• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nghiệp châu Á chuẩn bị đối mặt với 'bão' biến đổi khí hậu

Thế giới 11/11/2022 10:24

(Tổ Quốc) - Quản lý rủi ro tốt hơn giúp các doanh nghiệp sẵn sàng hơn trước biến đổi khí hậu.

Chỉ mất chưa đầy một giờ trận lũ lụt vào tháng 8/2021 làm ngập Bang Pu, một khu công nghiệp ngoại ô Bangkok nằm dọc theo Vịnh Thái Lan. Đến ngày hôm sau, vùng nước này đã rút đi, nhưng chúng vẫn gây thiệt hại trong bảng cân đối kế toán của tập đoàn Delta Electronics: thiệt hại 393 triệu baht (10,7 triệu USD) đối với hàng tồn kho và tài sản.

Các hoạt động sản xuất đã bị tạm dừng trong hai ngày sau trận lụt. Bang Pu là nơi đặt văn phòng chính, bốn nhà máy và hai nhà kho cho công ty này. Họ chuyên sản xuất các linh kiện điện tử để phân phối điện, bộ sạc xe điện và trung tâm dữ liệu.

Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ

KK Chong, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của Delta Electronics Thái Lan, công ty con của tập đoàn cho biết: "Lũ đến quá sớm, quá nhanh. Chắc chắn có một số sự chậm trễ trong ứng phó, nhưng chúng tôi đã bắt kịp".

Tác động sẽ tồi tệ hơn nếu các đánh giá rủi ro khí hậu hàng năm của Delta không cảnh báo trước. Năm nay, một đợt mưa gió mùa lớn hơn đã ập đến Thái Lan, nhưng Bang Pu đã không chịu nhiều hệ lụy sau khi Delta làm việc với chính quyền để cải thiện việc theo dõi mực nước, trong khi các khu công nghiệp khác ở miền Trung và miền Bắc Thái Lan bị nhấn chìm.

Doanh nghiệp châu Á chuẩn bị đối mặt với 'bão' biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Lũ lụt lớn tại Bang Pu, nơi Delta Electronics sản xuất và hoạt động tại Thái Lan năm 2021. Ảnh: Nikkei Asia.

Các thảm họa do nhiệt độ tăng và nước biển tăng gây ra rất tốn kém, và rủi ro là quá lớn trong quá trình công nghiệp hóa châu Á. Theo OECD, 13 thành phố cảng lớn ở châu Á nằm trong số 20 thành phố phải đối mặt với thiệt hại hàng năm lớn nhất do lũ lụt. Riêng Thái Lan đã phải chịu thiệt hại 44 tỷ USD do lũ lụt vào năm 2011, khi 7 khu công nghiệp và 839 nhà máy bị thiệt hại về tài sản và gián đoạn chuỗi sản xuất.

Rủi ro vật chất do biến đổi khí hậu bắt đầu xuất hiện trong các báo cáo tài chính của các công ty châu Á - Thái Bình Dương. Lúc này quản lý rủi ro về khí hậu không chỉ là nhu cầu của các nhà quản lý công ty để chuẩn bị cho doanh nghiệp của họ đối phó với điều kiện môi trường xấu đi, mà còn từ các nhà đầu tư và các công ty khách hàng trong chuỗi cung ứng.

"Chúng tôi tin rằng việc thông tin về khí hậu được công bố minh bạch, hiệu quả và đầy đủ vào báo cáo tài chính thông thường của hoạt động kinh doanh là cơ sở để quản lý các rủi ro liên quan đến khí hậu", Nhóm Nhà đầu tư châu Á về Biến đổi Khí hậu, một liên minh của hơn 60 nhà đầu tư, đã viết.

Tại Đông Nam Á, những rủi ro này không phải là mới khi các nhà phát triển khu công nghiệp đang phải tìm các biện pháp bảo vệ chống lũ lụt và thời tiết khắc nghiệt. Sau trận lụt năm 2011, cơ quan quản lý bất động sản công nghiệp của Thái Lan đã sửa đổi các tiêu chí thiết kế, đưa thêm các biện pháp phòng ngừa, cải thiện hệ thống thoát nước, nâng cao hàng rào ngăn lũ và lắp đặt hệ thống cảnh báo và giám sát nước. Hơn 5 tỷ baht đã được chi để xây dựng các con đê tại sáu khu công nghiệp.

Tuy nhiên, máy bơm nước vẫn được điều khiển bằng tay và trận lũ quét như năm ngoái ở Bang Pu khiến thời gian ứng phó hậu quả không có nhiều. Delta đã lắp đặt cho Bang Pu các cảm biến và máy bơm nước tự động – loại thiết bị các nhà chức trách đang tìm cách lắp đặt cho các khu công nghiệp khác.

Đối với các công ty thực phẩm và đồ uống, vấn đề khan hiếm nước và lũ lụt là nguy cơ ngay trước mắt nhất. Trong phân tích kịch bản khí hậu của mình, Nissin Foods đã xác định bốn địa điểm ở Nhật Bản và một địa điểm ở nước ngoài có nguy cơ lũ lụt cao, và bảy địa điểm ở nước ngoài cùng bốn nhà máy ở Nhật Bản có nguy cơ thiếu nước.

Nhiệt độ gia tăng và mùa khô kéo dài làm cạn kiệt nguồn nước ngọt dự trữ, vốn cần thiết cho sản xuất đồ uống và sản xuất chip. Một đợt hạn hán ở Đài Loan (Trung Quốc) năm ngoái đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung chip khi chính quyền yêu cầu các công ty giảm lượng tiêu thụ nước xuống một phần mười. Một nhà sản xuất chip lớn như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. có thể sử dụng hơn 200.000 tấn nước mỗi ngày.

Tại Indonesia, một trong những khu vực Đông Nam Á chịu áp lực lớn nhất về trữ lượng nước, Heineken đã phải thu nước mưa và chuyển nước từ các con sông vào đất nhằm thay thế nước ngầm. Heineken cùng nhà sản xuất bia ThaiBev đều hướng tới việc bổ sung đầy đủ những gì họ lấy từ các nguồn nước địa phương để phục vụ các mục tiêu bền vững cũng như liên tục kinh doanh.

Jenica Conde Cruz, Giám đốc đổi mới và bền vững của Nestle Thái Lan cũng cho biết: "Mọi thứ sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thực phẩm. Nhiệt độ sẽ không thích hợp để cây trồng phát triển như bình thường". Việc giảm 20% năng suất cây trồng đối với lúa mì, đậu nành, ngô, đậu tương và gạo sẽ cắt giảm hoạt động của Nestle.

Tăng cường công bố thông tin

Hầu hết các công ty trong danh sách top 10 của Thái Lan đều báo cáo về rủi ro khí hậu ở các mức độ cụ thể khác nhau dù hiện nay các cơ quan quản lý không yêu cầu. Ở hầu hết các khu vực pháp lý châu Á, việc công bố rủi ro về khí hậu phần lớn vẫn là tự nguyện. Tuy nhiên, các trung tâm tài chính lớn nhất đã thực hiện nhiều bước đi để giúp các công ty dễ dàng đáp ứng các yêu cầu mới.

Một đại diện của công ty PwC cho biết: "Việc công bố thông tin tập trung vào việc xác định rủi ro hơn là cho thấy chiến lược của họ trong tương lai. Trong cuộc khảo sát đối với các công ty niêm yết tại Hồng Kông (Trung Quốc), 47% tiết lộ các rủi ro và cơ hội về khí hậu nhưng chỉ 6% thảo luận về các kế hoạch xây dựng khả năng chống chịu.

Năm nay, Cơ quan Dịch vụ Tài chính của Nhật Bản bắt đầu yêu cầu các công ty niêm yết trên thị trường Prime của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo công bố rủi ro khí hậu. Sở giao dịch Singapore cũng áp dụng quy định thông tin về rủi ro khí hậu và tiết lộ khí thải trong báo cáo công ty năm 2022. Quy định này sẽ trở thành bắt buộc đối với một số lĩnh vực từ năm 2023.

"Nhiều khách hàng cũng đang yêu cầu những thông tin như thế này. Đây là lý do tại sao chúng tôi rất coi trọng việc công bố thông tin. Các thông tin đó cho chúng tôi ý tưởng về điều chúng tôi nên làm tốt hơn", ông Chong nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ