• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối tượng chịu hệ lụy thực sự từ đòn trừng phạt Mỹ vào Syria

Thế giới 19/06/2020 15:05

(Tổ Quốc) - Chính quyền Trump vào thứ Tư đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad. Các biện pháp này, được ban hành theo Đạo luật Caesar, đặc biệt nhắm vào "các cá nhân hỗ trợ cho chính phủ Syria" từ bên ngoài, theo Nhà Trắng.

"Kể từ khi cuộc xung đột Syria bắt đầu năm 2011, chế độ Assad đã gây ra vô số tội ác đối với người Syria", Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói và thêm rằng "những hành động này đã phá hủy đời sống người dân, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của đất nước."

Nền kinh tế Syria thực sự đã bị rơi vào khủng hoảng, và trong khi chính quyền Trump khẳng định các lệnh trừng phạt của mình "không nhắm vào người dân Syria", nhiều người Syria lo ngại rằng trong khi các biện pháp này có thể làm gia tăng sức ép lên chính phủ của Assad thì cũng sẽ là gánh nặng cho đời sống của người dân nước này.

Đời sống nguy ngập

Chiến tranh Syria đã khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng căng thẳng, 80% người dân của nước này rơi vào tình trạng nghèo đói, theo Liên Hợp Quốc.

Trong khi các khu vực chiến sự tại Syria đã bình ổn hơn thì mọi hy vọng phục hồi kinh tế trong năm nay đã bị dập tắt bởi việc đóng cửa kinh doanh từ tháng 3 để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Chương trình Lương thực Thế giới cho biết giá lương thực ở Syria đã tăng gấp đôi trong một năm, lên mức cao nhất từ trước đến nay. Tại các khu vực do chính phủ kiểm soát, giá các mặt hàng chủ lực có thể tăng nhiều lần trong một ngày, buộc nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì họ không thể giải quyết tình trạng rối loạn này.

Tuần này, tiền tệ của Syria, đồng bảng, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, với tỷ giá khoảng 3.500 bảng/USD thị trường chợ đen. Vào đầu năm, chỉ cần 700 bảng Syria để mua một đô la Mỹ. USD hầu như không thể tìm thấy tại các văn phòng trao đổi tiền tệ chính thức ở Syria.

Đối tượng chịu hệ lụy thực sự từ đòn trừng phạt Mỹ vào Syria - Ảnh 1.

Tiền tệ Syria đã sụt giảm nhiều khi nền kinh tế gặp thêm khó khăn. Ảnh: CBS News.

Một số mặt hàng, chẳng hạn như đường, gạo và thuốc đang trở nên khó tìm. Nhưng Ibrahim Hamad, một chủ cửa hàng 32 tuổi ở Damascus, nói với CBS News rằng đối với anh ta, việc tìm sản phẩm không phải là vấn đề: "Dù sao tôi cũng không thể mua nó. Tiền lương của tôi hiện tương đương 16USD" mỗi tháng.

"Khi đồng nội tệ mất giá trị, giá cả sẽ tăng mạnh. Thịt không nằm trong danh sách mua sắm của hầu hết mọi người, kể cả bản thân tôi, tất nhiên. Không nghi ngờ gì về điều đó", Hamad nói. "Ở nhà cũng không có rau," anh lẩm bẩm khi đi bộ về nhà.

Mức lương của một nhân viên chính phủ Syria điển hình tương đương khoảng 200 USD mỗi tháng vào tháng 3 năm 2011, nhưng với sự mất giá của bảng, gói thanh toán tương tự hiện chỉ có giá trị khoảng 15 đến 20 USD mỗi tháng. Nó chỉ đủ để trang trải các đồ từ tiệm tạp hóa, và sự sụp đổ của nền kinh tế đã nghiêm trọng hơn trong sáu tháng qua, khi đồng bảng suy yếu mạnh đến mức tiền lương trở nên ít giá trị hơn.

Thắt chặt các định chế tài chính

Các đồng minh của Syria, Nga và Iran đã thành công trong việc bảo vệ ông Assad trước các cuộc tấn công được Mỹ hậu thuẫn, nhưng các nhà phân tích nói rằng họ không làm được gì nhiều để giúp đỡ nền kinh tế thất bại ở Syria.

"Các đồng minh Syria sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ chính phủ Syria, nhưng những gì họ có thể cung cấp còn hạn chế. Tình hình kinh tế rất nghiêm trọng, và Moscow và Tehran cũng có vấn đề kinh tế của riêng họ", một nhà phân tích Syria, xin giấu tên, nói với CBS News.

Đạo luật Caesar có thể sẽ khiến các quốc gia này, và cả các quốc gia khác, không còn muốn sẵn lòng giúp đỡ Syria, bao gồm các tổ chức ở Vịnh Ba Tư và Châu Âu đã duy trì một số liên kết kinh tế với Damascus. Kể từ thứ Tư, bất kỳ tổ chức, công ty hoặc quan chức nào tài trợ cho chính phủ Syria bằng mọi cách có thể bị cấm đi lại, từ chối tiếp cận vốn và thậm chí đối mặt với khả năng bị bắt giữ.

Như Nhà Trắng đã nói hôm thứ Tư, toàn bộ vấn đề là tăng sức ép lên ông Assad, nhưng chính phủ Syria đã lên tiếng rằng các lệnh trừng phạt này là "khủng bố kinh tế" và nói rằng sẽ chỉ làm tăng thêm nỗi khổ của người dân Syria.

Các vòng trừng phạt trước đây do Hoa Kỳ áp đặt đã gây ảnh hưởng nặng nề cho Syria. Trong khi nền kinh tế của nước này bị xáo trộn, nhiều người Syria đã giữ tiền mặt của họ an toàn trong tài khoản ngân hàng ở nước láng giềng Lebanon. Nhưng dưới áp lực từ Washington, Lebanon có thể gây khó khăn hoặc không thể cho người Syria tiếp cận tiền của họ. Điều đáng lo là vòng trừng phạt mới này sẽ thắt chặt các sức ép hơn nữa.

Tăng cường sức ép

Các cuộc biểu tình chống chính phủ, điều hiếm khi xảy ra kể từ lúc Assad giành lại thế thượng phong trong cuộc chiến hiện tại, đã nổ ra ở thành phố phía nam Sweida vào Chủ nhật tuần trước, và đã tiếp tục diễn ra trong tuần này. Những người biểu tình hô vang yêu cầu cải cách chính phủ và điều kiện sống tốt hơn.

Một tuần trước, ông Assad đã cách chức Thủ tướng Imad Khamis, người đã giữ vị trí này từ năm 2016. Không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra, nhưng các nhà quan sát giải thích động thái này là phần nào hướng đến làm dịu sự tức giận ngày càng tăng đối với cuộc khủng hoảng kinh tế.

"Cuộc khủng hoảng Syria sẽ tiếp tục leo thang", Saad Hourani, một nhạc sĩ 25 tuổi, chơi tại một nhà hàng Damascus, nói với CBS News. Ông nói rằng những người duy nhất bị trừng phạt bởi lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ sẽ là "những người Syria ở nhà, không ai khác".

"Ông Assad sẽ không chịu thua. Đó là một con đường rõ ràng đối với một chính quyền đã chứng minh sự bền bỉ bất chấp mọi thách thức không có hồi kết", Faten Shallah, một giáo viên toán 44 tuổi tại một trường trung học ở Damascus dự đoán.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ