• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Độc đáo làng ngồi kéo co ở Hà Nội

Văn hoá 24/11/2018 07:00

(Tổ Quốc) - Trò chơi dân gian độc đáo - Kéo co ngồi của người dân thôn Ngọc Trì (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đã được tái hiện ngày 23/11/2018 nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Kéo co ngồi ở Ngọc Trì (nhân lễ hội Đền Trấn Vũ) đã được nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và UNESCO là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Kéo co ngồi được tổ chức trên nền sân đất nện và sử dụng cây song to và nhẵn, dài khoảng 40m, cột trụ thường là gỗ lim cỡ cột đình, được chôn chặt dưới đất. Thân cột được đục một lỗ tròn ngang đầu gối người lớn để luồn cây song.Trước khi kéo, cây song được nêm chặt tại cột.

Độc đáo làng ngồi kéo co ở Hà Nội - Ảnh 1.

Nghi thức tế lễ trước khi thực hiện kéo co

Theo truyền thuyết, xưa kia làng Ngọc Trì gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng thì 11 giếng đã cạn nước chỉ còn 1 giếng thuộc xóm Đìa (hay còn gọi là mạn Đìa). Trai mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy nước. Thời đó, nước được gánh bằng quang làm bằng dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang đựng nước. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên ngồi xuống đất mà ôm lấy cả thùng nước. Giằng co nhau, có khi đứt cả dây quang. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa.

Trước lễ hội, người dân làng Ngọc Trì đã chuẩn bị tuyển lựa người kéo co. Tiêu chuẩn đầu tiên để được lựa chọn là gia đình có năm đời sinh sống ở làng trở lên và có nền nếp, gia giáo chuẩn mực. Ngọc Trì có ba mạn: mạn Đường, mạn Đìa, mạn Chợ. Mỗi mạn được cử một đội kéo co đại diện. Đến ngày hội làng, các mạn dâng lễ vật lên Thánh tại đền Trấn Vũ rồi mới bước vào thi đấu. Khi kéo co chia làm 2 mạn: mạn Chợ và mạn Đường. Trai kéo co mỗi mạn phải đủ 24 người và một Tổng cờ. Trai kéo co đóng khố điều, chít khăn điều. Tổng cờ mặc áo đỏ, đội khăn đỏ. Sau khi lễ Thánh xong, hai phe bắt đầu tiến hành kéo co.

Độc đáo làng ngồi kéo co ở Hà Nội - Ảnh 2.

Dây kéo co là dây song

Trước khi kéo, dây song được nêm chặt ở lỗ cột. Trai kéo co ngồi chân co chân duỗi. Trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của song. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, song được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai Tổng phất cờ hô "í a, kéo". Tổng cờ chạy lên chạy xuống, quệt lá cờ lệnh vào mặt, vào đầu các trai kéo của phe mình vừa để làm hiệu khi nào kéo, khi nào nghỉ, vừa để cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đội kéo.

Điểm độc đáo là mặc dù mỗi mạn có một đội kéo co, song dù là người dân ở mạn nào cũng đều mong đội mạn Đường thắng. Vì họ quan niệm mạn Đường (cộng đồng cốt lõi về trồng trọt) mà thắng nghĩa là năm đó dân làng làm ăn rất tốt, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh...

Độc đáo làng ngồi kéo co ở Hà Nội - Ảnh 3.

Kéo co ngồi là diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ tâm linh

Kéo co ngồi là diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ tâm linh trong Hội đền Trấn Vũ của nhân dân thôn Ngọc Trì, thuộc phường Thạch Bàn, được tổ chức vào ngày 3-3 Âm lịch. Điểm độc đáo của trò diễn kéo co phải được tuân thủ nhiều nghi thức chặt chẽ, từ việc chọn người tham gia, cho đến việc thực hành kéo co. Ghi lễ kéo co được người dân Thạch Bàn gìn giữ bền vững suốt những năm qua. Cả cộng đồng tham gia tự nguyện, không hề vụ lợi hoặc mang tâm lý thắng thua. Mặt khác, nghi lễ kéo co cũng như nhiều nghi lễ, tập quán xã hội khác của làng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết, cố kết cộng đồng./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ