• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối thoại Nga – phương Tây: Kỳ vọng giảm căng thẳng

Thế giới 10/01/2022 15:21

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, tuần này có thể được xem là một trong những thời điểm quan trọng và ý nghĩa nhất trong quan hệ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga kể từ khi Liên Xô tan rã.

Vào ngày 12/1, đại diện từ 30 quốc gia thành viên của NATO và Nga sẽ gặp gỡ tại Brussels để thảo luận về việc xây dựng quân đội gần đây của quân đội Nga ở biên giới giữa nước này và Ukraine.

Đối thoại Nga – phương Tây: Kỳ vọng giảm căng thẳng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: CNN

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ và Nga cũng sẽ có cuộc gặp ở Geneva vào ngày 10/1 để thảo luận về khủng hoảng này. Sau những căng thẳng gia tăng, việc Nga tham gia đối thoại lần này sẽ mang lại hi vọng bắt đầu cho một quá trình đảm bảo an ninh mới đối với Nga từ phương Tây. Phía Nga cũng khẳng định mong muốn có kết quả ngay lập tức trong các cuộc đối thoại an ninh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã khẳng định mục tiêu như vậy.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói rằng lựa chọn ngoại giao và giảm leo thang là một trong 2 cách mà cộng đồng quốc tế cũng như Mỹ đã vạch ra trước thềm cuộc gặp với Moscow.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Stockholm, Thụy Điển vào tháng 12/2021 trong bối cảnh lo ngại Moscow gia tăng căng thẳng với Ukraine. Leo thang căng thẳng gần đây cũng khiến nhiều chuyên gia lo sợ sẽ lặp lại sự việc tương tự với năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea vào nước này. Phương Tây đã mất nhiều năm để đối thoại nghiêm túc về phản ứng với Moscow tuy nhiên căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng cho đến hiện tại.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây có lẽ chưa từng hồi phục kể từ thời điểm Moscow sáp nhập Crimea, thậm chí đã rơi vào mức thấp nhất sau thời Chiến tranh Lạnh. Hội đồng Nga – NATO đã thành lập vào năm 2002 để thúc đẩy hợp tác giữa Nga và phương Tây nhưng không còn bất kỳ cuộc gặp gỡ nào trong hơn 2 năm qua.

Nói đến cuộc đàm phán ngoại giao vào tuần tới giữa Mỹ, châu Âu và Nga, Ngoại trưởng Blinken từng cho rằng cuộc gặp gỡ có thể đạt được một số tiến triển nhưng vẫn xem như "đường hai chiều" trong quan hệ giữa Mỹ, phương Tây với Nga về vấn đề Ukraine.

Theo CNN, một số quan chức NATO cho rằng Nga cuối cùng phải chấp thuận cuộc gặp gỡ như một nhượng bộ lớn. Trong khi một số chuyên gia khác nhận định cuộc gặp là tín hiệu để giảm leo thang thì số khác lại bày tỏ lo ngại các căng thẳng gia tăng của Kremlin gần đây có thể không mang đến tín hiệu tốt.

Chỉ trong tháng trước, Moscow đã công bố hai dự thảo nêu rõ các yêu cầu để giảm căng thẳng ở biên giới Ukraine bao gồm NATO phải lùi lại các hoạt động triển khai ở Đông Âu và cam kết không kết nạp Ukraine.

Nga đang mong muốn điều gì?

Các nguồn tin NATO cho rằng Moscow có thể là đang muốn kéo Ukraine và Phần Lan ra khỏi sự liên quan đến NATO hoặc đang cố gắng biện minh cho sự leo thang căng thẳng.

Theo các quan chức từ những quốc gia thành viên NATO lâu đời và có tiếng nói, cuộc gặp gỡ vào ngày 12/1 tới là cơ hội cho liên minh khẳng định vị thế vững chắc và thống nhất, rằng nếu Nga tiếp tục gia tăng căng thẳng thì nước này sẽ đối mặt với các hậu quả kinh tế nghiêm trọng. "Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ chưa từng triển khai trong năm 2014".

Tuy nhiên, các quan chức không tiết lộ các công cụ đó là gì và chỉ nhấn mạnh đây sẽ là cơ hội chuẩn bị lựa chọn mới. Cụ thể, đó có thể là sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt kinh tế và hơn thế nữa.

Ông Paris Eronen – một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột cho biết, việc tính toán đòi hỏi các nhu cầu vượt ra khỏi quy tắc quốc tế sẽ khiến tình hình chung trở nên nguy hiểm hơn nhiều. Và điều đó sẽ khiến Kremlin phải hành động tích cực hơn.

Các chuyên gia khẳng định, cuộc gặp gỡ vào ngày 12/1 rất quan trọng. Nếu tất cả các đồng minh NATO đều thống nhất và đồng thuận thì sẽ là thông điệp mạnh nhất trong thời điểm quan trọng này. Cho dù Moscow có phản ứng gì thì phương Tây cũng có cơ hội để nói thêm lần nữa trong bối cảnh ngoại giao khẳng định "họ đang hết kiên nhẫn".

Theo ông Richard Connolly, nhà nghiên cứu tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hợp quốc, việc tăng phí kinh doanh cho các công ty Nga bằng cách tiếp cận vốn hoặc hạn chế công nghệ có thể tác động lớn đến nền kinh tế Nga. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các mặt hàng như năng lượng, vũ khí và hàng hóa chiến lược cũng gây ra mức độ tổn hại tương tự như các biện pháp trừng phạt thứ cấp từng áp dụng cho Iran.

Nhắc đến sức mạnh truyền thống và khả năng mở rộng của NATO, một số chuyên gia cũng tin rằng phương Tây hoàn toàn tự tin trong cuộc gặp gỡ sắp tới với Moscow.

"Chúng ta cần hợp lực và không sợ hãi. Có thể đây là lực cần thiết đẩy nhanh việc Ukraine gia nhập NATO", bà Rasa Juknevičienė – cựu Bộ trưởng Quốc phòng Litva cho biết.

Theo các nhà quan sát, cuộc đàm phán vào tuần tới để giảm căng thẳng và giải quyết khủng hoảng với Ukraine là không hề dễ dàng. Nếu Phương Tây bước vào tuần tới với nhiều lợi thế chiến lược hơn so với Nga thì điều quan trọng nhất vào thời điểm này là nỗ lực giảm leo thang của Nga ở Đông Âu./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ