• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối đầu Nga – phương Tây: EU bị bỏ lại?

Thế giới 06/01/2022 13:49

(Tổ Quốc) - Tại châu Âu, có một nhà lãnh đạo gần đây đã mang lại sự ổn định cho nền chính trị đầy biến động của Italy và một khu vực đồng euro đang điêu đứng. Ông cũng người đã chỉ ra rõ ràng điểm yếu của châu Âu trong việc đối phó với Nga.

Mario Draghi, hiện là Thủ tướng Italy, bày tỏ rằng lục địa này không có sức mạnh quân sự tập thể để ngăn chặn Moscow, trong bối cảnh quân đội của Nga đang tăng cường hiện diện ở biên giới Ukraine.

Ông đưa ra câu hỏi vào đêm trước Giáng sinh: "Chúng ta có tên lửa, tàu, đại bác hay quân đội không? Hiện tại thì không."

Brussels: Một người ngoài cuộc trong ván cờ trực tuyến

Nhà lãnh đạo Italy không đơn độc khi bày tỏ sự thất vọng sâu sắc đối với một châu Âu đang bị loại khỏi các cuộc đối thoại quan trọng về vấn đề an ninh lớn nhất ở sân sau của mình.

Liên minh châu Âu EU đã đứng ngoài cuộc khi Tổng thống Biden và Putin đối thoại trực tiếp với nhau, đáng chú ý nhất là qua cuộc gọi điện video của họ vào tháng trước.

EU, giống như nhiều bên khác, chỉ có thể nhìn vào màn hình khi ván cờ ngoại giao song phương bắt đầu: một người ngoài cuộc trong cuộc họp trực tuyến không được cung cấp mật khẩu để đăng nhập.

Chuyến thăm của người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tới tiền tuyến ở Ukraine hôm thứ Tư tuần này là một nỗ lực nhằm mở ra cánh cửa cho sự tham gia và hiện diện nhiều hơn của khối. Ông nói với các phóng viên rằng cuộc thảo luận về an ninh của châu Âu và Ukraine phải có cả người châu Âu và Ukraine.

Đối đầu Nga – phương Tây: EU bị bỏ lại? - Ảnh 1.

Chuyến thăm của ông Josep Borrell tới Ukraine cho thấy sự quan tâm của EU tới các vấn đề của nước này. Ảnh: AFP.

Nhưng một chuyến thăm đơn lẻ sẽ không đủ định hình lại vai trò của EU.

Chuyên gia Tinatin Akhvlediani thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu ở Brussels cho biết: "Nga đơn giản không coi EU là một bên mạnh trong cuộc chơi. Trong những năm gần đây, EU đã cho thấy có nhiều bất đồng nội bộ khi đưa ra chính sách đối ngoại, các vấn đề quốc phòng, an ninh và cả việc hợp tác với NATO".

Bà tin rằng EU nên đưa ra một chiến lược dài hạn, chặt chẽ để có vai trò lớn hơn trong mối quan hệ với Ukraine và bà thấy mừng rằng Kiev đã là một điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của ông Borrell vào năm 2022.

Vào ngày ông Borrell thăm Ukraine, có thể thấy rằng chuyến đi đối ngoại trong khu vực châu Âu lúc này quan trọng hơn chuyến đi của tân ngoại trưởng Đức tới Washington.

Ngoại trưởng Đức Anna Baerbock, đồng lãnh đạo đảng Xanh nước này, đã có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Nga và Trung Quốc, và điều đó được chính quyền Biden hoan nghênh. Nhưng chỉ vì một bộ trưởng cao cấp của Đức nói cùng ngôn ngữ ngoại giao với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, điều đó không có nghĩa là EU sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến tình hình Nga và Ukraine.

Nỗi lo sợ đối với tình hình sườn phía đông của châu Âu

Hiện tại, quyền lực đưa ra chiến lược đối ngoại đang nằm ở đường dây nóng nối tới văn phòng của các nhà lãnh đạo thành viên châu Âu, thay vì cơ quan Hành động Đối ngoại EU ở trung tâm Brussels.

Mối quan tâm lớn đối với EU lúc này không chỉ là vấn đề Ukraine chưa phải là thành viên của khối và NATO, mà là việc họ sẽ bị đẩy ra ngoài các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến sườn phía đông.

Trước cuộc hội đàm Mỹ-Nga tại Geneva vào ngày 9-10/1/2021, Tổng thống Putin đã nêu ra sự leo thang căng thẳng để đưa ra những yêu cầu mới, triệt để mà ông tuyên bố sẽ giúp làm dịu tình hình.

Về cơ bản, Moscow bác bỏ việc Ukraine tham gia NATO. Vì theo hiệp ước thành lập NATO, một cuộc tấn công vào một thành viên nhóm này cũng là một cuộc tấn công vào toàn liên minh.

Mặc dù không thể tưởng tượng được rằng phương Tây sẽ xem xét các đề xuất này một cách nghiêm túc, nhưng giờ đây những vấn đề này là một trong những trọng tâm Nga kiên quyết đưa ra trong bất kỳ cuộc đối thoại nào với bất kỳ bên nào. Và EU, nếu muốn làm việc với Nga, sẽ cần phải đánh giá lại các yêu cầu tiên quyết của Moscow.

Trong khi đó, NATO cũng đang tìm cách đóng một vai trò nổi bật hơn EU và đang triệu tập các bộ trưởng ngoại giao trong tuần này.

Yêu cầu của ông Putin về việc không mở rộng NATO ở châu Âu đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển. Cả hai đều đã là thành viên EU và khẳng định đó là lựa chọn của họ. "Không ai trong chúng tôi thực sự biết kế hoạch thực tế của Điện Kremlin là gì", chuyên gia Kadri Liik thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết.

Con đường khác biệt để định hình vị thế

Bà Kadri Liik không nghĩ rằng Mỹ sẽ để các cuộc thảo luận có ý nghĩa về trật tự địa chính trị và trật tự an ninh của châu Âu được tiến hành mà không có sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Âu, nhưng cần phải nhìn nhận thực tế về mức độ ảnh hưởng mà EU có thể đạt được trong hành trình tìm kiếm một ghế ở vị trí đầu bảng.

"EU là một tổ chức khác biệt và có lẽ sẽ không bao giờ là một tác nhân chính sách đối ngoại tương tự như các quốc gia hùng mạnh như Nga hay Mỹ", bà Kadri Liik cho hay.

Bà Liik tin rằng hành động tốt nhất là khai thác sức mạnh tập thể của 27 nền kinh tế, vì EU sẽ không bao giờ có quân đội riêng.

Việc định hình lại sứ mệnh của châu Âu trên trường thế giới sẽ không nhanh chóng hay đơn giản. Và trong ngắn hạn, có rất nhiều vấn đề gây xao nhãng trong nội bộ.

Tổng thống Pháp Macron đang tập trung vào cuộc bầu cử vào tháng 4 tới và chính phủ liên minh ba đảng mới của Đức chỉ vừa mới định hình được cơ chế lãnh đạo.

Italy đã có được sự ổn định chính trị kể từ khi ông Mario Draghi trở thành nhà lãnh đạo vào năm ngoái, nhưng hiện nước này cũng đang bị xáo trộn để chuẩn bị tìm ra một vị tổng thống mới - một vai trò mà ông Mario Draghi có thể sẽ nhắm tới.

Về lâu dài, EU có thể không thích nhưng Washington và Moscow vẫn là hai nhân vật chính chiếm vị trí trung tâm.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ