• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Độc đáo Tết hoa mào gà của người Cống

Văn hoá 26/11/2023 09:00

(Tổ Quốc) - Người Cống là dân tộc có số dân dưới 10.000 người, cư trú chủ yếu ở hai huyện Nậm Nhùn và Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đồng bào dân tộc Cống còn lưu giữ nhiều nét văn hóa phong phú, trong đó có Mền lóong phạt ái, có nghĩa là lễ Tết hoa mào gà- một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của người Cống.

Cứ đến độ giữa tháng 10 âm lịch, khi trăng tròn, khắp các bản làng của đồng bào Cống lại rộn ràng trong không khí đón Tết “Mền lóong phạt ái” nghĩa là Tết hoa mào gà hay được bà con dân bản Cống gọi tắt là Tết hoa.

Độc đáo Tết hoa mào gà của người Cống - Ảnh 1.

Nhà của người Cống luôn có hoa mào gà

Tết hoa mào gà là lễ hội có từ xưa của người Cống bao đời truyền lại. Theo quan niệm của đồng bào Cống, 1 năm có 10 tháng, nên tháng 10 âm lịch được chọn là thời điểm tổ chức Tết hoa. Hoa mào gà là biểu tượng cho sự may mắn, no đủ của người Cống. Hoa mào gà trong Tết hoa còn tượng trưng là cây cầu nối giữa hai thế giới âm dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng ở trong nhà.

Tết hoa có ý nghĩa cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người trong gia đình, bản làng khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Đây là một nghi lễ linh thiêng nhất của đồng bào trong năm, là dịp thể hiện đạo lý uống nước nguồn, con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng.

Việc tổ chức Mền loóng phạt ái với người Cống còn xuất phát từ quan niệm vào tháng 10 theo lịch người Cống, Trời cử 03 vị thần, thần thứ nhất có tên là Khí sơ khai của Trời, nơi ở của thần là Thánh cảnh. Vị thứ hai tên là Khí thiêng của Trời, cõi của thần là Chân cảnh, vị thứ ba là Khí thiêng Đạo Đức cõi Trời, nơi thần ở là Thanh cảnh. Ba vị được cử xuống trần gian có nhiệm vụ xem xét việc tốt xấu của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ người Cống mà ban phúc lành, hay gieo tai họa, vì vậy người Cống trên thì cúng Trời, Phật, các vị Thần, dưới là cúng ông bà, tổ tiên cầu cho mỗi người trong gia đình mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Độc đáo Tết hoa mào gà của người Cống - Ảnh 2.

Hoa mào gà là biểu tượng cho sự may mắn, no đủ của người Cống

Gần đến giờ làm lễ, tại gian bếp cúng, thầy cúng ngồi nhóm lửa, ngọn lửa trên bếp là dấu hiệu mời tổ tiên, thần linh về ăn Tết cùng con cháu và dân bản. Mâm lễ cúng chung cho dân bản gồm các lễ vật do các hộ dân trong bản đóng góp, thầy cúng và người phụ việc sắp đặt lên các mâm lễ. Ngoài ra thầy cúng tự tay chuẩn bị hai bình rượu cần đặt gần các mâm lễ.

Đồ lễ gồm: Hàng rênh tóm mái (bánh chưng), Xì khò (quả dưa), Tay khàm (bí đỏ), Tòng khò (bí xanh), Mạy né năng pòm (củ từ), Pùm Xì (khoai sọ) đã được luộc chín. Ngoài ra còn các loại củ và đồ vật khác: Màn chiêu Prẹt (Củ đậu), Củ chà hom (củ hành), Poòng pỹ (củ sả), Ninh xchị (củ gừng), Tỷ kha poòng (rượu cần), Lạ phi (ớt). Thịt thú rừng thuộc Họ tàm (chuột), Họ (sóc) và Lòng te (cá) đều được sấy khô. Và một lễ vật không thể thiếu đó chính là Phạt ái (hoa mào gà). Khi giờ tốt đến, già làng kiêm thầy cúng trong trang phục truyền thống kính cẩn dâng lễ vật xin phép tổ tiên, trời đất, thần linh… cho tổ chức Tết hoa mừng năm mới.

Để chuẩn bị đón Tết, ngay từ những ngày cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch, đồng bào đã dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh làng bản, chuẩn bị địa điểm tổ chức vui xuân của bản, tạo nên một khung cảnh ấm áp, nhộn nhịp và một không gian tươi tắn với đường làng ngõ xóm sạch đẹp phong quang, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt trước của nhà người Cống đều trồng hoa mào gà để đến dịp Tết hoa là cả bản rực rỡ sắc màu của hoa.

Trước Tết một ngày, nhà nào nhà nấy đều chọn hái những bông hoa mào gà đẹp nhất đem về chuẩn bị lễ vật dâng cúng trời đất tổ tiên tại gia đình và trang trí cây hoa ở địa điểm tổ chức Tết hoa của bản. Các nghi lễ cúng chung của bản do Thầy mo thực hiện từ khoảng 4 giờ chiều hôm trước và lễ cúng riêng ở mỗi gia đình thực hiện vào 7 giờ sáng hôm sau.

Nghi lễ cúng chung cho cả bản kết thúc, các gia đình sẽ thực hiện các nghi lễ riêng của mỗi nhà do người đàn ông trong nhà thực hiện. Mỗi gia đình sẽ dựng một đoạn cây tre hoặc nứa (hằn né hoặc hạ kha) ở gian bếp cúng. Trên đoạn cây tre, khoảng đốt tre thứ 2 từ trên xuống người ta buộc hoa mào gà với các màu sắc đỏ, vàng đan xen, đây là dấu hiệu để tổ tiên nhận biết việc tổ chức Tết hoa. Dưới gốc đoạn tre, khoảng từ đốt tre thứ 2 từ dưới lên người ta buộc 2 ống rượu cần và những chiếc ống hút rượu cần để mời tổ tiên, thần linh uống rượu. Đây là rượu cần do các gia đình tự làm để dâng cúng lên tổ tiên.

Độc đáo Tết hoa mào gà của người Cống - Ảnh 3.

Thầy mo chuẩn bị làm lễ

Độc đáo Tết hoa mào gà của người Cống - Ảnh 4.

Cỗ cúng của đồng bào Cống

Trong mâm cúng riêng của các gia đình, ngoài hai ống rượu cần, chủ nhà cũng chuẩn bị các loại nông sản, củ, quả, thịt thú rừng, cá sấy, hoa mào gà tương tự như mâm cúng chung của bản, ngoài ra còn có thêm một con gà hoặc vịt (tùy điều kiện của mỗi gia đình).

Nghi lễ cúng tổ tiên của mỗi gia đình được thực hiện hai lần, lần thứ nhất cúng báo cáo tổ tiên khi lễ vật (gà hoặc vịt) còn sống, lần thứ hai cúng dâng mời tổ tiên khi tất cả các lễ vật đã chín. Chủ nhà, đại diện cho gia đình ngồi bên mâm lễ, kính cẩn mời tổ tiên, các vị thần linh về ăn Tết với gia đình và để con cháu báo cáo với tổ tiên về tình hình làm ăn và sức khỏe của mọi người trong gia đình, đồng thời cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự an lành.

Sau các nghi lễ cúng, thầy mo đánh một hồi chiêng thật dài như một thông điệp thỉnh cầu đến các thần linh, tổ tiên về việc tổ chức Tết hoa, đồng thời là tín hiệu thông báo cho dân bản và du khách Tết hoa chính thức được diễn ra.

Độc đáo Tết hoa mào gà của người Cống - Ảnh 5.

Những cô gái Cống trong điệu múa truyền thống

Sau lễ cúng tất cả mọi người cùng hòa vào trò chơi dân gian, những điệu múa truyền thống và thi đấu các môn thể thao.

Lễ cúng kết thúc, mọi người cùng vui vẻ hòa vào những điệu múa hát tưng bừng và các trò chơi dân gian truyền thống của người Cống. Trong tiếng chiêng, tiếng trống cùng tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của đám đông dự hội, người múa ngày một đông hơn, động tác múa của họ mỗi lúc như mềm dẻo hơn, uyển chuyển hơn, không khí ngày hội càng thêm rộn ràng.

Hiện nay, cộng đồng người Cống Điện Biên còn lưu giữ được một số điệu múa, các môn thể thao và các trò chơi dân gian vui nhộn, với các điệu múa như: Múa hổ; Múa thu hái; Múa tập thể nữ, các trò chơi: Snạ tênh pợ ai (Bắn nỏ); Khmang cư thực (Đi cà kheo); Tam lèn (Đẩy gậy); Tam cừn (Kéo co); Cờ pe ai (Đánh cù)....

Thông qua tổ chức Tết hoa mỗi năm, tình cảm trong mỗi gia đình thêm gắn bó, tình bản nghĩa mường thêm khăng khít và an ninh trật tự của bản được giữ vững ổn định hơn.

Không những thế Mền loóng phạt ái chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, làm cho thế hệ trẻ người Cống và các dân tộc anh em sống đan xen với người Cống hôm nay hiểu thêm được giá trị, trân trọng nhau hơn. Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, Tết hoa của người Cống vẫn được bảo tồn và phát huy, góp phần giữ gìn bản sắc độc đáo của cộng đồng người Cống./.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ