• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối đầu quân sự Nga, NATO dồn Bắc Âu vào “chạy đua vũ trang”?

Thế giới 08/12/2017 08:09

(Tổ Quốc) - Phần Lan, một trong số ít các quốc gia Châu Âu chưa gia nhập NATO, đang không ngừng tăng cường phòng thủ, phát triển vũ khí mới.

Newsweek đưa tin, cuộc xung đột ngày càng gia tăng căng thẳng giữa liên minh quân sự NATO và nước Nga đã dẫn đến việc Phần Lan phải không ngừng tăng cường hệ thống phòng thủ, phát triển vũ khí mới.

Người đứng đầu lực lượng vũ trang của Phần Lan, Tướng Jarmo Lindberg phát biểu hôm thứ Tư (06/12) rằng, các hoạt động quân sự đang được đẩy mạng trong khu vực khiến Helsinki phải xem xét lại ưu tiên cắt giảm ngân sách và cam kết mở rộng các lực lượng quân sự của mình - bao gồm cả mua vũ khí và thiết bị mới.

Phần Lan hiện đang là một trong số ít quốc gia Châu Âu chưa gia nhập NATO; tuy nhiên, mối quan hệ giữa quốc gia Bắc Âu với Nga trở nên “không mấy êm đẹp” kể từ sau vụ Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ năm 2014. Sự kiện này cũng là một trong những nguyên nhân chính cho việc NATO không ngừng tăng cường điều động quân đội trong những năm gần đây.

“Hoạt động quân sự nói chung tại các nước láng giềng của Phần Lan đang ngày một gia tăng. Nước Nga, như chúng ta đã biết, đã mở rộng hoạt động [quân sự] kể từ sau sự kiện Crimea. NATO đã đưa lực lượng đến các nước Baltic và Ba Lan. Có một đơn vị của Hải quân Mỹ tại Na Uy. Thuỵ Điển đã đưa quân trở lại đảo Gotland, và họ cũng đã tiến hành một cuộc tập trận lớn với 19.000 lính vào tháng Chín này,” Tướng Lindberg nói với tờ Defense News.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Jussi Niinisto kiểm tra quân đội nước này trong cuộc diễn tập giữa Thuỵ Điển và Phần Lan trong Aurora 17 trên đảo Gotland, Thuỵ Điển hôm 19/9/2017. Phần Lan chưa gia nhập NATO nhưng từng tham gia tập trận chung và bày tỏ quan ngại về những động thái của Nga gần đây trong khu vực (ảnh: Newsweek)

Ông khẳng định: “Điều này có nghĩa là chúng tôi đang ở trong một tình huống cần phải phân tích khả năng quân sự, khả năng sẵn sàng ứng chiến của mình; và dựa trên các phân tích của chúng tôi, mọi chuyện đang thay đổi… Vì thế, khả năng sẵn sàng đã trở nên tốt hơn, và năng lực của tất cả các lực lượng cũng được tăng cường tốt hơn”.

Đầu thế kỷ 19, Đế chế Nga từng sáp nhập Phần Lan, sau đó là một phần của Thuỵ Điển. Chỉ đến ngày 6/12/1917 Phần Lan mới chính thức tuyên bố độc lập. Trong thời kỳ Chiến tranh lãnh, Phần Lan từng nỗ lực để cân bằng lợi ích giữa hai khối Đông - Tây. Giờ đây, việc căng thẳng tái xuất trên toàn Châu Âu đã lại một lần nữa “đẩy” quốc gia Bắc Âu vào giữa một cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị.

Tướng Lindberg cũng cho biết, tỷ lệ ủng hộ trong nước thấp không đồng nghĩa với việc Phần Lan không có kế hoạch trở thành một thành viên của NATO “trong tương lai sắp tới”. Theo ông, Helsinki đã tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc trong khu vực – một phần lớn trong số đó nằm trong liên minh quân sự với Mỹ kể từ năm 2014. Năm đó, ông tiết lộ, Phần Lan đã có những cuộc “đụng độ” với quân đội Nga dọc theo biên giới hai nước, tại Vịnh Phần Lan gần đó và cả Biển Baltic.

Ngoài ra, các lần “chạm trán” với không lực Nga đã giảm trong hai năm 2015 và 2017. Năm 2017, tỷ lệ dự kiến cũng sẽ tương tự như năm ngoái. Mặc dù vậy, Phần Lan vẫn duy trì cam kết “đối thoại chính trị cấp cao” với Moscow. Hai tuần trước, một đường dây nóng hoạt động 24/7 giữa Nga và Phần Lan đã chính thức đi vào hoạt động.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cùng ngồi một chiếc du thuyền trên đường đến Lâu đài Olavinlinna tại Savonlinna, Phần Lan hôm 27/7/2017 (ảnh: Newsweek)

Phần Lan thường xuyên được bầu chọn là quốc gia tốt nhất trên thế giới về chất lượng sống, và cả NATO và Nga nhiều lần cố gắng thuyết phục nước này thể hiện rõ lập trường nghiêng về bên nào.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần với tờ Rossiya Segdnya, ông Andrey Kelin, Giám đốc của cơ quan Hợp tác Châu Âu Nga nhận định, trong khi Phần Lan hợp tác chặt chẽ với NATO “về lĩnh vực quân sự”, việc Helsinki phản đối gia nhập liên minh cho thấy dấu hiệu về “những cơ hội… để thắt chặt hơn nữa an ninh tại khu vực Baltic dựa trên một nền tảng không NATO”.

(Theo Newsweek)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ