh Âu Á", khi mà ảnh hưởng của Trung Quốc đang không ngừng gia tăng trên toàn khu vực từ Iberia cho tới Siberia.
"EU sẽ mất tất cả mọi thứ nếu làm ngơ những thay đổi chiến lược kiến tạo tại Âu – Á", ông Ederer cảnh báo. Ông cũng đưa ra đề xuất, EU nên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm viễn thông 5G, dữ liệu cá nhân và Bắc cực.
Bài viết của ông Ederer được chuẩn bị trước thềm diễn đàn "EU – châu Á kết nối" sẽ diễn ra vào thứ sáu (27/9) tại Brussels. Theo Financial, việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến cũng tham dự diễn đàn là một dấu hiệu cho thấy cả EU và Nhật Bản đều đang nỗ lực để đưa ra những thay thế cho sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh. Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng và tập trung vào các dự án hạ tầng cơ sở quốc tế, Vành đai, Con đường hiện đã nhận được sự ủng hộ của hơn một nửa trong số 28 nước thành viên EU.
EU sẽ mất tất cả mọi thứ nếu làm ngơ những thay đổi chiến lược kiến tạo tại Âu – Á.
Markus Ederer
Một số sự kiện khác nhấn mạnh hơn nữa những mâu thuẫn liên quan tới nguyên tắc lợi ích và chính trị trong vấn đề Nga. Các quốc gia bao gồm Pháp và Phần Lan (hiện đang đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên EU), muốn có một khởi đầu chính trị mới đối với Điện Kremlin, sau khi chứng kiến những liên lạc mới hình thành giữa ông Putin và tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong tháng 9, sự kiện Nga và Ukraine trả tự do cho 70 tù nhân của hai nước, đã nhận được nhiều lời ca ngợi từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tỏ ra không tin tưởng vào lối tiếp cận trên, ngay cả trong một kỷ nguyên mà mối quan hệ liên minh truyền thống Mỹ - châu Âu đang bị lung lay. Những nhận định ông Ederer đưa ra đã khiến một số nhà ngoại giao ở trung và đông Âu phải "nhíu mày", đặc biệt là những người vẫn giữ thái độ ngờ vực đối với Điện Kremlin và Tổng thống Putin. Họ lo ngại về khả năng EU sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cứng rắn dành cho Moscow sau động thái năm 2014 của Nga.
Cả Paris và Helsinki đều nhấn mạnh sẽ vẫn giữ vững lập trường chung của châu Âu rằng, Moscow phải tuân thủ hiệp ước hòa bình Minsk, trong đó yêu cầu Nga rút quân đội khỏi lãnh thổ Ukraine. Thế nhưng thái độ hòa hoãn ngày càng rõ, vẫn làm nhiều nước châu Âu cảm thấy không hài lòng. Hà Lan chỉ trích quyết định của Ukraine thả một nghi phạm trong vụ máy bay Malaysia Airlines MH17 bị tên lửa do Nga sản xuất bắn rơi năm 2014. Vụ việc khiến 298 người bị thiệt mạng, bao gồm gần 200 người mang quốc tịch Hà Lan.
Một sự thay đổi quan trọng nữa là sự ra đi vào cuối tháng 11 của Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đồng thời là một người có lập trường cứng rắn trước Nga, ông Donald Tusk. Một nhà ngoại giao EU nhận xét, cựu Thủ tướng Ba Lan luôn cố gắng "né tránh các cuộc tranh luận vô cớ" về Nga trong khi dẫn dắt các họp thượng đỉnh nội khối "nhằm bảo toàn sự thống nhất quan trọng" về vấn đề trừng phạt Moscow.
Người kế nhiệm ông Tusk, Charles Michel trong tháng này từng phát biểu, Nga vẫn là "một mối đe dọa cho an ninh châu Âu". Tuy nhiên, theo ông, EU cũng phải "đối mặt với thực tế rằng", Moscow cũng là một quốc gia láng giềng của châu Âu.
Một số nhà quan sát kỳ vọng châu Âu sẽ dỡ bỏ trừng phạt Nga khi tới thời điểm xét gia hạn sau mỗi 6 tháng vào đầu năm sau. Thế nhưng, những bất đồng xung quanh chính sách Nga cho thấy, cuộc tranh luận về cách liên minh xử lý các vấn đề chính trị thế giới trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc – đang trở nên ngày càng khó khăn và khẩn cấp hơn.
"Trong suốt những năm nay, EU không màng tới địa chính trị, nhưng giờ đây họ đang bị tỉnh giấc sau giấc mộng của mình", bà Theresa Fallon, giám đốc tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Á – Âu Nga, đánh giá. "Sẽ rất khó cho họ thay đổi với kỷ nguyên mới – và bạn sẽ thấy họ thực sự đang dò dẫm".