(Tổ Quốc) - Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, suốt 35 năm qua chỉ nằm một chỗ, nhưng Đỗ Hà Cừ vẫn hàng ngày cố gắng lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến mọi người. Cũng chính từ đó, nhiều không gian văn hóa đọc đã được thành lập trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Lan tỏa tình yêu đọc sách đến các bạn trẻ
Những cuốn sách của mẹ truyền nghị lực cho chàng trai nhỏ
Mẹ Đỗ Hà Cừ chia sẻ: Phát hiện con bị bệnh khi được 4 tháng tuổi, gia đình đã đưa đi khám ở Thái Bình thì bác sĩ kết luận bị chậm phát triển. Nhưng bà không nghĩ vậy, chờ đến khi con cứng cáp hơn bà đưa lên Hà Nội khám chữa với hy vọng sẽ chữa khỏi bệnh cho Cừ, mong anh bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, chút hy vọng nhỏ nhoi cũng bị vụt tắt, khi thăm khám khắp nơi nhưng không tiến triển, đến năm Cừ 4 tuổi, bà mới bắt đầu chấp nhận sự thật rằng anh sẽ không thể trở lại bình thường được nữa.
Khi Cừ lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa đã biết đọc sách, đọc truyện, anh cũng bắt bà đi thuê truyện về đọc cho anh nghe. Thương con, hàng ngày nằm ở nhà một mình buồn chán, thỉnh thoảng bà cố gắng sắp xếp công việc đến thư viện mượn sách về và dạy chữ cho anh.
Tình yêu từ những cuốn sách của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho Hà Cừ. Hy vọng về một thư viện miễn phí, được kết bạn 4 phương đã trở thành hiện thực theo cách thật bình dị. Niềm tin yêu với sách, mong muốn sẻ chia những gì mình có đã mang đến cho Đỗ Hà Cừ những người bạn chân thành.
Lúc đầu vận động sách gặp nhiều khó khăn, Cừ phải viết email đi xin khắp nơi, từ các công ty sách, đến các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm. Rồi dần dần mọi người cũng biết đến và chuyển sách đến cho thư viện. Mong muốn của Cừ trong tương lai lập một dự án hỗ trợ xây dựng các tủ sách dành cho người khuyết tật quản lý. Chính hành động tử tế và khát khao được cống hiến, được làm những điều tốt cho xã hội, cộng đồng đã khiến rất nhiều người cảm phục và coi anh là tấm gương sáng cho giới trẻ noi theo.
Trong quá trình thiết lập, vận hành và triển khai dự án, Hà Cừ đã nhận được sự hỗ trợ hết sức lớn lao từ mẹ. Bà là người đã tận tụy giúp đỡ để Hà Cừ biến những điều mong ước thành hiện thực. Bà truyền cảm hứng đọc sách và phát triển văn đọc. Bà là: mẹ, là bạn, là người thầy đặc biệt đầu tiên và duy nhất.
Đối với Không gian đọc Hy Vọng bà là: Độc giả nhiệt tình, trung thành nhất. Là thủ thư sáng tạo, luôn nghĩ ra và đề xuất các phương pháp quản lý độc giả và quản lý sổ sách của không gian đọc. Là tuyên truyền viên gây cảm hứng đọc sách và hướng dẫn tư vấn cho độc giả về sách. Là tình nguyện viên đắc lực cho Không gian đọc 24/7 âm thầm, lặng lẽ làm việc và không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi vật chất nào. Là nhà tài trợ chính cho không gian đọc Hy Vọng hoạt động trong mọi lĩnh vực.
Hà Cừ vô cùng biết ơn người mẹ của mình. Bà luôn giúp đỡ mọi công việc của Hà Cừ, là đôi chân và đôi tay của Hà Cừ, Mẹ là người đồng hành trong tất cả mọi công việc tình nguyện vì cộng đồng của Hà Cừ.
Lan tỏa tình yêu đọc sách đến các bạn trẻ
Không gian đọc Hy vọng của Đỗ Hà Cừ được khai trương đầu tiên vào ngày 24/7/2015. Từ chỗ lúc đầu chỉ có 300 cuốn sách, vẻn vẹn xếp trên một kệ sách nhỏ của gia đình, đến nay không gian đọc Hy vọng đã có 5 tủ chứa được 4000 cuốn sách. Thể loại phong phú phục vụ mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi bạn đọc. Hiện nay, không gian đọc Hy vọng đã có hơn 900 bạn đọc đăng ký mượn thường xuyên. Có khoảng 8000 lượt mượn của bạn đọc/năm.
Mục đích Không gian đọc Hy vọng hoạt động chính là: Cho bạn đọc mượn sách mang về theo thẻ bạn đọc; Đọc tại chỗ và cho các nhà trường hoặc một số cá nhân, đơn vị mượn với số lượng lớn để mang về cho bạn đọc mượn lại. Từ khi có không gian đọc, Hà Cừ không phải đi tìm bạn mà tự họ tìm đến với mình. Chính vì thế trong những năm qua Hà Cừ không ngừng kết nối nguồn lực để xây dựng dự án của mình.
Biết được khó khăn của không gian đọc Hy Vọng, Thủ thư là người khuyết tật nặng hoạt động không có sự hỗ trợ kinh phí từ nhà nước, năm 2018 bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ một khoản kinh phí cho không gian đọc Hy vọng hoạt động.
Do đặc điểm những người khuyết tật đi lại khó khăn, khi thực hiện dự án Hà Cừ cần di chuyển đến các không gian đọc để đôn đốc, kiểm tra, truyền cảm hứng. Hà Cừ dành số kinh phí hỗ trợ của Vụ trưởng để thuê xe cho Hà Cừ và các bạn tình nguyện viên đi đến những không gian đọc để tổ chức lễ khai trương, thăm hỏi và truyền cảm hứng. Kinh phí di chuyển là nguồn kinh phí khó khăn nhất và khó vận động nhất, đã được sự hỗ trợ của vụ trưởng vụ thư viện giúp đỡ.
"Trong quá trình triển khai hoạt động phục vụ cộng đồng, tôi và gia đình đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, thư viện như: Thư viện Thành phố Thái Bình, thư viện tỉnh Thái Bình. Đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của Vụ Thư viện. Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện đã luôn quan tâm, theo dõi các hoạt động của Không gian đọc Hy vọng. Bà hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của không gian đọc. Vụ Thư viện đã mời giảng viên về hướng dẫn cách quản lý thư viện tư nhân. Bà đã về thăm và kiểm tra giám sát hoạt động của không gian đọc Hy vọng và tặng quà là những cuốn sách quý giá. Ngoài ra, với tư cách cá nhân bà còn tặng cho tôi chiếc xe lăn điện để tôi thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt, quản lý không gian đọc Hy Vọng", Đỗ Hà Cừ chia sẻ.
Trong năm qua, Hà Cừ đã cùng các bạn khuyết tật khác và các bạn tình nguyện viên đã đi đến: Không gian đọc Ước Mơ, không gian đọc Niềm tin, không gian đọc Hàn Mạc Tử, không gian đọc Chùa Thiên Phúc ở Quỳnh Phụ. Và mới đây nhất, Hà Cừ đã cùng các bạn sẽ đi đến không gian đọc Hoa Hướng Dương, và không gian đọc Vũ Long để tổ chức lễ khai trương 2 không gian đọc do 2 bạn khuyết tật quản lý đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Từ bản thân Hà Cừ nhận ra rằng: đọc sách hiểu được rất nhiều kiến thức về mọi mặt trong xã hội con người, trong thiên nhiên và cả trên vũ trụ. Từ trong sách mình gặp được những tấm gương nghị lực sống để vươn lên sống có ích cho xã hội: "Tàn nhưng không phế", tôi nhận thấy: đọc sách không chỉ có ích cho mình mà còn cho cả những người khác đặc biệt là người khuyết tật.
Hiện giờ, dù vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng Đỗ Hà Cừ chưa bao giờ nản chí. Với suy nghĩ đã làm thì phải quyết tâm cho đến cùng, cho đến hết khả năng, chứ không thể nản chí bỏ cuộc giữa chừng được. "Vì ngoài không gian đọc, bao nhiêu độc giả khác đang chờ mình, còn bao nhiêu người khuyết tật như mình đang khao khát được tiếp xúc với nguồn kiến thức dồi dào từ những nguồn sách ấy, bao nhiêu người ở nông thôn khao khát được đọc sách thì làm sao mình có thể nản chí được", Cừ chia sẻ.