(Tổ Quốc) - Sự nỗ lực của toàn Ngành Thư viện trong thời gian qua đã có những khởi sắc và đóng góp tích cực trong việc nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
- 09.12.2019 Những quy định về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong Luật Thư viện
- 08.12.2019 Đánh giá hoạt động thư viện – Một điểm mới trong Luật Thư viện 2019
- 07.12.2019 Xã hội hóa hoạt động thư viện trong Luật Thư viện
- 27.11.2019 Một số điểm mới trong quy định về thư viện ngoài công lập trong Luật Thư viện
- 25.11.2019 Luật Thư viện sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc
Thực hiện việc học và đọc là một vấn đề luôn được quan tâm
Ngày 15/3/2017, Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg. Sau khi Đề án được phê duyệt, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc.
Năm 2019, Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tiếp tục được triển khai sâu rộng tại nhiều Bộ, ngành địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, tạo môi trường giúp cho người dân có thêm cơ hội để tiếp cận với thông tin và tri thức. Đây là năm thứ 2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thực hiện Đề án.
Theo đó, đầu năm 2019, Bộ VHTTDL đã tổ chức Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019" thu hút hơn 536.000 học sinh, sinh viên với gần 4.400 trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Đại học và Học viện tham gia. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các phương pháp đọc hiệu quả, các biện pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với các vùng miền, lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.
Thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp công tác với Bộ, ngành liên quan nhằm mục tiêu đưa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng, chú trọng đến các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn và các đối tượng bạn đọc đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… Năm 2019, Vụ Thư viện đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác với Hội Người mù Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị.
Công tác vận động thu hút nguồn lực của xã hội vào hoạt động thư viện được đẩy mạnh. Bộ VHTTDL phối hợp với Tập đoàn Vingroup thực hiện tiếp tục triển khai Dự án trang bị xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện "Ánh sáng tri thức" trao tặng 31 xe nâng tổng số tỉnh được Dự án tài trợ lên 44 tỉnh, thành phố. Dự án đã tạo điều kiện cho các thư viện triển khai các dịch vụ phục vụ cộng đồng hiệu quả tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là với đối tượng học sinh, bộ đội biên phòng và các phạm nhân. Để tạo thêm các tiện ích cho các xe ô tô thư viện lưu động, Vụ Thư viện còn tiến hành vận động một số nhà tài trợ khác tài trợ thêm phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử và sách nói phục vụ cho người khiếm thị.
Ngoài ra, chương trình phục vụ lưu động của các thư viện thuộc Dự án đã có sự phối hợp với chương trình "Cặp lá yêu thương" do Đài truyền hình VTV24 triển khai để hỗ trợ các trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong cuộc sống, tạo điều kiện để các em có thể tiếp cận với tri thức dễ dàng phục vụ cho việc học tập, dần trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc hơn. Vụ Thư viện đã phối hợp với Đài truyền hình VTV24 nhằm xây dựng một xã hội tương thân tương ái thông qua các hoạt động đọc sách gắn với các ngày hội, các ngày kỷ niệm, ngày lễ của đất nước, các hoạt động gắn với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các chương trình vận động, phối hợp, hỗ trợ xây dựng thư viện tiếp tục được duy trì thực hiện tại các tỉnh Điện Biên, tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai… cho các thư viện, trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc,… với hàng vạn cuốn sách đã được trao tặng đến các khu vực đặc biệt khó khăn.
Hàng nghìn thư viện thôn, làng được thiết lập
Năm 2019, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị "Tổng kết hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng" khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở hoạt động hiệu quả, khích lệ và tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức, tham gia hoạt động thư viện. Sau Hội nghị đã có một số thư viện tư nhân mới được thành lập, tiêu biểu có thể kể đến như Thư viện tư nhân của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với vốn tài liệu hơn 10.000 bản sách và 1.000.000 tư liệu khác nhau.
Tính đến thời điểm này, cả nước có 178 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, một sự phát triển rất đáng ghi nhận. Điều đáng ghi nhận là cả những người khuyết tật cũng rất tích cực tham gia vào việc xây dựng thư viện và không gian đọc cho cộng đồng. Bên cạnh những thư viện có bề dày tiêu biểu như anh Đỗ Hà Cừ (tỉnh Thái Bình), liệt toàn thân do ảnh hưởng chất độc màu da cam đã mở Không gian đọc Hy vọng tại nhà và giúp cho các bạn khuyết tật khác mở thêm nhiều Không gian đọc khác, với những cái tên rất đẹp như: Ước mơ, Ánh sáng, Niềm tin, Hoa Hướng Dương không gian đọc Hàn Mạc Tử…
Cùng với các thư viện tư nhân, các thư viện cộng đồng xã, thôn tiếp tục được duy trì và phát triển. Theo đó, chỉ trong vòng 1 năm hơn 2000 thư viện thôn làng đã được thiết lập tạo môi trường thuận lợi cho người dân được đọc sách báo tại nơi sinh sống. Có 19.881 thư viện đã được triển khai từ những tấm lòng và những hoạt động thiện nguyện của các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi. Có những mô hình thư viện xã đã trở thành nơi học tập của nhiều địa phương: Thư viện cộng đồng xã Vĩnh Hòa (Hải Dương), Song Khê (Bắc Giang)... Có những thư viện thôn làng đã triển khai mở cửa hàng ngày và trở thành điểm đến yêu thích của nhiều con trẻ, cụ già và người dân ở nông thôn, tiêu biểu như: Thư viện Làng Bình Vọng (Thường tín, Hà Nội), thư viện thôn Phú Mẫn (Thị trấn Chờ), thư viện Trang Liệt (Bắc Ninh)…
Có thể nói, trong 02 năm vừa qua, các chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Mọt sách Mogu, các câu lạc bộ Sách và Hành động, Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng… với nhiều hoạt động khác nhau vẫn tiếp tục được thực hiện mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em. Nhiều tổ chức của Chính phủ, phi Chính phủ của một số nước đã chung tay phát triển văn hóa đọc ở Việt nam, có thể kể đến như Room to read (Hoa Kỳ), Zhi Shan Foundation (Đài Loan), Cảm ơn Thư viện nhỏ (Hàn Quốc)…
Đặc biệt, vừa qua, ngày 21/11/2019, Luật Thư viện đã được thông qua với 91,51% ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Đây là một sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn đối với ngành thư viện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc phát triển, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận thư viện và tri thức tốt hơn, để thực hiện việc học tập suốt đời thuận lợi ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Luật Thư viện khi được ban hành cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho việc thực hiện đề án được đảm bảo hơn.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ VHTTDL, hoạt động thư viện ở Việt Nam trong 2 năm qua đã có nhiều chuyển động tích cực, góp phần không nhỏ trong phát triển văn hóa đọc, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời. Số lượng người dân đến với thư viện và số lượng sách được đưa đến phục vụ cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên có sự gia tăng. Ước tính các chỉ số hoạt động của hệ thống thư viện công cộng và các thư viện đa ngành, chuyên ngành năm 2019 hơn 15% so với năm 2018. Chỉ riêng hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường phổ thông đã phục vụ được hơn 100 triệu lượt người sử dụng với hơn 180 triệu lượt sách, báo và tài liệu.
Việc triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành, không chỉ các em học sinh, sinh viên, nhiều người ở vùng nông thôn và miền núi sẽ có thêm cơ hội tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức, mà các đối tượng đặc biệt như người khuyết tật, phạm nhân cũng được quan tâm nhiều hơn. "Với sự nỗ lực từ những người làm công tác quản lý nhà nước, những người làm công tác thư viện và sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, cộng đồng chắc chắn văn hóa đọc nước nhà sẽ phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án", bà Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định.
Được biết, vào ngày 16/12 tới, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL sẽ Hội nghị Sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" nhằm đánh giá kết quả hơn hai năm triển khai Đề án: Thành tựu, tồn tại, hạn chế; xác định phương hướng và các giải pháp cụ thể tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới. Cũng tại Hội nghị này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức trao Giải thưởng nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong năm 2019.