• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đòn giáng từ Trung Quốc, Mỹ “phản kích” cái giá phải trả cuối cùng

Thế giới 06/02/2018 09:15

(Tổ Quốc) - Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung từ nông sản tới ly gián quan hệ.  

Chưa đầy 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế cao đối với pin mặt trời và máy giặt nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ.

Động thái này của Bắc Kinh được dự báo giáng một đòn mạnh vào vụ thu hoạch cao lương sắp tới của Mỹ, khiến toàn bộ ngành trồng trọt của Mỹ rung chuyển. Phần lớn cao lương xuất khẩu của Mỹ được ngành chăn nuôi gia súc của Trung Quốc tiêu thụ.

 Trung Quốc đang nghiên cứu đánh thuế cao vào cao lương Mỹ, gây thiệt hai cho các nhà nông Mỹ.

Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu cao lương và đậu nành từ Mỹ. Đây là các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc.

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, năm 2017, Mỹ xuất khẩu 4,76 triệu tấn cao lương, trị giá khoảng 1,1 tỷ USD, sang Trung Quốc, trong khi tổng lượng nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc là khoảng 5 triệu tấn.

Giá trị xuất khẩu cao lương của Mỹ sang Trung Quốc lớn gấp 2 lần giá trị tấm hợp kim nhôm của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Tấm hợp kim nhôm của Trung Quốc cũng là đối tượng của biện pháp thương mại gần đây của Mỹ.

Theo thông tin từ Bắc Kinh, Mỹ xuất khẩu cao lương sang Trung Quốc với giá trị thấp hơn mức thông thường, gây thiệt hại cho nhà sản xuất cao lương tại Trung Quốc, vốn là sản xuất nhỏ lẻ.

Động thái này của Bắc Kinh diễn ra sau một năm Bắc Kinh đánh nặng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ngũ cốc sấy khô từ phụ phẩm chưng cất – một thành phần thức ăn chăn nuôi (DDGS) nhập khẩu từ Mỹ. Gần đây, Trung Quốc đã giảm thuế VAT đối với nhập khẩu DDGS.

Mỹ cảnh tỉnh và lý gián

Phát biểu tại Trường Đại học Texas trước khi lên đường thăm 5 nước Mỹ Latinh (Mexico, Argentina, Peru, Colombia và Jamaica), Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho rằng: “Trung Quốc ngày nay có một chỗ đứng vững chắc ở Mỹ Latinh. Bắc Kinh đang sử dụng các đạo luật kinh tế để lôi kéo khu vực này  vào quỹ đạo của mình. Câu hỏi được đặt ra - cái giá của điều đó là gì”.

Ông Tillerson nói: “Mặc dù mối quan hệ thương mại này mang lại nhiều lợi ích, nhưng hoạt động kinh doanh không lành mạnh mà nhiều người Trung Quốc sử dụng cũng làm tổn hại đến các lĩnh vực sản xuất của những quốc gia này, dẫn đến thất nghiệp và giảm thu nhập của người lao động… Châu Mỹ Latinh không cần thêm những thế lực đế quốc mới chỉ tìm kiếm lợi ích cho người dân của họ. Mô hình phát triển của nhà nước Trung Quốc gợi lại quá khứ (chủ nghĩa thực dân châu Âu). Đó không phải là tương lai của các nước ở Tây Bán cầu”.

 Mỹ trình làng máy bay chiến đấu F-35, kêu gọi các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng kháng cự với Trung Quốc tại Biển Đông.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói: “Trung Quốc, như họ đang làm tại các thị trường đang lên trên toàn thế giới, mang đến thứ trông như một con đường hấp dẫn để phát triển, nhưng trong thực tế những điều này chỉ là lợi ích thương mại ngắn hạn và (kéo theo) sự phụ thuộc dài hạn” và cái giá cuối cùng là rất nặng nề.

Đây không phải lần đầu tiên người Mỹ phê phán cách làm ăn của người Trung Quốc trên thế giới, nhưng nói tới mức như ông Tillerson cũng chưa từng có. Các phát biểu này diễn ra sau khi chính quyền Mỹ chỉ trích Trung Quốc một cách gay gắt và có hệ thống tại Chiến lược An ninh Quốc gia (tháng 12/2017) và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (tháng 1/2018) cho thấy Mỹ bắt đầu phản kích lại Trung Quốc trên mặt trận dư luận quốc tế, ly gián Trung Quốc với các đối tác kinh tế, nhằm lôi kéo và tập hợp lực lượng quốc tế mới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức ra tuyên bố khẳng định sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh là dựa trên lợi ích chung và nhu cầu chung. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Những gì mà Mỹ nói là hoàn toàn trái ngược với sự thật và cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với đại đa số các nước Mỹ Latinh”. Theo Người phát ngôn, “sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh dựa trên sự bình đẳng, tương hỗ, cởi mở và toàn diện… và (Trung Quốc) hy vọng rằng các quốc gia có liên quan sẽ từ bỏ khái niệm lỗi thời và nhìn sự phát triển mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ Latinh theo cách cởi mở và toàn diện”.

Chính sách và quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc đang đứng trước bước ngoặt thay đổi theo hướng đối địch. Chính quyền Trump đã từ bỏ chủ trương “can dự”, được các chính quyền trước đưa ra trong ảo tưởng chuyển hóa Trung Quốc theo quỹ đạo Mỹ và phương Tây. Mỹ đang theo đuổi một thứ văn hóa mới – văn hóa cạnh tranh. Ép để dẫn tới nhượng bộ./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ