• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối thoại Tứ giác An ninh QUAD dẫn dắt chính sách tăng cường của Mỹ với châu Á

Thế giới 24/09/2021 12:33

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, Đối thoại Tứ giác An ninh (hay còn gọi là Bộ Tứ QUAD) – một diễn đàn chiến lược không chính thức của Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ là cách tiếp cận tiếp theo của Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tín hiệu mới từ QUAD

Nhà Trắng dẫn tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ tham gia đối thoại QUAD nhằm tăng cường thảo luận về "chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

Đối thoại Tứ giác An ninh QUAD dẫn dắt chính sách tăng cường của Mỹ với châu Á - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm Mỹ định hướng nhiều thay đổi trong chính sách của Mỹ với châu Á. Vào thời điểm này, những lựa chọn tiếp theo mà QUAD đưa ra sẽ rất quan trọng. Nhà phân tích cấp cao thuộc Viện chính sách chiến lược Australia - Malcolm Davis cho rằng, so với chính quyền cựu Tổng thống George W.Bush thì QUAD đã phát triển từ "đối thoại kinh tế và chính trị cấp thấp" đến "vai trò nòng cốt rất quan trọng" ngày nay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

"QUAD không phải là một NATO ở châu Á… nhưng rõ ràng Bộ Tứ đang đi theo hướng tiếp cận hợp tác về an ninh", ông Davis nhận định.

Đối thoại Tứ giác An ninh đã được đề xuất vào năm 2007 nhưng bị trì hoãn trong một thập kỷ cho đến khi hồi sinh dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy trở thành siêu cường kinh tế và quân sự.

Môi trường ngoại giao ở châu Á đã thay đổi rõ rệt kể từ khi hồi sinh Nhóm "Bộ Tứ" này, đánh dấu ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nhóm đối với châu Á. Vào tháng 4/2020, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã tồn tại nhiều căng thẳng sau khi Thủ tướng Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19. Bắc Kinh đã phản ứng lại bằng việc áp đặt các hạn chế trừng phạt đối với hàng hóa của Australia và mối quan hệ hai bên vẫn chưa hồi phục. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn tồn tại nhiều căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Trump. Giới chuyên gia nhận định, quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ tiếp tục đi xuống trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang tăng cường củng cố quan hệ đối tác ngoại giao ở châu Á nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại.

"Thời điểm hữu ích đối với Mỹ"

Hiệp ước AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia ra đời cũng là cách tiếp cận mới của Washington đối với châu Á. Các nhà quan sát cho rằng, Australia dường như hoan nghênh cách tiếp cận mới của Mỹ vào đầu tháng này. Chính phủ hai nước cùng với Anh đã công bố liên minh an ninh AUKUS – thỏa thuận ba bên nhằm trao đổi thông tin quân sự, công nghệ, hình thành quan hệ đối tác quốc phòng chặt chẽ hơn ở châu Á. Trong khi đó, Nhật Bản cũng tiếp nhận chiến lược mới của Mỹ đối với khu vực. Sau nỗ lực theo đuổi chính sách Trung Quốc trong thời gian dài, Nhật Bản giờ đây cũng tỏ ra thận trọng hơn. 

Bà Bonnie Glaser – Giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ khẳng định, Ấn Độ hiện là thành viên quan trọng nhất của QUAD và động thái sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc phòng, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia này. Sau xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào giữa năm 2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong, giới chuyên gia đã từng đưa ra rất nhiều bình luận quan hệ giữa Delhi và Bắc Kinh cũng như các động thái của Ấn Độ sau đó. Theo bà Glaser, điều quan trọng là vai trò của Bộ Tứ có thể đi xa được đến đâu để có thể kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trong một bài viết trên tạp chí Các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào đầu năm 2021, tác giả Amrita Jash – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu vấn đề chiến tranh thực địa ở New Delhi nhận định, Ấn Độ đang xích lại gần Mỹ trong lĩnh vực quân sự, bao gồm các cuộc tập trận quân sự mới, thỏa thuận mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ.

"Một phần hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ nhằm tăng cường công nghệ trinh thám và nhắm mục tiêu. Ấn Độ có khả năng theo dõi chặt chẽ các hoạt động quân sự của Trung Quốc dọc theo biên giới Himalaya và định hình rõ sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương", bà Amrita Jash nhấn mạnh.

Cuộc họp nhóm "Bộ Tứ" (QUAD) có thể diễn ra vào thời điểm này thực sự rất hữu ích đối với Mỹ. Thủ tướng Australia Scott khẳng định, chưa thời điểm nào tốt hơn hiện tại để Washington có thể gia tăng ảnh hưởng với quốc tế, khẳng định một phần của cộng đồng gắn kết rộng lớn ở châu Á.

Ông Soctt cũng bày tỏ tin tưởng hiệp định AUKUS đánh dấu một bước ngoặt tích cực về quan hệ của Mỹ với châu Á.

Thông qua thỏa thuận hợp tác lớn hơn với Nhật Bản và Ấn Độ, Thủ tướng Australia Scott nhấn mạnh, Mỹ có thể đang muốn thể hiện vai trò đa dạng hơn cho Đông Nam Á so với các khu vực khác. Washington không chỉ gia tăng hợp tác về quân sự mà còn cả kinh tế và chính trị.

"Bắc Kinh đã chỉ ra thỏa thuận AUKUS là ví dụ điển hình cho thấy Washington đang tập trung vào sức mạnh quân sự ở châu Á", ông Scott nói thêm.

Đáng lưu ý, trong tuần này, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hiệp định có sự tham gia của 11 quốc gia, trong đó Mỹ đã quyết định rút khỏi vào thời cựu Tổng thống Trump.

Theo Thủ tướng Australia Scott, Mỹ đang giữ vai trò quan trọng hiện tại thông qua việc sử dụng QUAD để duy trì "thỏa thuận tích cực và chuyên sâu" ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

"Nếu muốn giành được trái tim và khối óc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì ưu tiên đầu tiên là chống dịch bệnh Covid-19 và ưu tiên thứ hai là mở rộng quan hệ kinh tế - an ninh khu vực", ông Scott nhấn mạnh.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ