(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/9 đã công bố nỗ lực mới hỗ trợ Úc có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, thúc đẩy gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Liên minh an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia - AUKUS
Hãng CNN dẫn tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc họp trực tuyến ba bên vào ngày 15/9. Thỏa thuận ba bên về mối quan hệ đối tác tam giác chiến lược AUKUS đã được công bố trong sự kiện. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thông báo này là một phần trong chiến lược thúc đẩy quan hệ đối tác tam giác chiến lược mới, gồm Mỹ, Australia và Vương quốc Anh.
Trong thông báo vào ngày 15/9, Tổng thống Biden đã lên tiếng về việc thành lập liên minh an ninh AUKUS và nhấn mạnh khả năng giải quyết môi trường chiến lược hiện tại trong khu vực và định hướng phát triển.
"Mỹ, Australia và Vương quốc Anh từ lâu đã duy trì quan hệ đối tác. Ngày nay, quan hệ của chúng ta sẽ còn thân thiết hơn. Hôm nay, chúng ta ở đây thực hiện một bước tiến lịch sử quan trọng nhằm mở rộng và chính thức hóa hợp tác giữa ba nước, bởi vì tất cả chúng ta đều nhận thấy tính cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về lâu dài", Tổng thống Biden nhấn mạnh. "Mối quan hệ đối tác sẽ khởi đầu cho một loạt các cam kết ngoại giao của Mỹ trong mùa thu này, bắt đầu từ cuộc họp tại Liên hợp quốc vào tuần tới đến thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo châu Á tại Nhà Trắng và thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển G20 tại Italy trong tháng 10."
Theo CNN, động thái này nhằm tập hợp sức mạnh của phương Tây và các đối tác châu Á cùng với Mỹ gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là một trong những mục tiêu mà chính quyền Tổng thống Biden đã xác định kể từ khi vào Nhà Trắng.
Các quan chức hàng đầu của Australia đã có mặt ở Washington vào ngày 15/9 và gặp gỡ các lãnh đạo đồng cấp của Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước thềm thông báo chính thức.
Nhắc đến loại tàu ngầm hỗ trợ cho Australia, Tổng thống Biden khẳng định, đây là loại tàu ngầm vận hành nhờ năng lượng sinh ra từ phản ứng hạt nhân bên trong lò phản ứng hạt nhân. Công nghệ này đã được chứng minh là rất an toàn. Mỹ và Anh đã vận hành tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân trong nhiều thập kỷ và hiện tại muốn giúp Australia sở hữu loại tàu như vậy thông qua AUKUS.
Các quan chức Mỹ khẳng định liên minh an ninh mới AUKUS sẽ cùng tổ chức các cuộc họp trong tháng tới để giải quyết các thách thức hiện tại như vấn đề an ninh mạng, công nghệ tiên tiến và quốc phòng... Thêm vào đó, liên minh cũng tập trung vào hợp tác chế tạo tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân ở Australia, đánh dấu tín hiệu hợp tác quân sự ở cấp độ cao hơn giữa ba nước. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân duy trì chức năng hoạt động trinh thám tốt hơn so với các loại tàu ngầm thông thường. Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ có một hạm đội tàu ngầm công nghệ Mỹ với sự hỗ trợ từ Anh.
"Điều này sẽ đưa Australia lên tầm cao mới về hoạt động quân sự cũng như tạo thêm các ảnh hưởng của Mỹ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", thông báo nêu rõ.
"Động thái cực kỳ hiếm hoi"
Các quan chức Mỹ mô tả nỗ lực hỗ trợ Australia có công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là động thái cực kỳ hiếm hoi giữa các đồng minh.
"Công nghệ là vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Thành thật mà nói, đây là một ngoại lệ đối với chính sách của Mỹ ở nhiều khía cạnh", một quan chức Mỹ cho hay.
Quan chức này cũng nhấn mạnh mục đích của quan hệ đối tác mới không hề có ý định gia tăng thách thức với bất kỳ quốc gia nào.
"Mối quan hệ đối tác tam giác chiến lược mới không nhằm mục đích vào bất kỳ quốc gia nào. Mục đích của chúng tôi là thúc đẩy lợi ích chiến lược của Mỹ, duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và thúc đẩy hòa bình - ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", quan chức Mỹ nói thêm
Vào tuần tới, Tổng thống Biden sẽ chủ trì thượng đỉnh liên minh đối tác QUAD giữa Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Kể từ khi Tổng thống Biden vào Nhà Trắng, Mỹ tăng cường chiến lược thu hút sự quan tâm đối với một số quốc gia châu Á, điển hình nhất là chuyến thăm Singapore và Việt Nam vào cuối tháng trước của Phó Tổng thống Kamala Harris.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, sự ra đời của liên minh AUKUS là minh chứng cho thấy chính quyền Mỹ gia tăng hiện diện của Mỹ ở châu Á.
"Những gì Tổng thống Biden đang thể hiện, rõ ràng là muốn kêu gọi các đồng minh hãy tin vào Mỹ. Các cam kết của Washington sẽ tiếp tục mở rộng, duy trì ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vai trò quan trọng của chúng tôi là nỗ lực đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực", một quan chức Mỹ nhận định.
Về phía Anh, Thủ tướng Boris Johnson gần đây liên tục thúc đẩy tham vọng "Nước Anh toàn cầu" trong chiến lược mở rộng quan hệ giữa Anh với thế giới. Giới quan sát nhận định, có thể đây là cơ hội để đưa Anh thúc đẩy vai trò trên toàn cầu. Vì vậy, việc tham gia vào "cuộc chơi" ở khu vực Ấn Độ Dương – Thía Bình Dương và tăng cường quan hệ đối tác mới với Australia có thể giúp Vương quốc Anh thực hiện mục tiêu đó./.