(Tổ Quốc) - Báo Nga nhận định rằng chính quyền tân Tổng thống Mỹ đang tiếp tục chính sách quốc phòng cũ của họ ở Bắc Âu.
Ngày 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tổ chức một cuộc họp ở Washington với người đồng cấp Phần Lan Jussi Niinisto.
"Ông Mattis ngày hôm nay đã gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phần Lan Jussi Niinisto. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về sự hiện diện của Nga, mối quan hệ của Phần Lan với NATO với vai trò là một đối tác đang được tăng cường cơ hội, và hợp tác an ninh song phương giữa Mỹ và Phần Lan", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis ngày 21/3 cho biết.
Trong cuộc họp, cả hai nhà lãnh đạo "đã xác định cách tiếp tục tăng cường và thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh lâu dài giữa hai nước".
Trong khi đó, hồi đầu tuần này, chiếc xe bọc thép đầu tiên của Anh đã đến Estonia trong hoạt động của NATO nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Vào tháng 1, xe tăng Mỹ cũng đã được triển khai trong khu vực.
Lực lượng NATO tại Phần Lan trong một cuộc tập trận năm 2014. (Nguồn: AP) |
Mặc dù đã từng chỉ trích NATO khi còn là ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump hiện tại đang có sự phối hợp chặt chẽ với liên minh. Ông sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Washington vào ngày 12/4 và sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào ngày 25/5.
"Trump đang chuyển mình thành một nhà lãnh đạo Mỹ điển hình. Hệ lụy của việc này là các nước Bắc Âu sẽ bị kéo vào các vấn đề của NATO và sẽ có nhiều nghĩa vụ hơn với Washington và Brussels, bao gồm cả trách nhiệm về tài chính", nhà báo và nhà bình luận chính trị Alexander Khrolenko chia sẻ trong một bài viết trên RIA Novosti.
Lập trường của Phần Lan
Trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Kinh tế Quốc tế, Ngoại trưởng Phần Lan đã từng nói rằng biên giới giữa Phần Lan và Nga là "một trong những nước ổn định nhất trên thế giới" và cảnh báo rằng quân đội NATO ở biên giới là "không phải là một ý tưởng hay".
Tuy nhiên, Helsinki đang xem xét triển khai một lực lượng phản ứng nhanh dọc theo biên giới Nga, được cho là do căng thẳng khu vực gia tăng từ cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn ở Ukraine.
Ông Niinisto nhấn mạnh rằng biện pháp này rất quan trọng để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng phòng thủ của quốc gia.
Hiện nay, quân đội Phần Lan có 12.000 lưc lượng thường trực với khoảng 230.000 quân hỗ trợ. Ngân sách quốc phòng của Phần Lan là gần 2,5 tỷ USD. Lực lượng phản ứng nhanh theo kế hoạch sẽ được triển khai ở bốn khu vực biên giới.
"Phần Lan, một quốc gia nhỏ với dân số 5,5 triệu người, không thể bỏ qua môi trường chính trị nước ngoài. Liệu Phần Lan có thể tiếp tục duy trì sự trung lập hay không? Nước này tiếp giáp biên giới với Na Uy và Estonia – cả hai đều là thành viên NATO. Tính đến lập trường chống Nga trong NATO, câu hỏi đặt ra là rất khó," tác giả viết.
Bắc Âu xây dựng an ninh tập thể
Brussels nhận thấy rõ ràng những lợi thế từ việc đưa Phần Lan vào NATO, theo Khrolenko. Chiều dài của biên giới Nga-Phần Lan là 1.300 km. Khoảng cách giữa đường biên giới này và St. Petersburg chỉ là 155 km.
Việc triển khai một tiểu đoàn NATO tới Estonia được lên kế hoạch hoàn thành vào tháng 4. Khoảng 800 binh sĩ Anh và 300 linhd Pháp sẽ đóng quân trong khu vực. Anh cũng sẽ triển khai đến các xe tăng Challenger 2 tới Estonia, phương tiện chiến đấu và các phi cơ trinh sát. Pháp sẽ triển khai các xe tăng Leclerc, xe bọc thép VAB và xe chiến đấu bộ binh VBCI. Tiểu đoàn này sẽ được đóng tại thị trấn Tapa.
Thêm vào đó, Na Uy và thành viên không liên kết Thụy Điển cũng có kế hoạch phát triển hợp tác quân sự. Trước đó, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển và Iceland đã ký một thỏa thuận để mở rộng đáng kể sự phối hợp quân sự.
Theo nhật báo Nga Our Dzien Ba Lan, "cùng với việc triển khai các lực lượng của NATO, liên minh này đang phân chia trách nhiệm và xác định các đối tác hợp tác."
Norwegian TV 2 Norge lưu ý: "Các nước Bắc Âu đang hợp tác về nhiều khía cạnh trên thực tế và hợp pháp của hợp tác quân sự."
"Có lẽ đây là sự khởi đầu của sự hình thành quân đội thống nhất Bắc Âu dưới sự chỉ đạo của Mỹ và NATO", Khrolenko nhận định.
Chiến lược tại Bắc Cực
Bắc Cực được biết đến nhờ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí hỗ trợ hậu cần. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các nước Bắc cực về cách sử dụng các nguồn lực đó.
Những căng thẳng về quân sự và chính trị ngày càng gia tăng ở Bắc Cực. Theo Lộ trình Bắc cực của Hải quân Mỹ 2014-2030, nhiều xung đột có thể xảy ra trong khu vực. Tài liệu này cũng phác thảo các nhiệm vụ để duy trì vai trò lớn của Mỹ ở Bắc Cực.
Trong cuộc họp của họ, Mattis và Niinisto đã trao đổi những hiểu biết sâu sắc về cách duy trì năng lực quân sự lớn mạnh trong thời kỳ khó khăn về tài chính và ghi nhận những lợi ích của hợp tác quốc phòng cho cả hai quốc gia, đặc biệt là tại Bắc cực.
"Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề Bắc cực đã được hai Bộ trưởng đề cập đến. Phần Lan không có quyền tiếp cận trực tiếp vào bờ biển Bắc cực, tuy nhiên, bằng cách giành được ưu thế từ Washington, Phần Lan có thể trở thành một quân cờ trong ván bài chính trị và quân sự lớn", Khrolenko Kết luận.
(Theo Sputnik)