(Tổ Quốc) - Tại hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 diễn ra tại Quảng Nam vào ngày 28/11, một số doanh nghiệp du lịch đã có những “hiến kế” để kích cầu, phát triển du lịch trong thời gian tới.
Làm mới sản phẩm du lịch để tăng hiệu quả kích cầu
Theo ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn SunWorld (Tập đoàn SunGroup), đại dịch Covid-19 đã thay đổi cả thế giới, trong đó có Du lịch. Bản thân những doanh nghiệp như SunGroup cũng đã phải điều chỉnh, từ chiến lược kinh doanh, làm mới sản phẩm cho đến quảng bá, tiếp cận khách hàng… để thích nghi với tình hình mới, để sống chung với dịch, khi tình hình Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa biết đến bao giờ mở cửa, còn thị trường nội địa chưa thể phục hồi đà tăng trưởng.
Theo ông Nam, đại dịch Covid-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch, theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái… hiện đang là xu hướng được ưa chuộng.
"Chúng tôi đề xuất Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền…", ông Nam nói.
Tổng Giám đốc Tập đoàn SunWorld cũng chia sẻ, cần gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình "kinh tế đêm" vì đây là giai đoạn thích hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm.
Trước mắt nên thực hiện ở một số địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, thiết lập các khu mua sắm tập trung, đảm bảo chất lượng, gia tăng các dịch vụ giải trí, các show nghệ thuật, các loại hình ẩm thực về đêm…
Ngoài ra, phát huy tinh thần "Đại đoàn kết" tạo Liên minh phục hồi du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, sự nỗ lực của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp sẽ không thể khôi phục thị trường trở lại trạng thái "bình thường cũ". Nền kinh tế cũng không thể chịu sự tổn thương kéo dài trong trạng thái "bình thường mới". Chúng ta cần phát huy sức mạnh tập thể, để tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường.
"Việc cần làm là tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm: Doanh nghiệp - Địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương, từ đó tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và mức giá, thu hút du khách đi du lịch và chi tiêu. Cần tạo cơ chế trao quyền dẫn dắt cho địa phương hoặc doanh nghiệp thực hiện các chiến dịch liên kết này", ông Nam cho biết.
Theo ông, cần tiếp tục hiệu triệu: "Yêu Việt Nam - Du Lịch Việt Nam" để phục hồi thị trường. Đồng thời, Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không "Mở cửa bầu trời nội địa".
Hai yếu tố quan trọng nhất cho một chuyến đi là: "Nghỉ ở đâu? và Đi bằng phương tiện gì?", tức là khách sạn và hàng không đóng vai trò chính yếu thúc đẩy du khách "xách balô lên và đi".
"Năm 2021, khi chúng ta vẫn chưa thể trả lời câu hỏi: "Bao giờ mở cửa bầu trời quốc tế", thì thị trường nội địa vẫn là trọng tâm. Do đó, các chuyến bay nội địa cần được đẩy mạnh để kích cầu", ông Nam nói và cho biết câu chuyện khó khăn của các hãng hàng không ai cũng hiểu. Do đó, nếu Chính phủ có chính sách trợ giá cho các hãng hàng không thì thị trường sẽ được hồi phục nhanh chóng hơn.
Chuyển đổi số để phát triển với doanh nghiệp du lịch
Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, hiện nay, chuyển đổi số được cho là vấn đề mang tính sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên thế giới. Doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị mới bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi toàn bộ mô hình quản trị, vận hành cũng như cách thức kinh doanh.
Lợi ích từ chuyển đổi số không chỉ đến từ việc tiết kiệm chi phí vận hành, hay đưa ra những quyết sách chính xác và nhanh chóng hơn dựa vào hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực, mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường một cách mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng đang được coi là một trong những hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp du lịch. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.
"Nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Vingroup, Hệ thống Vinpearl đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ tháng 8/2018. Trong hơn 2 năm qua, chúng tôi đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả về kinh doanh - vận hành - trải nghiệm khách hàng. Đối với hệ thống vận lưu trú khách sạn - nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí có quy mô lớn như Vinpearl, kết quả phân tích các dữ liệu đầu vào trong quá trình chuyển đổi số đã bước đầu cho thấy tín hiệu hết sức khả quan", ông Hiệp nói.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cũng cho biết, ngoài việc tăng cường chuyển đổi số phục vụ kinh doanh và hoạt động, Vinpearl còn hướng đến mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dịch vụ để tiên phong kiến tạo những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng.
"Trong năm 2021, định hướng chuyển đổi số của Vinpearl là tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách, qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung", ông Lê Khắc Hiệp cho biết.